Ảnh chụp đình làng Chiết Bi, trong đình có thờ bà Trần Thị Nhâm
Bà Trần Thị Đạo có trang thờ tôn trí ngay giữa cầu, còn hai vị Phan -Nguyễn được thờ trong Miếu Đôi, dựng bên hói làng, đầu cầu ngói, hướng ra sông Như Ý. Do hai nhân vật này là “kẻ thù” của nhà Nguyễn nên làng bí mật tên tuổi, hành trạng của họ. Có thời, miếu bị bỏ hoang và nay đã bị xóa. Gần đây, chúng tôi phát hiện một người nữa đã đóng góp tiền của rất lớn để tôn tạo cầu ngói Thanh Toàn lần đầu nhưng hầu như bị làng quên lãng, ấy là chị ruột của bà Trần Thị Đạo.
Qua gia phả họ Lê Chiết Bi, nghi tiết tế lễ, gia phả họ Trần làng Thanh Thủy, biết được bà Trần Thị Nhâm là người có công đóng góp tiền của để tôn tạo cầu ngói Thanh Toàn lần đầu tiên, khoảng thời vua Gia Long. Bà Trần Thị Nhâm có thân phụ là ông Trần Văn Phó (Tổ ông, mộ táng tại Vĩnh Mộc và đã cải táng), Tổ bà Thị Canh (mộ bên mộ chồng), anh trai là Trần Văn Truyền (mộ táng tại Vĩnh Mộc), chị dâu là Ngô Thị Mẹo (mộ táng cạnh mộ ông bà Phó) và bà là chị của bà Trần Thị Đạo. Bà Trần Thị Nhâm và bà Trần Thị Đạo không có mộ ở làng Thanh Thủy Chánh hay phần mộ họ Trần ở Vĩnh Mộc (Thủy Dương), chứng tỏ hai bà đã theo chồng và mộ phần của họ được táng ở quê chồng.
Bà Trần Thị Nhâm lấy chồng muộn. Chồng là ông Lê Văn Phước, chánh quán làng Chiết Bi, Phú Thượng, Phú Vang, Thừa Thiên. Ông có người vợ đầu là bà Nguyễn Thị, sinh con trai độc nhất là ông Lê Văn Lẫm. Bà vợ chánh mất sớm, ông Phước tục huyền với bà Trần Thị Nhâm, lập nghiệp ở làng Phú Môn xứ Truồi. Bà thứ không con, nhưng gia đình ông Lê Văn Phước rất giàu có. Khi ông Phước qua đời, bà Trần Thị Nhâm đã về lại quê chồng là làng Chiết Bi, đóng góp tiền của để tôn tạo đình, chùa, điện mẫu làng Chiết Bi, cúng đất hương hỏa cho họ Lê, mua đất làm sanh phần cho bà ở xóm Xoài Chiết Bi. Bà mất ở Chiết Bi ngày 13 tháng 8 âm lịch. Làng kỵ ngày 12 tháng 8 hằng năm. Khi bà mất, làng tổ chức đám tang rất lớn, cả làng “cấm lửa ba ngày”, mổ trâu, bò, gà, vịt rất nhiều. Làng rước linh cữu bà quanh làng để vong vị bà được triệu ở đình, chùa, miếu, vũ của làng. Mộ bà Trần Thị Nhâm ở xóm Xoài làng Chiết Bi, hiện nay được anh Ngô Văn Phước, con trai cụ Ngô Văn Châu đang chăm sóc.
Mộ bà Trần Thị Nhâm hiện do bà Nguyễn Thị Thí (63/Tùng Thiện Vương) tổ chức tôn tạo năm 2006. Trên bia có ghi: “Mộ phần “CỦA BÀ”/ Nguyễn Thị Thí, con cháu nội ngoại đồng phụng lập . 2006.”. Dấu vết móng uynh thành còn rõ. Mộ cổ có bình đồ hình chữ nhật, uynh thành 6m x 8m, thành dày khoảng 0,6m, móng đá, thành xây bằng gạch vồ thời Minh Mạng. Còn liếp mộ cổ hơn, xây bằng gạch mỏng 3cm x 12cm x 20cm, thuộc loại gạch cuối Lê đầu Nguyễn. Đặc biệt, còn một trụ cổng của mộ, dưới gốc cây sanh, theo anh Phước, cây khoảng 60 năm tuổi.
Sau khi Nguyễn vương tái chiếm kinh thành Phú Xuân, do đầu cầu có Miếu Đôi thờ Phan Lê Phiên và Nguyễn Hữu Chỉnh, hai tướng công của đoàn quân chinh Nam Lê –Trịnh, từng đánh chiếm Phú Xuân năm 1774 nên dân làng không tế lễ công khai hai vị này ở Miếu Đôi, chỉ tế lễ bà Trần Thị Đạo; về sau đến năm Khải Định thứ 25, bà Trần Thị Đạo mới được triều Nguyễn phong thần “Dực bảo trung hưng linh phò chi thần”. Hai vị được bí mật thờ phụng nơi khác. Còn cầu ngói Thanh Toàn đến thời Gia Long thì xuống cấp. Bà Trần Thị Nhâm vào tuổi lên lão, rất giàu có đã về làng Chiết Bi (quê chồng) an hưởng tuổi già, lại về cố hương Thanh Toàn xin đóng một số tiền lớn để tôn tạo cầu ngói khi cầu hư hỏng. Chính sự kiện này, do đời xa người khuất, có người ở làng chiết Bi truyền khẩu gây hiểu nhầm; rằng Mộ Bà ở Chiết Bi là mộ bà Trần Thị Đạo.
Theo ý kiến cá nhân tôi, nên chăng, làng Thanh Thủy, khi tế lễ các thần của làng, nên có hình thức viếng mộ bà Trần Thị Nhâm ở Chiết Bi, chiêm bái bà Trần Thị Nhâm ở đình làng Chiết Bi. Nếu được họ Trần làng Thanh Thủy và hội đồng làng Thanh Thủy cử đại diện ra làng Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội để tìm mộ của bà Trần Thị Đạo, nhân thể chiêm bái mộ Cần Chánh điện đại học sĩ Phan Lê Phiên. Hành xử như thế để xiển dương đạo lý uống nước nhớ nguồn, hơn nữa bổ sung vào lịch sử chiếc cầu ngói của Huế những sử liệu thú vị, hấp dẫn con dân làng Thanh Thủy Chánh và du khách đến tham quan chiếc cầu độc đáo này.
Bài, ảnh: Lãng Điền