ClockThứ Năm, 19/01/2012 14:04

Đầu năm, gặp những người giữ hồn cho nghề truyền thống

TTH - Một người là nghệ nhân chạm khắc gỗ cuối cùng từng phục vụ trong Hoàng cung triều Nguyễn. Một người nối nghiệp cha làm "thăng hoa" các sản phẩm điêu khắc mộc mỹ nghệ. Họ "gặp nhau" ở niềm đam mê với nghề và không ngừng "truyền lửa" cho thế hệ sau nối tiếp nghề truyền thống.

Trọn đời theo nghiệp chạm khắc, sơn son thếp vàng

Năm nay đã bước sang tuổi 94, cụ Phan Thế Huề, làng Phò An, xã Phú Dương (Phú Vang) đã có thâm niên hơn 80 năm gắn bó với nghề chạm khắc, sơn son thếp vàng. Giờ đây, sau mấy chục năm theo nghề, xương cốt cụ không còn vững chắc, bệnh tật bắt đầu tìm đến, mặc dù tai đã có phần nghễnh ngãng nhưng trí óc cụ vẫn minh mẫn lắm.. Ấy vậy nên khi nghe nhắc đến nghề, cụ cười rạng rỡ và chỉ cho chúng tôi thấy bức hoành phi “Vi thiện duy bửu” (lấy thiện làm quý) được treo trang trọng trong nhà. Bức hoành do chính tay cụ chạm trổ, sơn thếp bằng vàng y hơn 50 năm trước. Anh Phan Thế Lâm, một trong hai người con nối nghiệp gia đình, thay cha kể cho chúng tôi nghe về “anh Huề thợ chạm” lừng danh một thời. Năm lên 10, cụ Huề bắt đầu theo anh trai học nghề chạm khắc. Nhờ tinh ý, nhanh nhẹn nên chỉ sau 5 năm, cụ được “ra riêng” làm ăn. Sau đó, cụ mày mò tìm hiểu và học thêm nghề sơn son thếp vàng từ các lò sơn thếp có tiếng bấy giờ ở Gia Hội, Vĩ Dạ.
 
Đúng như tên gọi, nghề này có hai công đoạn chính là sơn son và thếp vàng. Xưa, có 3 dạng thếp gồm thếp vàng, thếp bạc và thếp dụ. Trong đó, thếp dụ dành cho những gia đình có ít tiền, bởi dụ (bột nhũ) rất nhanh “xuống” màu, lại không đẹp. Trước khi thếp, người thợ sẽ dùng sơn ta phết lên một lớp màu đỏ tươi (màu son), đợi khi nước sơn lên bóng rồi mới thếp vàng lá lên bề mặt sản phẩm. Hoặc, xay mịn vàng rồi rải lên, dùng chổi quét thật đều. Nếu là thếp bạc, thì thay lá vàng bằng lá bạc (hoặc bạc xay mịn), cuối cùng quét một lớp sơn ta. Vì vậy, các sản phẩm thếp bạc thường có ánh bạc, trong khi thếp bằng vàng lá sẽ “sáng mãi với thời gian”.
 

Anh Phan Thế Lâm, con trai cụ Huề, người nối nghiệp cha giữ nghề truyền thống

 
Ngày trước, nghề sơn thếp “thịnh” lắm. Các quan lại, gia đình có thế lực đều muốn thếp vàng, thếp bạc để thể hiện sự giàu có, quyền quý của gia môn. Họ tìm đến đặt hàng. Từ bức bình phong, hoành phi, câu đối, đến tranh ảnh, đồ trang trí... khi qua tay cụ Huề đều đạt đến độ tinh xảo. Cụ Huề nhớ lại: “Ngó đơn giản rứa thôi, chớ để theo được nghề chạm khắc đã khó mà nắm được những tuyệt kỹ của nghề sơn thếp càng công phu hơn. Sơn son thếp vàng là tổng hoà của nhiều nghề khác nhau, đòi hỏi tính thẩm mỹ cao và cả năng khiếu bẩm sinh của người thợ”.
 
Nhờ giỏi nghề, cụ Huề được Bộ Công triệu vào Hoàng cung đảm nhận việc sửa chữa các công trình trong cung cùng với các thợ khác. Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, đội thợ giải thể. Cụ Huề về quê mở xưởng tiếp tục làm nghề chạm khắc, sơn thếp các loại đồ thờ và trang trí cho các đình, chùa, nhà thờ họ. Những năm 1977-1978, cụ được mời vào làm việc tại Trung tâm Khuếch trương tiểu công nghệ (đóng tại cung Trường Sanh) và giảng dạy bộ môn điêu khắc tại Trường CĐ Mỹ thuật Huế (nay là ĐH Nghệ thuật). Từ đây, hàng trăm học trò của cụ trưởng thành, toả đi nhiều nơi mở xưởng, lập nghiệp. Riêng cụ Huề, từng được Liên hiệp HTX Tiểu thủ công nghiệp Trung ương tặng huy chương Bàn tay vàng trong nghề điêu khắc gỗ truyền thống xứ Huế. Về sau, cụ xin nghỉ về mở xưởng tại nhà, đào tạo cho nhiều thế hệ học trò mới. “Bây giờ, cả làng Phò An có gần 20 thợ chạm khắc lành nghề đều do một tay thầy Huề dạy cả”, Anh Phan Thế Vi, người con thứ hai nối nghiệp cha tự hào cho biết.
 

Cụ Huề và chứng nhận huy chương Bàn tay vàng lần thứ nhất, do Liên hiệp HTX
tiểu công nghiệp-thủ công nghiệp Trung ương trao tặng tháng 6-1978

 
Anh Vi còn kể: “Ngày hai anh em cầm cái dùi, cái đục theo cha học nghề, bài học đầu tiên mà cha dạy là phải có lòng đam mê. Nghề này đòi hỏi phải tỉ mỉ, khéo léo và nghiêm cẩn nên ai không thực sự yêu nghề sẽ bỏ cuộc ngay”. Nối nghiệp cha, đến nay, anh Lâm và anh Vi mở xưởng riêng. Xưởng sản xuất của các anh được nhiều người biết đến là nơi chuyên nhận hàng đặt cao cấp về đồ thờ truyền thống, đồ gia dụng kiểu Huế. Sau thời gian vắng bóng, mươi năm trở lại đây, hàng chạm khắc, sơn thếp dần lấy lại thị trường. Người ít tiền thì mua lấy cái bàn thờ, lư hương, đế đèn… những gia đình khấm khá thì khôi phục lại từ đường, các món hàng hoành phi, câu đối, hương án… Tháng nào cũng có vài ba đơn đặt hàng. “Năm tới, tui định mở rộng xưởng sản xuất và khi có đủ điều kiện sẽ mở lớp dạy nghề cho những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là những người khuyết tật” - anh Lâm bật mí về mong muốn “góp phần giữ gìn và phát triển nghề” của mình như vậy.
 
Người nghệ sỹ “thổi hồn” vào gỗ
 
Tìm đến nhà nghệ nhân Nguyễn Văn Chư, chủ cơ sở mộc mỹ nghệ Ngự Bình (TP Huế) vào một buổi chiều đông se lạnh, chúng tôi được ông đón tiếp rất nhiệt tình trong căn nhà như một bảo tàng thu nhỏ các tác phẩm điêu khắc từ gỗ. Bằng giọng nói khỏe, đầy nhiệt huyết, ông kể cho chúng tôi những trăn trở và kỷ niệm trong nghề. Cụ Nguyễn Văn Hối, cha của ông Nguyễn Văn Chư, là một trong những nghệ nhân có danh ở đất thần kinh. “Cha tôi rất đa tài. Chính ông là người vẽ phục chế các họa tiết trang trí nội thất trên trần và xung quanh tường của Hữu Vu (thuộc Đại Nội Huế) sau ngày giải phóng. Những bức họa đó, đến nay vẫn còn”, ông Chư mở đầu câu chuyện.
 

Nghệ nhân Nguyễn Văn Chư bên tác phẩm đoạt giải và các sản phẩm điêu khắc tinh xảo

 
 
Ngay từ nhỏ, ông đã được thừa hưởng cái “lửa nghề” của cha. Lớn lên, đi học rồi chẳng biết duyên nợ thế nào ông lại quyết định theo cái nghề này. Gần sáu mươi tuổi đời với hơn hai mươi năm gắn bó nghề điêu khắc gỗ, nhưng trong lòng ông lúc nào cũng đau đáu một điều “làm thế nào để tạo ra những tác phẩm có hồn”. Nhấp một ngụm trà, ông trầm ngâm kể: “Về sau, khi học hết những ngón nghề tuyệt kỹ chạm khắc của cha, tôi cứ băn khoăn mãi. Bởi các sản phẩm làm ra hầu hết đều mang tính rập khuôn, ít có “đất” cho mình sáng tạo”. Với trăn trở đó, ông vận dụng những cái được, học, chuyển hướng sang làm những sản phẩm thủ công mỹ nghệ giàu tính thẩm mỹ từ gỗ.
 
Cái khó khi điêu khắc là với một khúc gỗ, một gốc cây, người thực hiện phải biết tư duy, tưởng tượng trước khi cầm đục, cầm dùi. Do vậy, các tác phẩm điêu khắc của ông, ngoài giá trị về kinh tế, nghệ thuật, thẩm mỹ còn chứa đựng cái hồn của nghệ nhân tài hoa, tâm huyết. Chỉ vào bức phù điêu “Long phụng kỳ duyên”, tác phẩm mang về cho ông giải Bạc tại Hội thi hàng thủ công mỹ nghệ Toàn quốc năm 2008, ông kể: “Bức phù điêu này đã “lấy” mất của tôi khá nhiều công sức và tâm huyết. Từ lúc “thai nghén” ý tưởng đến tìm khối gỗ phù hợp, rồi trau chuốt từng đường chạm, tạc nên”.
 
Ông bộc bạch: “Để làm ra một tác phẩm điêu khắc thì rất đơn giản, với một người có chút tay nghề cũng có thể làm. Nhưng để có sản phẩm mang cái hồn mới khó, không chỉ ngày một ngày hai là làm được”. Từ những gốc cây tự nhiên, ông đã sáng tạo nên nhiều sản phẩm đầy tính nghệ thuật và có tính ứng dụng cao trong cuộc sống như bình hoa, những bộ bàn ghế, đồ trang trí, cặp đối cách điệu… được nhiều khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng, tìm mua. Bí quyết nằm chính ở những chi tiết tinh tế, cầu kỳ và vẻ đẹp từ từng nhát đục đẽo để lại nguyên chất gỗ, vân gỗ, tạo vẻ đẹp tự nhiên cho mỗi tác phẩm. Có vậy mới tạo nên phần hồn của một sản phẩm thủ công truyền thống.           
 

Liên Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top