ClockThứ Hai, 27/03/2023 10:22

Một ngày & 500 ngàn đồng

TTH - Nếu du lịch Huế có thêm nhiều sản phẩm mới, dịch vụ đa dạng, đẳng cấp hơn thì việc du khách ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn không phải là điều gì quá xa vời.

Chạy bộ giữa non thiêng Bạch MãĐịa điểm Hóc Mụ Bồi - Nơi ghi dấu những chiến công oanh liệtRộn ràng mùa du lịch đầm phá

leftcenterrightdel
 Huế vẫn còn ít khách sạn cao sao

Tôi có người quen ở Quảng Bình dự kiến vào Huế để họp lớp nhân kỷ niệm 50 năm ra trường dịp hè này. Lứa của bác bây giờ ai cũng đã ngoài 70. Kể cả vợ con, cháu chắt cũng tầm hơn 100 người. Tôi liên hệ đặt khách sạn 4 sao bên bờ sông Hương. Mọi việc đâu vào đó, giá cả cũng phải chăng. Chỉ có điều băn khoăn nhất là giới thiệu sản phẩm làm quà tặng. Làm thế nào để vừa ấn tượng nhưng cũng phải có giá trị, “phải dùng được” - bác nhấn mạnh.

Suy nghĩ, tìm kiếm, nhờ bạn bè… cuối cùng tôi cũng giới thiệu được cho bác sản phẩm đèn ngủ từ trúc chỉ. Thật ra cái này trên mạng cũng bán nhiều, nhưng Huế có lợi thế, có xưởng sản xuất của vài họa sĩ có tiếng. Vậy là chốt đơn. Giá cũng vừa phải, tầm trên dưới 1 triệu đồng/sản phẩm. Nhưng đau đầu hơn cả là giới thiệu chỗ chơi, chỗ ăn, chỗ tiêu tiền cho 4 thế hệ, từ các cháu mầm non, tiểu học đến học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức… và cả các cụ ông, cụ bà. Ngoài các địa chỉ quen thuộc như Đại Nội, lăng các vua, cầu gỗ lim, các món đặc sản, khi họ hỏi về những sản phẩm mới… tôi ú ớ và tịt.

Ngẫm nghĩ lại mới thấy, lâu nay Huế vẫn chỉ quẩn quanh khai thác di sản. Mà những địa danh, di sản như Đại Nội, lăng vua Khải Định, chùa Thiên Mụ… khách đi một lần rồi thôi. Thế nên, những địa điểm tôi giới thiệu với người quen đều bị lắc đầu là vì họ đã từng đến Huế, đã đi và bây giờ không muốn đi nữa. Cũng dễ hiểu vì ai từng đến các di tích, danh lam thắng vừa nêu, ngoài cảnh đẹp, di tích di sản đồ sộ, kiến trúc đẹp, độc đáo… thì không còn gì đọng lại để níu kéo khách đến lần sau.

Vấn đề chúng tôi muốn đề cập ở đây là dịch vụ. Chưa có địa điểm di tích nào có những dịch vụ xứng tầm đi kèm để khi khách đến có cái mà thư giãn, trải nghiệm. Nghĩa là chưa hình thành được hệ sinh thái xung quanh các di tích, danh lam thắng cảnh. Thế nên, khách đến Huế chỉ chi tiêu chủ yếu cho việc ngủ, ăn uống, mua vé tham quan di tích, còn lại gần như các dịch vụ chưa có hoặc chưa đáng để khách rút hầu bao.

leftcenterrightdel
 Dịch vụ ở các khách sạn hạng sang sẽ góp phần nâng đẳng cấp du lịch Huế

Đó cũng là lý do tại sao khách đến Huế ít lưu trú dài ngày và mức chi tiêu khá thấp. Theo thống kê của Hội Lưu trú tỉnh, tầm khoảng 5 năm trước, bình quân ngày lưu trú của khách du lịch khi đến Huế khoảng 2,2 ngày. Sau đó giảm xuống 1,8 đến 1,7 ngày. Trước thời điểm dịch COVID-19 xảy ra tầm khoảng 1,5 ngày và bây giờ thì khoảng hơn 1 ngày một chút. Nhìn vào con số đó hẳn ai cũng thấy hiển nhiên là số ngày lưu trú của khách ở Huế càng ngày càng giảm. Điều đó cho thấy, thứ nhất du lịch Huế thiếu sức hút. Thứ hai các dịch vụ đi kèm không đủ hấp dẫn, không đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của du khách nên không thể cạnh tranh với những địa phương lân cận. Thế nên, họ chỉ ở Huế một đêm rồi rời đi, vào Đà Nẵng hoặc Hội An. Đó cũng là lý do tại sao hai địa phương nêu trên có bình quân ngày lưu trú cao hơn Huế. Như ở Đà Nẵng là 2,1 ngày đối với khách quốc tế và 2,3 ngày với khách nội địa. Hội An là 2,5 ngày đối với khách quốc tế và 1,9 ngày/khách nội địa.

Rõ ràng khi lưu trú lâu ngày hơn khách sẽ chi tiêu cao hơn không chỉ cho các dịch vụ cơ bản như ăn/ngủ/nghỉ mà còn các dịch vụ đi kèm. Như đợt du lịch Hội An năm ngoái cùng gia đình, khi đến xã Cẩm Thanh trải nghiệm dịch vụ chèo thuyền thúng để tham quan rừng dừa Bảy Mẫu, chúng tôi thấy cả một khúc sông đủ sắc màu của dù che nắng, rộn ràng của những bài hát sôi động trên sông, những tràng vỗ tay không ngớt cho tiết mục biểu diễn chèo thúng… Tất nhiên, đi kèm với đó là “tiền boa” từ du khách cho những người làm dịch vụ cùng với việc thuê thuyền thúng rồi lên bờ uống nước, ăn vặt, ăn no… cũng khiến chúng tôi tiêu tốn kha khá. Thế nên, người dân Hội An sống khỏe nhờ du lịch.

Đáng nói là khách chi tiền nhưng họ thấy vui, thấy xứng đáng khi được dùng dịch vụ. Thế nên họ mới quay lại lần sau và nhiều lần sau nữa. Họ quay lại rồi còn ở dài ngày, thế mới thấy cái hay, cái tài của người làm du lịch ở Hội An. Nghĩa là họ phải có điều gì đó khiến khách thích thú muốn quay trở lại. Như gia đình tôi, dù đã đi vài lần, mỗi lần cũng ở ít nhất là hai đêm, ba ngày vậy mà mỗi lúc hỏi con hè này đi đâu chúng luôn đồng thanh đi Hội An.

Du lịch Huế cũng hoàn toàn có thể làm được và còn nhiều hơn thế, khi mà chúng ta có quá nhiều lợi thế không chỉ di tích, di sản. Chỉ với các dòng sông chảy qua thành phố thôi, nếu biết khai thác hợp lý cũng đem lại nguồn thu không nhỏ. Ví như sông Hương ngoài dịch vụ thuyền rồng tự phát ăn xổi nhiều hơn chuyên nghiệp thì cũng có thể nghĩ đến du thuyền trên sông Hương cho khách hạng sang mỗi tối. Đôi bờ sông An Cựu nếu phát triển trên phố dưới thuyền kèm các trò chơi dân gian như dịch vụ đi thuyền ngắm sông Hoài ở Hội An cũng là một gợi ý hay. Rồi tour ngắm phá Tam Giang và ăn đặc sản trên sông nước, giữa gió trời mênh mang cũng là trải nghiệm không phải nơi nào cũng có được. Hay cũng có thể biến view thơ mộng ở các lăng vua thành điểm check-in kèm các dịch vụ ăn uống, giải khát có đầu tư bài bản… cũng là cách để kéo khách quay lại Huế nhiều lần.

Và khi đã quay lại, họ sẽ chi tiêu nhiều hơn, lưu trú nhiều hơn, chứ không chỉ ngủ một đêm và chi khoảng 500 ngàn đồng/ngày như hiện nay, chưa bằng một nửa mức chi của du khách nói chung khi đến Việt Nam, tầm khoảng 90 USD/ngày.

Bài, ảnh: Tâm Huệ
ĐÁNH GIÁ
3
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Âm nhạc “bắt tay” du lịch

Du lịch âm nhạc đã trở thành loại hình du lịch phổ biến và phát triển ở nhiều quốc gia tại châu Âu và châu Á. Ở Việt Nam, xu hướng thưởng thức âm nhạc kết hợp với du lịch đang dần được công chúng đón nhận và Huế đã có nhiều động thái để phát triển loại hình du lịch này.

Âm nhạc “bắt tay” du lịch
Đưa du lịch cộng đồng trở thành sản phẩm chủ đạo

Du lịch cộng đồng được xem là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích trong việc phát triển kinh tế bền vững cho cư dân bản địa. Với nhiều tiềm năng, Thừa Thiên Huế cùng các địa phương có thể đẩy mạnh loại hình du lịch cộng đồng trở thành một sản phẩm hoàn chỉnh, chủ đạo trong hệ thống sản phẩm của du lịch Việt Nam.

Đưa du lịch cộng đồng trở thành sản phẩm chủ đạo

TIN MỚI

Return to top