Chỉ riêng tiêu chí bảo hành cho những sản phẩm giá trị đã khiến cơ sở ông Thùy thu hút nhiều đơn hàng. Khách phần lớn là người đã có tuổi, khá kén chọn. Cụ Phan Văn Lại, tuổi ngoài 70, từ Quảng Bình mang chiêng vào lấy tiếng tấm tắc: “Làng tui đánh chiêng hơn chục năm thì hư tiếng nên gửi vô đây bảo hành. Chừ tui vào lấy chiêng về, chỉnh sửa không mất đồng mô hết anh chị ơi”!
Tiền nhân là người ngoài Bắc vào kinh thành Huế lập nghiệp. Cha ông là Nguyễn Văn Dưỡng, người làm nghề có tiếng thời bấy giờ, từng được vua triệu vào Nội chạm bạc một số đồ ngự dụng và đồ trang trí. Ông Thùy kể về cha đầy tự hào: “Gò đồng giống như nghề thợ kép, chỉ chuyên làm đẹp, vì vậy, cần một đôi tay tài hoa và cái đầu sáng tạo. Cha tui chạm tranh rồng phượng không cần bản vẽ mà vẫn mềm mại, sắc nét. Có lần cha với ông Phú trên Kim Long được ngài giao sửa chữa cành vàng lá ngọc. Lỡ ăn chơi hết tiền, hai ông suýt bị chém đầu. May ngài tiếc tay nghề nên tha cho, lại cấp tiền về làm cho xong việc. Thời ấy, người ta gọi ông là bá nghệ vì ông giỏi các nghề liên quan đến kim khí. Ông đúc lựu đạn cho Việt Minh bị Tây phát hiện, chúng đốt nhà và dọa giết mấy lần”.
Tuổi thiếu thời, cậu bé Thùy đã cầm búa theo cha, bởi gò đồng đòi hỏi năng khiếu và chịu khó. Làm ẩu thì bị gõ đầu, quất roi. Bụng không ưng nhưng tay phải làm vì muốn chiều lòng cha. Giúp con nuôi lòng yêu nghề, cha ông gửi ông vào học ở trường Bá Nghệ (Trường cao đẳng Công nghiệp hiện nay). Được đào tạo bài bản cộng với những bí quyết cha truyền cho, ông Thùy nhanh chóng trở thành thợ giỏi. 24 tuổi, ông ra làm riêng rồi vào làm công nhân Nhà máy xi măng Long Thọ. Giai đoạn 1975-1980, ông chỉ đạo và phụ trách gò 9 lò xi măng. Thuở ấy chỉ dùng sắt 1 phân, gò miệng phễu đường kính 2,5 m là một kỳ công. Chỉ riêng phần việc này đã khiến danh tiếng ông nổi như cồn. Ngày ấy ông là thợ bậc 7, ăn lương 100 đồng nhưng thương cha già tuổi cao sức yếu vẫn cặm cụi làm nghề, ông Thùy rời nhà máy về nhà nối nghiệp cha.
Từ một tấm đồng thô, người thợ gò chẳng khác gì một họa sĩ tạo hình, “vẽ” hoa văn bằng hàng trăm, hàng nghìn đường búa... Sản phẩm làm ra là bức hoành phi rồng chầu trị giá hàng chục triệu đồng. Hay những chiếc độc bình tinh xảo, độc đáo... Họa tiết trên sản phẩm phải mềm, phải sắc; nếu không quen tay, hay việc, không đạt được độ tinh trong gò đồng. Mặt hàng ông Thùy làm ra chủ yếu là chiêng, đồ thờ cúng, hoành phi, câu đối... nhưng nổi tiếng nhất vẫn là chiêng. Chiêng của ông lên tiếng hay, bền, lại được bảo hành mươi, mười lăm năm nên khách hàng đều chuộng. Nhìn ông đi từng đường búa thẩm âm cho chiêng mới thấy giá trị của cái tai và đôi tay bậc lão làng. Người nhà ông Thùy kể: 100 đường búa là 100 tiếng khác nhau, ông đi đường búa như ăn cơm hàng ngày nên tinh lắm. Làm một sản phẩm như sinh một đứa con tinh thần, nhìn mặt hàng ông có thể nhận ngay là do tay mình làm ra.
Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Đình Kết, xưa, có nghề gò đồng (gốc ở Lại Bái - còn gọi là Đại Bái - Bắc Giang) bịt bạc, bịt vàng chuyên phục vụ cho các gia đình quyền quý hoặc làm đồ trong cung. Sau khi triều đình nhà Nguyễn cáo chung, nhu cầu không còn là nghề cũng mai một lần, chỉ còn nghề gò đồng. Ông Nguyễn Văn Thùy là một trong những người thợ giỏi còn lại ở Huế.
|
Khéo tay và sáng tạo, ông Nguyễn Văn Thùy còn gia công một số mỹ thuật phẩm có cốt bằng đồng đỏ ở một số công trình lăng tẩm, đình làng, chùa chiền. Hơn 50 năm làm nghề, ông chưa bao giờ từ chối một yêu cầu nào của khách hàng trong Nam, ngoài Bắc. Đơn giản là chiếc nồi nấu bún Huế và phức tạp là sửa chữa các món đồ cổ quý hiếm. “Yêu cầu càng khó, tui càng ưng. Người ta chọn mặt gửi vàng thì mình không được phụ sự tin tưởng của họ”, người thợ tài hoa tâm sự. Sản phẩm để đời của ông là chiếc chiêng đồng gò bằng tay nặng 50 kg, đường kính 1,5m theo đặt hàng của Hiệp hội thủ công mỹ nghệ làng nghề Hà Nội mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Phía trước chiêng chạm hình rồng vờn mây chầu Quốc huy, dưới là hình ảnh Khuê Văn Các. 10 lần vô lửa, 10 ngày thẩm âm, chiêng có tiếng ngân trong 10 giây và tuổi thọ kéo dài 80 năm. Còn nhớ lần ra mắt sản phẩm, anh Bùi Văn Phú, thành viên Ban chấp hành Hiệp hội làng nghề Đúc TP Huế tấm tắc: “Có lẽ đây là chiếc chiêng gò bằng tay lớn nhất ở Việt Nam đến thời điểm này được làm ra bởi người thợ gò đồng hiếm hoi còn lại ở Huế. Người ta bỏ qua cả làng nghề Đại Bái để vào đây nhờ bác Thùy làm sản phẩm dâng tiến mừng đại lễ là một niềm vinh hạnh lớn lao”.
Không có học trò phụ việc, ở tuổi 75, ông Thùy vẫn cần mẫn vừa thực hiện sản phẩm, vừa dạy việc cho người con trai. “Yêu nghề là nghề giỏi, tui cứ truyền cho con nhưng lĩnh hội được bao nhiêu còn tùy thuộc vào năng khiếu mỗi người. Hy vọng là nó tiếp tục giữ nghiệp cha ông. Hôm trước đọc báo, nghe người ta than phiền có một số người mang hàng Trung Quốc trà trộn vào làng nghề Đúc mà tui xót xa. Làm ăn có đức, có bền nghề mới thịnh. Mình “vàng” thật thì tiếng còn để đời”, người thợ già đúc kết.
Tuệ Ninh
Chiếc đỉnh mùa xuân được tạo hình từ đôi tay của người thợ tài hoa