ClockThứ Tư, 27/09/2023 06:38

Phát huy giá trị di tích lịch sử để khai thác du lịch - Kỳ 1: Nguội lạnh chốn di tích

TTH - Bên cạnh Quần thể di tích Cố đô Huế, Thừa Thiên Huế có gần 200 di tích lịch sử (DTLS) cấp quốc gia đặc biệt, quốc gia và cấp tỉnh. Đây là nguồn kho báu quý giá, mang những giá trị văn hóa cốt lõi để Huế xây dựng mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Đánh thức tiềm năng suối, thác để phát triển du lịch sinh tháiĐiều tra thông số du lịch thực tế: Giải pháp cần để phát triển du lịchTìm cách khai thác thị trường du lịch tiềm năng “khổng lồ”

Di tích, nhưng không có bảng biển chỉ dẫn, thậm chí không có đường vào, hay phải băng qua những lối đi gồ ghề, lấm lem bùn đất, chằng chịt cây gai để vào… Và khi đến nơi, đó là khung cảnh hoang vắng, nguội lạnh, tiêu điều đến nao lòng!

 
 Du khách tham gia tour đạp xe tham quan các điểm di tích gắn với thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế

Tìm di tích quốc gia như tìm kho báu

Phong Sơn (Phong Điền) là một trong những xã “giàu” nhất tỉnh về DTLS, khi trên địa bàn có 4 di tích; trong đó, 1 cấp quốc gia là lăng mộ Đặng Huy Trứ; 3 di tích cấp tỉnh là địa điểm in bạc tài chính cụ Hồ năm 1946, đình Hiền Sĩ và lăng mộ Đặng Văn Hòa.

Cứ nghĩ đã là di tích được công nhận sẽ dễ thấy, dễ tìm và dễ tiếp cận, nhưng không phải thế. Trên tuyến Tỉnh lộ 11B, trước khi qua cầu Cháy có biển chỉ hướng vào cụm 3 di tích: lăng mộ Đặng Huy Trứ, địa điểm in bạc tài chính cụ Hồ năm 1946 và lăng mộ Đặng Văn Hòa. Men theo con đường liên thôn rộng chưa đến 3m, qua không dưới 5 điểm giao cùng mức, nhưng không có bất kỳ một bảng hướng dẫn nào. Sau gần 30 phút vừa đi vừa hỏi đường, mới thấy tấm biển chỉ hướng vào di tích lăng mộ Đặng Huy Trứ, được công nhận vào năm 1991.

Dừng tại ngã ba, xe không thể di chuyển, bởi đây là con đường đất, được tận dụng để chở gỗ tràm, với những ổ voi to tướng. Để vào lăng mộ ông tổ nghề nhiếp ảnh Việt Nam, phải đi bộ khoảng 1km đường đất gồ ghề. Từ con đường đất này, để vào lăng mộ khoảng 50m, nhưng không có đường để vào, mà phải đi băng qua một lăng mộ khác. Ông Lê Duy Thắng (thôn Hiền Sĩ, Phong Sơn) cho biết, lâu nay chẳng thấy ai đến di tích. Thỉnh thoảng, người nhà đến thắp hương và vệ sinh. Trước đây, có một số đoàn khách đi xe ô tô đến, nhưng phải để xe từ ngoài xa rồi đi bộ vào.

Cách lăng mộ Đặng Huy Trứ khoảng 3km là lăng mộ Nguyễn Văn Hòa, di tích cấp tỉnh được công nhận vào năm 2013. Đặng Văn Hòa là “nguyên lão tứ triều” làm quan từ thời Gia Long đến thời Tự Đức (triều Nguyễn). Để đến di tích, cũng phải mò mẫm hỏi đường, vì không bảng biển hướng dẫn. Khi đến nơi, để vào di tích phải đi qua đoạn đường đất dài 500m khó đi chẳng kém vào lăng mộ Đặng Huy Trứ.

Tìm mãi mà chưa thấy DTLS thứ 3 là địa điểm in bạc tài chính cụ Hồ năm 1946, được công nhận di tích cấp tỉnh vào năm 2010. Dừng lại tại quán nước ven đường để hỏi thì thật bất ngờ khi di tích nằm ngay phía sau. Bên cạnh có tấm bảng hướng dẫn, nhưng không thấy vì đã bị cây che phủ toàn bộ. Khi vào thì thấy di tích hư hỏng, gạch đá bể nát, xung quanh nhếch nhác. Ông Cao Trai, hộ dân sống ngay bên cạnh di tích thắc mắc: “Tôi thấy di tích ở các nơi được xây dựng quy mô, xung quanh có công viên để người dân vui chơi, tập thể dục. Du khách, hay học sinh hay đến để tìm hiểu lịch sử… nhưng với di tích này thì chẳng có ai đến. Có di tích mà cũng như không vậy!”.

Trước ngày giỗ ông Tổ nghề Đúc Đồng (3/7 âm lịch), anh bạn từ miền Nam gốc Huế theo nghề nhờ dẫn lên nhà thờ và lăng mộ ông tổ, được công nhận di tích cấp quốc gia vào năm 1996 để thắp hương tưởng nhớ. Lăng mộ nằm ở khu vực 5, phường Phường Đúc, TP. Huế, nhưng tìm mãi mà không thấy có tấm bảng biển nào chỉ dẫn vào di tích.

Một người trong dòng tộc ông tổ nghề nói, không có người dẫn sẽ không vào lăng mô được đâu. Từ ngã ba Bùi Thị Xuân và Huyền Trân Công Chúa đi thẳng hướng phường Thủy Biều khoảng 100m. Phía bên trái có một kiệt nhỏ, từ đó di chuyển vào lăng mộ khoảng 400m. Đi được nửa chừng thì không có đường vào nữa, mà băng qua một căn nhà, mấy hàng cây um tùm. Đến trước mộ, mò mẫm không tìm thấy lối vào, người đàn ông phải phá hàng cây để mở đường. Gỡ các gai nhọn mắc ở áo quần, người đàn ông này đùa: “Vào di tích cấp quốc gia mà như đi tìm kho báu mấy chú nhỉ!”.

Cây cỏ um tùm tại di tích lăng mộ danh tướng Nguyễn Tri Phương 

Lạnh lẽo chốn di tích

Sau nửa ngày thăm các di tích ở Phong Sơn, chúng tôi xuôi về đồng bằng để trải nghiệm tour một ngày tham quan, tìm hiểu DTLS ở Phong Điền. Điểm đến là cụm di tích cấp quốc gia lăng mộ và nhà thờ Nguyễn Tri Phương ở xã Phong Chương, được công nhận năm 1990. Với một danh tướng lớn, người có công trong công cuộc chống xâm lược của thực dân Pháp, nhưng thật “chạnh lòng” cho di tích. Khi đến nhà thờ, tất cả phải đứng bên ngoài “chống mắt” vào bên trong vì “cửa đóng then cài”.

Người dân gần đó cho biết, lâu nay di tích vẫn đóng cửa như thế. Chỉ vào dịp năm học mới, hay ngày giỗ mới thấy di tích đông người. Trước kia phía trước cổng có gắn bảng số điện thoại người trong dòng tộc, nếu ai đến thăm viếng, tìm hiểu văn hóa lịch sử thì gọi, phía dòng tộc sẽ có người đến mở cửa.

Vào nhà thờ không được, cả đoàn đến lăng mộ. Khi gần vào đến nơi, hàng cau hai bên khô héo, gãy đổ gần hết là dự cảm không tốt về sự tiêu điều của di tích. Quả vậy, cây cỏ mọc um tùm, che gần hết tấm bia đá ghi mộ phần danh tướng Nguyễn Tri Phương. Vào bên trong mộ phần thì lá cây, cành cây lâu ngày không ai dọn dẹp. Chân hương bị phai màu, có thể đoán đã lâu lắm rồi chưa ai đến.

Những ngày tham gia Festival Nhiếp ảnh Quốc tế Huế 2023, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam Trần Thị Thu Đông cùng đoàn nghệ sĩ đã đến viếng lăng mộ ông tổ nhiếp ảnh Đặng Huy Trứ. Chia sẻ với lãnh đạo tỉnh, bà Trần Thị Thu Đông cho biết ở Bạc Liêu, cụm di tích về ông tổ của Đờn ca tài tử được xây dựng và khai thác rất quy mô. Còn khi đến Huế và đến lăng mộ ông tổ nghề nhiếp ảnh lại hoang vắng, cảm thấy rất “chạnh lòng”.

Quay trở lại TP. Huế, dù cái nắng tháng 8 như thiêu đốt, nhưng khi đến với di tích lăng mộ Thái Phiên và Trần Cao Vân, được xếp hạng quốc gia vào năm 1990 thật lạnh lẽo. Con đường đất dẫn vào di tích là nơi tập kết nhiều rác thải xây dựng và sinh hoạt của người dân. Tấm bảng hướng vào cụm di tích cũng bị cây cối che khuất. Khi vào lăng mộ, nhiều vật dụng bị hư hỏng, đổ nát. Hai bức tượng gỗ đặt ở trong di tích bị gãy và mục nát.

Có lỗi với tiền nhân!

Mang sự việc khó tìm, không có bảng biển, không có đường vào di tích lăng mộ tổ nghề Đúc Đồng trao đổi với Phòng Văn hóa Thông tin TP. Huế. Ông Nguyễn Ích Huấn, Trưởng phòng cho rằng, đối với DTLS trên địa bàn các phường, khi thấy các điều kiện tiếp cận di tích khó khăn, hay những vấn đề liên quan thì phường cần có đề xuất lên TP. Huế. Sau đó các bên liên quan sẽ khảo sát, đánh giá và có phương án xử lý. Trong khi đó, ông Huỳnh Ngọc Dũng, Chủ tịch UBND phường Phường Đúc cho rằng, các bảng biển không có, hay các công tác trùng tu, phát huy giá trị thì đó là di tích cấp quốc gia, vượt qua thầm quyền để xử lý của phường.

Ông Nguyễn Phùng Sơn, đại diện dòng tộc tổ nghề Đúc Đồng cho biết, lâu nay di tích hoàn toàn được con cháu trong dòng tộc chăm lo, bảo vệ, không nhận một khoản kinh phí hỗ trợ nào để bảo vệ hay hương khói cho di tích. Cách đây mấy năm, có thông tin quy hoạch vùng lăng mộ. Phía di tích Hổ Quyền, Voi Ré được khai thác sẽ kết hợp với khu vực lăng mộ ông tổ Đúc Đồng. Nhưng cũng đã lâu rồi, dòng tộc chưa biết thêm thông tin mới, khi nào làm và làm như thế nào.

Hầu hết các DTLS cấp quốc gia và cấp tỉnh hiện nay không có hỗ trợ kinh phí bảo vệ hay hương khói. Ngay tại cụm di tích lăng mộ và nhà thờ Nguyễn Tri Phương, người trong dòng tộc khẳng định, bao năm qua không nhận một khoản kinh phí hương khói cho danh tướng.

Vì sao di tích của một danh tướng lừng lẫy nhưng lại xuống cấp, nhìn heo hút, luôn phải “cửa đóng then cài”, liệu chăng đối xử như thế là có lỗi với tiền nhân? Nghe câu hỏi, ông Nguyễn Tri Thọ, Trưởng họ Nguyễn Tri đã không kìm nén những giọt nước mắt. “Có lỗi thật nhiều. Là con cháu, ai cũng mong muốn di tích phát huy giá trị. Đi đâu cũng tự hào là con cháu của danh tướng lừng lẫy. Ở nhiều di tích khác, Nhà nước quan tâm đầu tư, phát huy giá trị, trở thành điểm du lịch. Nhưng với di tích, lâu nay chỉ trong dòng tộc thực hiện mọi việc”, ông Thọ nghẹn ngào.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhìn nhận, việc quản lý và phát huy giá trị các di tích đã được tỉnh giao về cho từng địa phương. Song không ít nơi thiếu quản lý, chưa thể hiện đủ trách nhiệm, thậm chí nhiều nơi xem di tích là gánh nặng. Nhận thức về di sản văn hóa và việc bảo vệ di sản văn hóa vẫn chưa thực sự sâu sắc trong cộng đồng dân cư, vẫn để xảy ra tình trạng vi phạm, xâm hại di tích. Việc phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương trong quản lý di tích chưa thường xuyên, đồng bộ… nên dẫn đến thực trạng xuống cấp, hư hỏng và chưa phát huy giá trị như hiện nay.

(Còn nữa)

Kỳ 2: “Đóng khung” di tích

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Du lịch châu Á dự báo phục hồi mức trước đại dịch vào năm 2025

Theo Hãng xếp hạng tín dụng toàn cầu Fitch Ratings, du lịch châu Á đang trên đà đạt được mức trước đại dịch trong nửa đầu năm tới, nhờ nỗ lực của các chính phủ nhằm thu hút du khách, sự gia tăng của hoạt động du lịch ra nước ngoài từ Trung Quốc…

Du lịch châu Á dự báo phục hồi mức trước đại dịch vào năm 2025
Giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của EC

Chiều 17/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) chủ trì hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành và 28 tỉnh, thành phố ven biển để triển khai các giải pháp tháo gỡ "thẻ vàng" IUU theo khuyến cáo của Ủy ban châu Âu (EC).

Giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của EC
Hợp tác triển khai dự án giao thông xanh trong khu vực di tích

Với mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng Giao thông Xanh thân thiện môi trường theo định hướng phát triển tổng thể kinh tế tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, ngày 14/6, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế và Công ty TNHH Gbike Hàn Quốc ký kết hợp tác triển khai dự án giao thông xanh trong khu vực di tích nhằm khai thác và phát huy giá trị di tích Huế.

Hợp tác triển khai dự án giao thông xanh trong khu vực di tích

TIN MỚI

Return to top