ClockThứ Năm, 09/05/2024 10:32

Kích cầu du lịch nội địa “Người Việt đi du lịch Việt”

TTH - Trước bối cảnh du lịch nội địa còn gặp nhiều thách thức, việc phát động kích cầu du lịch nội địa “Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai được kỳ vọng sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực. Để đạt được hiệu quả, Thừa Thiên Huế cũng cần triển khai nhiều giải pháp.

Kích cầu du lịch và tạo thêm nhiều điểm đến hấp dẫn du kháchKích cầu phát triểnTăng quảng bá, thêm cơ hội thu hút khách đến HuếPhát huy thế mạnh du lịch - dịch vụ

 Giới thiệu các tour tuyến du lịch 2024 đến với khách

Cần kích cầu du lịch nội địa

Trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5 (từ 27/4 đến 1/5/2024), ngành du lịch ước phục vụ khoảng 8 triệu lượt khách, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2023. Đối với Thừa Thiên Huế, dịp lễ năm nay Cố đô thu hút khoảng 110.000 khách du lịch đến địa phương, tổng lượng khách đặt phòng lưu trú ước đạt 58.000 lượt (khoảng 43.000 khách nội địa và 15.000 khách quốc tế), tổng doanh thu ước đạt 170 tỷ đồng.

Dịp lễ 30/4 - 1/5 được xem là thời điểm khởi động mùa du lịch hè, mùa du lịch nội địa nước ta. Tuy nhiên, hoạt động du lịch nội địa đang đứng trước nhiều nỗi lo. Năm 2024, bên cạnh mục tiêu đón 18 triệu khách quốc tế, ngành du lịch kỳ vọng phục vụ 110 triệu khách nội địa; mục tiêu của Thừa Thiên Huế là khoảng 3,5 - 4 triệu lượt khách, trong đó khách nội địa chiếm khoảng 60-70%. Song, giá vé máy bay tăng cao đang là rào cản lớn, bởi chi phí di chuyển bằng đường hàng không có thể chiếm tới 50% giá tour.

Thực tế, du lịch Việt Nam nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng đang còn không ít thách thức. Theo các chuyên gia du lịch, mặc dù tiềm năng lớn nhưng sản phẩm du lịch vẫn chưa thực sự hấp dẫn, một số nơi còn tồn tại nhiều “hạt sạn” trong môi trường du lịch như nạn chèo kéo khách, “chặt chém” giá.

Bất cập cũ dù có cải thiện, nhưng với thách thức mới khiến ngành du lịch đối mặt nhiều âu lo trước mùa cao điểm hè. Trong bối cảnh giá tour tăng cao, nhất là giá vé máy bay, nhiều người chọn tour nước ngoài, không chỉ vì tâm lý sính ngoại mà bản chất của du lịch là khám phá những miền đất mới sẽ khiến cho du lịch nội địa gặp khó. Dòng tiền lại chảy sang nước ngoài, kéo theo nhiều ảnh hưởng từ công ty lữ hành, vận tải, đến cơ sở lưu trú, nhà hàng, khu vui chơi giải trí…

Bà Dương Thị Công Lý, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh chia sẻ, khách đặt phép so sánh giữa tour trong nước và nước ngoài trong bối cảnh giá vé các chặng bay trong nước cao, đẩy giá tour cao, tương đương với du lịch quốc tế, khách lại thích chọn đi khám phá nước ngoài. Đây là bài toán gây đau đầu với các doanh nghiệp lữ hành trong nước, điều này cần nhiều giải pháp kích cầu du lịch nội địa.

“Giữ chân” khách Việt

Tăng trưởng về lượng khách quốc tế là mục tiêu hướng đến, nhưng đồng thời cũng phải thu hút và “giữ chân” khách Việt, phát triển thị trường khách nội địa. Mới đây, ngày 19/4, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai hoạt động kích cầu du lịch nội địa năm 2024, định hướng và đề nghị các địa phương triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa với chủ đề “Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu”.

Trên thực tế, “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” là một kế hoạch được phát động vào năm 2020, góp phần kích cầu du lịch nội địa. Sau khi được phát động, chương trình này đã thu hút sự vào cuộc tích cực của các địa phương, hãng hàng không, doanh nghiệp liên quan du lịch để phục hồi, phát triển thị trường du lịch trong nước.

Việc phát động trở lại chương trình kích cầu du lịch nội địa “Người Việt đi du lịch Việt” là một định hướng phù hợp. Tuy nhiên, tình hình thực tế hiện nay có nhiều thay đổi, nên cách triển khai từ các ban, ngành, đơn vị cũng phải thay đổi để theo sát tình hình của ngành du lịch và của địa phương.

Để giữ chân khách Việt, tạo sức cạnh tranh cho du lịch nội địa, các bên trong chuỗi giá trị du lịch cần “ngồi lại” với nhau, cùng nghĩ tới lợi ích lâu dài. Các địa điểm ăn uống, vui chơi - cơ sở lưu trú - vận tải, đặc biệt là hàng không, là những yếu tố trụ cột quyết định sự phát triển của du lịch, rất cần sự hợp lực.

Bên cạnh các chính sách vĩ mô hỗ trợ về thuế, phí, sự điều phối chung của cơ quan quản lý du lịch quốc gia, thì các địa phương và doanh nghiệp cũng cần thể hiện vai trò trong việc kích cầu du lịch nội địa.

Đối với Thừa Thiên Huế, trên những tiềm năng, lợi thế sẵn có, cần quan tâm xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn và liên tục làm mới, gia tăng trải nghiệm cho khách và nâng cao chất lượng dịch vụ. Cùng với liên kết vùng “5 địa phương 1 điểm đến”, cần thêm liên kết giữa địa phương với ngành vận tải để tạo ra nhiều tour tuyến mới lạ, độc đáo, tăng trải nghiệm cho du khách, như đoàn tàu “Kết nối di sản miền Trung” giữa Huế - Đà Nẵng vừa vận hành đang có hiệu ứng tốt.

Ngành du lịch địa phương cũng cần mạnh tay hơn với những vấn nạn làm xấu môi trường du lịch, nhất là tình trạng “chặt chém”, ngăn chặn tư duy làm ăn chụp giật ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, trong chương trình kích cầu năm nay, Thừa Thiên Huế sẽ tập trung vào các sản phẩm nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, MICE kết hợp tham gia hoạt động, lễ hội, giải thể thao trong Festival Huế, các sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa di sản, nghệ thuật, vùng nông thôn, sông hồ, suối thác; giới thiệu tuyến tàu du lịch Huế - Đà Nẵng “Kết nối Di sản Miền Trung” và các sản phẩm dịch vụ đi kèm, các sản phẩm/tour du lịch xanh, tour gắn với trải nghiệm áo dài truyền thống và ẩm thực địa phương. Bên cạnh đó, sẽ nỗ lực “làm sạch” môi trường du lịch; truyền thông, quảng bá, đưa hình ảnh du lịch Huế an toàn, thân thiện đến với du khách thập phương.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống

Chiều 18/12, tại Khách sạn Saigon Morin diễn ra Hội thảo khoa học Quốc gia “Phát huy giá trị âm nhạc truyền thống Huế trong phát triển văn hóa, du lịch” do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức.

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống
Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét

Sáng 18/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch với chủ đề: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển Đất nước trong kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét
Kết nối các tuyến, điểm phát triển du lịch

Huế có tiềm năng phát triển du lịch, nhưng vẫn còn hạn chế trong việc liên kết phát triển du lịch, nhất là kết nối giữa các điểm đến, kết nối điểm đến với doanh nghiệp lữ hành. Đây là điểm cần khắc phục để tăng sức hấp dẫn và tạo ra nhiều trải nghiệm thu hút khách.

Kết nối các tuyến, điểm phát triển du lịch
Phát triển các tiện ích, hệ sinh thái du lịch thông minh

Sự tác động của cuộc cách mạng 4.0 đã kéo theo sự phát triển của xu hướng du lịch thông minh. Các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành du lịch không chỉ ứng dụng công nghệ thông tin để tạo ra các sản phẩm mới, giúp nâng cao trải nghiệm của du khách mà còn cần những sự thay đổi phù hợp với tình hình mới.

Phát triển các tiện ích, hệ sinh thái du lịch thông minh
Thành phố ẩm thực

Từ mạch nguồn Thuận Hóa - Phú Xuân gần 720 năm trước, Huế có nguồn tài nguyên tinh hoa ẩm thực, mang lại lợi thế cạnh tranh cho du lịch Cố đô. Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương mang lại cho Huế vận hội mới mà nhắc đến Huế, cùng với những sắc diện tươi mới, người ta sẽ nghĩ ngay đến một thành phố ẩm thực của tinh hoa hội tụ.

Thành phố ẩm thực

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top