ClockThứ Bảy, 08/06/2024 07:08

Tăng sức hấp dẫn cho du lịch đường sắt

TTH - Du lịch đường sắt đang trở thành xu hướng lựa chọn của nhiều du khách. Việc “bắt tay” giữa ngành du lịch và ngành đường sắt trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo ra sản phẩm mới sẽ góp phần thu hút khách, đặc biệt là khách du lịch.

Đường sắt kích cầu du lịch, giảm giá vé tàu cao điểm hè

Khách trải nghiệm trên chuyến tàu du lịch Huế - Đà Nẵng 

Du khách đón nhận

Tính từ ngày khai trương đoàn tàu chạy chuyên khu đoạn Huế - Đà Nẵng và ngược lại với tên gọi “Kết nối di sản miền Trung” (26/3) đến hết tháng 5/2024, đã có hơn 26.670 lượt vé được người dân và du khách mua để trải nghiệm, mang lại doanh thu khoảng 5,2 tỷ đồng. So với giai đoạn đầu khai trương, thường đông nhiều vào dịp cuối tuần, hiện nay các chuyến tàu giữa tuần cũng thu hút lượng khách rất tốt.

Ông Lương Xuân Thường, Giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội - Chi nhánh Vận tải đường sắt Huế cho biết, bình quân mỗi ngày có 696 lượt hành khách, doanh thu 92 triệu đồng/ngày. Hành khách là người nước ngoài bình quân khoảng 53 người/ngày. Bước vào giai đoạn vận tải hè từ 27/5 (thời điểm học sinh nghỉ học), lượng hành khách đã tăng lên đáng kể (kể cả các ngày giữa tuần), chiều Đà Nẵng - Huế thường hết vé. Các ngày giữa tuần (từ thứ 2 - thứ 6) có khoảng 829 hành khách/ngày (tăng 58% so với các ngày giữa tuần trước đó), doanh thu 122 triệu đồng/ngày (tăng 87%). Dịp cuối tuần tăng lên (như thứ 7, chủ nhật ngày 1 - 2/6 có 1.199 hành khách, doanh thu 230 triệu đồng/ngày).

Trong bối cảnh giá vé máy bay tăng cao và du khách lại cần những trải nghiệm mới thú vị, du lịch đường sắt trở thành xu hướng lựa chọn của nhiều du khách. Bà Charlotte, du khách nước ngoài cho biết: “Tôi thực sự thấy thú vị khi được ngắm cảnh tuyệt đẹp ở Việt Nam khi đi trên tàu. Dịch vụ tàu đã có những đổi mới so với trước đây. Một số đường tàu đã hướng đến tính chuyên nghiệp hơn trong khai thác phục vụ khách du lịch”.

Trên thực tế, ngành đường sắt vẫn phải đối mặt với thách thức và cơ hội từ sự phát triển và cạnh tranh của các phương tiện vận tải khác, song, việc biến thách thức thành cơ hội để tạo ra những sản phẩm và trải nghiệm mới, như du lịch trên đường sắt đang được đón nhận tích cực bởi hành khách.

Theo các chuyên gia, có 3 lý do du lịch đường sắt ngày một thu hút khách. Yếu tố đầu tiên là ngành đường sắt ra mắt liên tiếp sản phẩm các mới, tân trang lại toa tàu, đổi mới cách phục vụ, cung cấp các dịch vụ, tiện ích so với trước đây. Sản phẩm du lịch đường sắt khác ở chỗ đem đến nhiều trải nghiệm cho du khách như phục vụ đặc sản địa phương, biểu diễn nghệ thuật trên tàu, đầu tư làm mới nội thất. Lý do thứ hai, đường sắt không xảy ra tình trạng ùn tắc, kẹt xe như đường bộ. Các tuyến khởi hành đúng giờ, không nhồi nhét khách. Thứ ba là chi phí hợp lý. Đường sắt giải quyết được nhu cầu đi lại của du khách khi vé máy bay tăng cao, nhất là trong vào dịp các kỳ nghỉ lễ dài ngày.

Tăng sức hấp dẫn

Trước xu hướng hiện nay, ngành du lịch và ngành đường sắt đã nhiều lần “ngồi lại” để trao đổi về các chiến lược, cơ hội hợp tác để mang lại lợi ích chung. Cuối tháng 5/2024, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng đã có buổi làm việc với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam về xúc tiến, thúc đẩy các hoạt động du lịch bằng đường sắt. Trong đó, các đại diện hai đơn vị đều cho rằng, sự hợp tác giữa ngành du lịch và đường sắt sẽ thúc đẩy đa dạng hóa sản phẩm, kích cầu du lịch trong nước.

Mặc dù du lịch đường sắt có nhiều ưu điểm, nhưng vẫn còn tồn tại một số hạn chế, đó là thời gian di chuyển lâu do qua nhiều khu vực dân sinh, chất lượng dịch vụ trên tàu còn hạn chế; ngành đường sắt còn thiếu các dịch vụ 5 sao để có thể thu hút dòng khách hạng sang…

Để thu hút khách di chuyển bằng tàu hỏa, cần nâng cấp hệ thống đường sắt, đầu tư nâng cao chất lượng toa tàu. Đồng thời, cần có sự liên kết chặt chẽ hơn giữa các đơn vị đường sắt, lữ hành, dịch vụ nghỉ dưỡng, ăn uống để có chính sách về giá tốt hơn, cung cấp nhiều dịch vụ trải nghiệm mới cho du khách...

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, để phục vụ du khách và phát triển du lịch đường sắt, ngành đường sắt cần đầu tư một số hạng mục, trong đó có đường lên xuống cho khách thuận tiện hơn, phù hợp với khách lớn tuổi. Các hoạt động trên tàu cũng được tổ chức phục vụ nhu cầu giải trí cho khách, nhất là qua một số đoạn không có cảnh đẹp.

Hiện, ngành du lịch, cộng đồng doanh nghiệp cũng đang nỗ lực để thúc đẩy phát triển các sản phẩm du lịch đường sắt và tăng sức hấp dẫn cho du lịch đường sắt. Điển hình như một số doanh nghiệp du lịch ở Huế sẵn sàng hỗ trợ khách, miễn phí vận chuyển từ ga Huế về khách sạn ở khu vực TP. Huế. Sở Du lịch cũng đã giao cho đơn vị chức năng triển khai thông tin thuyết minh trên tàu và quảng bá thông tin điểm đến, ẩm thực Huế qua hình ảnh.

Theo đại diện Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội - Chi nhánh Vận tải đường sắt Huế, sắp tới đơn vị sẽ phối hợp với doanh nghiệp dịch vụ du lịch hình thành các chuỗi sản phẩm dịch vụ tích hợp, tạo con đường du lịch thuận lợi, thường xuyên giữa Huế và Đà Nẵng với ưu đãi về giá và tiện ích. Hướng tới hình thành tour du lịch có vận tải bằng tàu hỏa, tour du lịch thời gian ngắn, tour du lịch thời gian qua ngày. Đồng thời, hướng tới thêm các đối tượng khách tập thể đi trải nghiệm là học sinh, sinh viên các trường học, công nhân các khu công nghiệp… và đi vào các ngày giữa tuần để lấp đầy chỗ trống. Ngoài ra, sẽ thay đổi các món ăn ẩm thực, âm nhạc nghệ thuật phong phú trong những ngày khách đi tàu đông, như mời thêm các đầu bếp nổi tiếng lên chế biến trên tàu, mời thêm các ban nhạc lên tàu biểu diễn.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thất vọng & để hy vọng…

Trong một tương lai gần, đi dưới tán rừng Bạch Mã, du khách sẽ được chiêm ngắm, được hít căng lồng ngực mùi hương nồng nàn tỏa ra từ những nhánh lan rừng đang bung nở, đang đong đưa đùa vui với nắng, với gió. Hy vọng sẽ là vậy…

Thất vọng  để hy vọng…
Du lịch đồng hành cùng văn hóa di sản

Du lịch là ngành công nghiệp, dĩ nhiên trước hết mang lại lợi nhuận, đóng góp lớn trong ngành kinh tế của tỉnh. Song hành với đó cũng là quảng bá các di sản thiên nhiên, văn hóa, di sản của tiền nhân để lại. Đây cũng là cách quảng bá cho một vùng đất tươi đẹp, thân thiện, giàu tri thức và tiềm năng đến với cả nước và thế giới.

Du lịch đồng hành cùng văn hóa di sản
Tạo sức bật từ năm du lịch quốc gia

Năm 2025, Thừa Thiên Huế được chọn để đăng cai tổ chức năm du lịch quốc gia. Đây là cơ hội để ngành du lịch Cố đô kết nối và tạo được dấu ấn, khai thác hết tiềm năng, lợi thế, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Tạo sức bật từ năm du lịch quốc gia
Hình thành nhiều sản phẩm du lịch mới

Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 03 của Thành ủy về phát triển du lịch, dịch vụ (DLDV), trọng tâm là phát triển, hoàn thiện dịch vụ, du lịch về đêm, ẩm thực Huế (viết tắt là Nghị quyết 03), nhiều sản phẩm du lịch mới trên địa bàn thành phố hình thành, chất lượng dịch vụ ngày càng nâng lên đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách.

Hình thành nhiều sản phẩm du lịch mới
Gắn kết văn hóa và du lịch, tăng tốc phát triển

Thừa Thiên Huế đang nỗ lực xây dựng và phát triển xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch. Ngành du lịch cùng các ban, ngành, đơn vị liên quan đang cố gắng tăng tốc để đạt được mục tiêu của Nghị quyết 04-NQ/TU đã được Tỉnh ủy ban hành.

Gắn kết văn hóa và du lịch, tăng tốc phát triển

TIN MỚI

Return to top