ClockThứ Ba, 01/07/2014 11:58

Phong Điền giữ nghề truyền thống

TTH - Phong Điền được biết đến với nhiều ngành nghề truyền thống, song quy mô hoạt động sản xuất nhỏ lẻ hoặc theo hộ gia đình, vốn ít, lao động tay nghề thấp. Tăng nguồn lực, mở rộng quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm... là mục tiêu mà Phong Điền xác định trong thời gian tới.

Phát triển trong khó khăn

Điêu khắc, mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên

Từ nay đến năm 2015, Phong Điền phấn đấu hàng năm giải quyết việc làm cho hơn 500 lao động nông thôn; 6.500 lao động tham gia sản xuất ở ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề; 80% số xã, thị trấn có điểm tập trung sản xuất ngành nghề tiểu thủ công nghiệp. Toàn huyện khôi phục 03 làng nghề (nón lá Phong Sơn, đệm bàng Phò Trạch, điêu khắc mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên) đạt các tiêu chí về làng nghề hoặc làng nghề truyền thống.

Thống kê của UBND huyện Phong Điền, toàn huyện hiện có 8 nghề truyền thống và 11 nghề tiểu thủ công nghiệp tự do. Đó là, điêu khắc, mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên Phong Hòa; đệm bàng Phò Trạch ở Phong Bình; tương măng Phong Mỹ gắn liền với các cơ sở Hoàng Cúc, Viễn Diệu...

Hầu hết các nghề truyền thống và nghề tiểu thủ công nghiệp hoạt động khá ổn định, giải quyết nhiều việc làm cho lao động tại địa phương. Ngay như ở làng điêu khắc, mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên có 77 lao động, thu nhập bình quân từ 3,5 đến 4,5 triệu đồng/người/tháng. Nghề đệm bàng Phò Trạch cũng có hơn 120 hộ, với 240 lao động đang tham gia sản xuất các mặt hàng từ đệm bàng. Ở Phong Mỹ hiện có khoảng 20 cơ sở và hộ gia đình sản xuất tương măng và tạo việc làm cho hơn 80 lao động. Thu nhập bình quân đối với mỗi cơ sở, hộ gia đình từ 15 đến 20 triệu đồng; người lao động hơn 500 ngàn đồng/tháng.
Tuy nhiên, các nghề truyền thống cùng chung một khó khăn là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chưa chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất, thị trường tiêu thụ chưa ổn định, nên đời sống người lao động chưa thực sự cải thiện.
“Thị trường tiêu thụ không ổn định, thợ lành nghề rời làng đi làm ăn xa, thiếu vốn mở rộng quy mô sản xuất... chính là những cản trở sự phát triển của làng”, nghệ nhân Ngô Đức Phi, làng điêu khắc, mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên cho biết. Chị Võ Thị Kim Cúc, chủ cơ sở tương măng Hoàng Cúc thừa nhận: “Thiếu măng nguyên liệu, nên sản phẩm sản xuất ra còn hạn chế, phụ thuộc vào mùa vụ. Nếu UBND xã Phong Mỹ cấp đất để trồng tre lấy măng, chúng tôi chủ động hơn nguồn nguyên liệu”.
Chú trọng đến các chính sách
“Làm gì cũng phải chú trọng đến các chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có ngành nghề phù hợp được hưởng các chính sách về đất đai, xây dựng kết cấu hạ tầng cụm, điểm tiểu thủ công nghiệp, cụm làng nghề, chính sách ưu đãi đầu tư, khuyến khích thu hút lao động, chính sách đào tạo, chính sách tiêu thủ sản phẩm...”, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, ông Nguyễn Đại Vui khẳng định. 
Những ngành nghề truyền thống như điêu khắc, mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên cần được tăng cường may móc, chuyển giao KHCN hiện đại để nâng cao chất lượng, giá trị sử dụng của sản phẩm. Huyện chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ sở làng nghề đào tạo, giải quyết việc làm cho khoảng 100 lao động có tay nghề cao. Với nghề tương măng Phong Mỹ, huyện phối hợp tổ chức hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, ký gởi sản phẩm vào các siêu thị trong và ngoài tỉnh. Những ngành nghề khác, như kim hoàn Điền Môn, rèn Hiền Lương, nón lá Phong Sơn... tổ chức mô hình trình diễn, gắn các tour du lịch sinh thái để vừa giới thiệu, vừa bảo tồn làng nghề.
Bên cạnh đó, huyện Phong Điền cũng quan tâm vốn đầu tư hạ tầng và phát triển sản xuất; tăng cường vai trò quản lý Nhà nước; đổi mới công nghệ và các hoạt động khuyến công; giới thiệu, quảng bá sản phẩm cũng là những giải pháp quan trọng để ngành nghề tiểu thu công nghiệp và các làng nghề truyền thống ở Phong Điền ngày càng phát triển.
Bài, ảnh: Anh Phong
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top