ClockThứ Năm, 26/05/2016 14:16

Nghệ thuật trang trí đài nước đặc sắc ở điện Kiến Trung

TTH - Đài nước ở Điện Kiến Trung là một công trình nghệ thuật nhỏ bé nhưng đặc sắc ở nhiều phương diện mỹ thuật và tâm linh theo truyền thống phương Đông trong sự pha trộn một phần nét trang trí châu Âu.

Trang trí dải hoa sen ở vòm cung đáy đài nước

Do chiến tranh, năm 1947 điện Kiến Trung đã bị đổ nát, hiện chỉ còn phần nền cao gần 3m với những bậc thềm trang trí rồng đắp nề và phía sau cùng là đài nước ẩn khuất sát tường thành nên ít người biết đến.

Dường như trong các tài liệu nghiên cứu không nói đến ở đây còn một dấu tích mỹ thuật đài nước đặc sắc, cũng là đài nước chưa từng được đề cập đến trong hình ảnh hay bài nghiên cứu nào được công bố khi nói về điện này. Tuy nhiên, trong ký họa và bản vẽ của một số giảng viên, sinh viên Trường Cao đẳng mỹ thuật Huế trước đây lại có những hình vẽ này.

Hoa văn lá lật ở vòm cung đài nước

Cấu trúc đài nước bằng đá chạm khắc trang trí nằm sát bình phong tận cùng cực Bắc của Tử Cấm Thành. Chúng tôi tạm gọi đây là đài nước bởi với tính năng và cấu trúc trang trí nơi đây và các vị trí đục lỗ thông nước đúng với chức năng của đài nước là nơi thư giản, tạo cảnh cho không gian kiến trúc rất quen thuộc ở châu Âu. Trên mọi ngóc ngách của đài nước đều có những biến tấu trang trí gắn liền với chuyển dịch nước chảy qua các vòm đá, ngắm nước tràn từ cụm hoa văn mây lửa, mặt hổ phù đầy sinh khí và cấu trúc trang trí song ngư theo kiểu thức “Long ngư hý thủy”.

Mặt hổ phù và trang trí Song ngư hý thủy

Theo quan sát bước đầu và các số đo sơ bộ, chiều cao của đài nước khoảng 2,5mét gồm nhiều tầng đá Thanh loại to, nhỏ, cao thấp khác nhau, trang trí gắn kết, sắp chồng lên nhau theo nguyên lý nén lực trục dọc. Với bệ bằng bê tông, tiếp dẫn bởi vòm đá hình bán nguyệt, vòm chứa nước được ghép từ bốn tấm đá cao khoảng 40cm tạo nên một vòng cung bán nguyệt rộng chừng 120cm, sâu 90cm. Ở tầng đá thứ 2 được ghép 4 tấm đá, lùi vào trong với đường cong bên ngoài lùi sâu vào khoảng 30cm trang trí kiểu đường diềm hoa văn dây lá. Tại đây có phần được đục lõm với trang trí hình lá lật, phong cách giống lá lật trang trí tại lăng Khải Định, cung An Định và cung Trường Sanh. Kiểu thức này rõ ràng là phong cách trang trí Rococo đầu thế kỷ XVIII ở Pháp và có mặt ở Việt Nam từ khoảng cuối thế kỷ XIX. Do vậy điều này không phải là quá mới  ở Việt Nam đầu thế kỷ XX, thậm chí cuối thế kỷ XIX cũng đã in dấu Rococo style trong trang trí khảm sứ màu ở lăng hoàng tử Kiên Thái Vương, rất tiếc là những hình ảnh đó chỉ còn lại ở tranh vẽ màu nước trong tập BAVH năm 1925 của 2 tác giả là H. Peyssonneaux (2002) và BS. Gaide qua bài “Những lăng tẩm ở Huế: Lăng Hoàng tử Kiên Thái Vương”.

Tổng thể cấu trúc đài nước bằng đá

Phía bên ngoài của khối đá là 2 con quỳ cao khoảng 50cm với đuôi lá lật cách điệu, vẫn là phong cách Rococo với chút hoa mỹ, rườm rà quen thuộc. Tầng 3 gồm 2 tấm đá, cũng làm theo kiểu vòng cung bán nguyệt, lùi vào trong. Tại đây trang trí hoa văn đường diềm hình cánh phượng theo lối tiếp nối nét vòng cùng một chiều. Phía ngoài hai bên có 2 con cá uốn cong được trang trí tỉ mỉ, có râu, ria chảy dài xuống, mắt lồi, vẩy, đuôi được diễn tả theo lối tả thực. Cá là một trong những đề tài phương Đông diễn tả hạnh phúc, vui vầy, gắn liền với biểu tượng nước, hình tượng này càng sống động hơn với những hoa văn được tả trau chuốt ở vẩy và đuôi. Ở tầng 4 là tấm trang trí chính, diễn tả mặt hổ phù nhô hẳn ra mặt nền của tấm đá, hổ phù ở đây không có 2 chân mà đồng nhất ở điểm dừng cuối cùng là 2 đuôi của đôi cá. Có lẽ chưa tìm thấy ở đâu trong trang trí thời Nguyễn có sự chuyển tiết điệu đồng hóa đầy sáng tạo như thế. Bố cục tổng thể của phần trang trí chính này được diễn tả tương đối thực ở mặt hổ phù nhưng cách điệu hóa ở trang trí xung quanh với các đám mây, tia lửa, sóng vờn, mây cuộn đan xen lớp lớp, chồng chất. Có thể nói đây là một mặt hổ phù khá độc đáo, khác biệt khi mặt hổ phù được diễn tả gần như mặt thú nhân hóa với những chi tiết sắc nét, chạm sâu khá tinh tế. Phía trên cùng có mặt trời để tiếp nối phần mái nhưng mặt trời chỉ diễn tả ½, với những hoa văn hoa lá hóa rồng. Có thể nói hiện tượng này cũng chưa bao giờ thấy ở các công trình kiến trúc Nguyễn.

Phải chăng đã có sự di chuyển và thất lạc một phần tấm đá trang trí phía trên, vì vậy việc đặt để của những tấm đá ghép vào cũng chưa có sự trùng khớp với nhau vì vậy tấm đá chỉ còn có 1/2 hình mặt trời? Tuy nhiên đây chỉ là giả thuyết và sự khác biệt, mất dấu của các chi tiết hoa văn trong trí làm chúng tôi phải nghĩ đến sự thiếu vắng “cái gì đó” ở vị trí tiếp giáp quan trọng cuối bộ mái giả này. Nếu giả thuyết của chúng tôi sai thì đây lại là một vấn đề khác cần nghiên cứu, mở rộng để lý giải tại sao lần đầu tiên trong trang trí mỹ thuật thời Nguyễn lại có một môtip trang trí mặt trời bị chặn góc và vô tình hay cố ý trở thành cấu trúc “bán nguyệt” như vậy.

Có thể nói trong hệ thống chạm khắc đá tại Đại Nội thì đây là một đài nước ngoài trời ở vườn nhỏ độc đáo mà không có ở đâu khác. Điều này cũng đúng với “gout” thẩm mĩ của vua Khải Định, một ông vua yêu thích nghệ thuật phương Tây, thích “ đồ Tây” nhưng chưa bao giờ quên mình là một người xứ Annam, cũng không vì thích mỹ cảm của nghệ thuật châu Âu mà coi nhẹ nghệ thuật truyền thống phương Đông .

Trên cùng khối cấu trúc đá là mái giả với hoa văn hoa lá hóa rồng rất quen thuộc ở các đầu mái. Các viên ngói được diễn tả từng cái một như kiểu vẩy cá lớp lớp chồng chất lên nhau. Ngay dưới mái là khối “cổ diêm” trang trí hoa cúc cách điệu rất mềm mại, tao nhã và các cụm hoa văn chữ Vạn chạm sắc nét ở các góc mái càng nhấn mạnh tính thẩm mỹ phương Đông đậm nét của công trình trong sự “va chạm” với phong cách trang trí phương Tây. Điều đó một lần nữa chứng minh vào thời kỳ giao thoa văn hóa Pháp – Việt vào thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX đã để lại những nét đặc sắc tinh tế trong kiến trúc thời Nguyễn. Hình tượng lá lật chồng lên nhau khá mềm mại, tinh tế và tao nhã có điểm nhấn chính phụ rõ ràng. Sự kết hợp nhiều ý nghĩa tâm linh và biểu tượng vũ trụ và chữ Vạn cho thấy tính chất tam giáo đồng nguyên rất sâu đậm trong kiến trúc cung đình Nguyễn vào thế kỷ XIX– đầu thế kỷ XX, và đó cũng là một trong những giá trị cần lưu ý trong quá trình tiếp tục nghiên cứu về nghệ thuật tạo hình tại điện Kiến Trung nói riêng và các giá trị nghệ thuật đa dạng, phong phú khác nói riêng tại đây. Một trong những công trình, tác phẩm tiêu biểu là đài nước với những giá trị độc đáo, pha trộn phong cách nghệ thuật Âu – Á một cách chừng mực nhưng tính Á Đông vẫn là sự nổi trội đáng kể của công trình trang trí ấn tượng này, đó cũng là dấu ấn lịch sử của xứ Huế những năm đầu thế kỷ XX.

TRẦN THỊ HOÀI DIỄM

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025

UBND TP. Huế vừa thông báo thay đổi địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown - Chào năm mới 2025 (Countdown Huế 2025 - Một Kỷ nguyên mới), đồng thời thông báo Countdown Huế 2025 sẽ là điểm cầu trực tiếp trên sóng VTV chào đón năm mới 2025 cùng với các điểm cầu Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh - Hải Phòng.

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025
THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Phố đá đẹp - Tổng kho đá tự nhiên trang trí uy tín, giá tốt

Đá tự nhiên trang trí đã và đang trở thành xu hướng đón đầu trong thị trường vật liệu ốp lát. Đá tự nhiên có độ bền vượt trội, khả năng chịu lực tốt và có tính ứng dụng linh hoạt, giá thành phải chăng. Nếu bạn đang tìm kiếm kho đá tự nhiên trang trí uy tín thì Phố Đá Đẹp sẽ là lựa chọn hoàn hảo dành cho bạn.

Phố đá đẹp - Tổng kho đá tự nhiên trang trí uy tín, giá tốt
Nghệ thuật lên tiếng vì môi trường

Một chương trình nghệ thuật nhưng không đơn thuần chỉ có múa hát, ở đó một thông điệp được người làm chương trình định hình rõ ràng: Bảo vệ môi trường. “Hoa và rác” là một chương trình nghệ thuật như thế và được đón nhận nồng nhiệt, ngay tại Huế - một thành phố được mệnh danh xanh - sạch - sáng của Việt Nam.

Nghệ thuật lên tiếng vì môi trường
Họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh: Tìm sự tươi mới để thực hành nghệ thuật

“Dù có biết đôi chút về Phật học, nhưng để nói “tả” được chất thiền trong tranh thì tôi không dám nhận. Tôi chỉ vẽ những gì theo tâm tưởng, những ẩn ức của nội tại, những gởi gắm, tâm tình của một người họa sĩ đến với xứ sở nơi mình sinh ra, đơn giản vậy thôi!”, họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh trải lòng khi nói về con đường sáng tạo nghệ thuật của mình.

Họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh Tìm sự tươi mới để thực hành nghệ thuật

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top