|
|
Trải nghiệm đạp xe quanh làng cổ Phước Tích |
Tiềm năng nhiều, hiệu quả còn khiêm tốn
Theo chân đoàn trải nghiệm, chính tôi cũng được đóng vai du khách để trải nghiệm và cảm nhận du lịch ở làng cổ Phước Tích. Từ việc tham quan, nghe chủ nhà giới thiệu về các ngôi nhà rường cổ, tìm hiểu về sự có mặt của văn hóa Chăm Pa, thăm và trải nghiệm làm gốm cổ, trải nghiệm làm các loại bánh… nhiều người rút ra một kết luận chung: “Có quá nhiều chất liệu để phát triển sản phẩm du lịch ở Phước Tích”.
Kết luận trên khá đúng, nhưng lại nêu bật ra một vấn đề mà du lịch tại làng cổ Phước Tích đang gặp phải, đó là cách thu hút khách. Ông Hoàng Tấn Minh, một hướng dẫn viên du lịch địa phương ở Phước Tích luyến tiếc khi nhắc đến sự phát triển của mảnh đất nhiều tiềm năng du lịch này. “Khách đến đây tùy lúc. Mỗi tháng có khi chục đoàn, có khi ít hơn. Làng cổ Phước Tích có khoảng 50 người đang tham gia làm du lịch cộng đồng, trong đó tổ ẩm thực có 16 người. Có khách thì làm, không có thì thôi. Nếu nói dựa vào du lịch làm nguồn kinh tế chính của gia đình thì chưa thể, bởi nguồn khách chưa ổn định và còn thời vụ”.
Trên thực tế, với những người làm việc trong lĩnh vực lữ hành, du lịch, mỗi trải nghiệm tại Phước Tích đều là chất liệu tiềm năng để phát triển các sản phẩm du lịch. Khó có một ngôi làng cổ nào trong cả nước mà lại bảo tồn và gìn giữ được những giá trị văn hóa, từ đời sống tinh thần, đến hệ thống kiến trúc, các di tích như ở Phước Tích. Hình ảnh những hàng chè tàu, ngôi nhà cổ kính, con sông hiền hòa, những con đường xanh mát… khiến cho bất cứ ai cũng có thể “chạm” đến cảm giác được về với làng quê bình yên.
Chị Thảo Nhiên, cán bộ điều hành tour của một công ty du lịch tham gia đoàn khảo sát cho biết, những trải nghiệm đạp xe ngang qua những con đường lát gạch ở làng cổ, thử làm những con tu huýt gốm hay tái hiện trò chơi ô ăn quan, cướp cờ, táng lon… gợi lại cho mỗi người ký ức tuổi thơ mà khó có nơi đâu, cảm giác ấy là hiện về gần gũi đến thế. Điểm chạm ở Phước Tích không chỉ có khung cảnh đẹp và bình yên mà người dân nhiệt tình, chất phác, ẩm thực dân dã nhưng “ngon như cơm mạ nấu”.
Tiềm năng du lịch Phước Tích quá nhiều, nhưng việc khai thác vào du lịch dường như chưa tương xứng. Cùng với một số khó khăn về nguồn lực đầu tư, các dịch vụ ở đây có quy mô nhỏ, chỉ phục vụ khi có yêu cầu, công tác quảng bá hình ảnh du lịch của Phước Tích còn bị động, mang tính thời vụ, thiếu sự kết nối với các địa điểm khác trong khu vực thành tuyến du lịch. Chất lượng một số sản phẩm du lịch hiện có còn thấp. Điều đáng nói, nơi đây vẫn còn thiếu “bàn tay” của doanh nghiệp, vốn được xem là “đầu ra” cho những ý tưởng, sáng tạo phát triển du lịch.
Nhiều ý tưởng cho Phước Tích
Có khá nhiều nguyên nhân được phân tích, trong đó có khoảng cách địa lý xa thành phố, công tác quảng bá chưa sâu rộng, tính chuyên nghiệp của người làm du lịch chưa cao… nhưng quan trọng nhất là thiếu các ý tưởng hay kết nối các bên để phát triển du lịch Phước Tích.
Chị Quỳnh Thi, cán bộ điều hành tour Công ty TNHH MTV Thương mại và Du lịch Long Mã cho rằng, từ những chất liệu sẵn có, du lịch Phước Tích hoàn toàn có thể “bán tấm vé trở về tuổi thơ” cho nhiều đối tượng, trong đó nổi bật là học sinh, sinh viên và các gia đình.
Doanh nghiệp lữ hành có thể thiết kế các tour ngắn ngày vào cuối tuần với những trải nghiệm có sẵn, giúp cho các học sinh, sinh viên tạm rời xa công nghệ để trải nghiệm những trò chơi dân gian, sống trong khung cảnh bình yên, mộc mạc của làng quê và cảm nhận những giá trị cuộc sống. “Có lẽ phụ huynh cũng rất muốn con em mình có được những trải nghiệm này. Đây là cơ hội để học sinh trải nghiệm giáo dục địa phương, vốn là yêu cầu quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông hiện nay”, cán bộ một công ty du lịch đánh giá.
Khách hướng đến không chỉ là học sinh, sinh viên trong tỉnh mà mở rộng ra nhiều địa phương, trong đó có thể tập trung quảng bá ở các tỉnh, thành lân cận với sự phối hợp tốt từ ba bên chính quyền - người dân và doanh nghiệp để vừa quảng bá vừa phục vụ, đáp ứng nhu cầu du khách.
Một số doanh nghiệp, hướng dẫn viên cho rằng, cũng có thể hướng đến đối tượng khách Âu, độ tuổi từ 35-50, khách đi theo dạng gia đình để khám phá, trải nghiệm văn hóa, di tích với tour 2 ngày 1 đêm. Trong đó, tập trung vào các điểm tham quan: Bảo tàng gốm cổ, lò gốm và cửa hàng gốm; 12 bến nước, các nhà rường tiêu biểu, miếu cây thị và những điểm đến đặc trưng khác, đồng thời gắn với các trải nghiệm gần gũi: Làm tu huýt, nghe hò giã gạo, làm bánh phu thê và bánh ướt, đạp xe quanh làng hay chơi các trò chơi dân gian…
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Nụ Cười Huế, người dân địa phương phải thực sự hết mình với du lịch, đồng thời phải đẩy mạnh khâu quảng bá tương đương với dịch vụ. Khi điểm đến được quảng bá rộng rãi, khách sẽ tìm đến Phước Tích.