ClockThứ Sáu, 18/10/2024 05:43

Tạo sức bật từ năm du lịch quốc gia

TTH - Năm 2025, Thừa Thiên Huế được chọn để đăng cai tổ chức năm du lịch quốc gia. Đây là cơ hội để ngành du lịch Cố đô kết nối và tạo được dấu ấn, khai thác hết tiềm năng, lợi thế, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

TP.Huế: Doanh thu du lịch đạt gần 5.000 tỷ đồng Quảng bá và khai thác các sản phẩm du lịch mới của Hương ThủyTháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển dịch vụ, du lịch biển - đầm phá

 Khách du lịch thích thú xem làm tò he tại phố đi bộ Hai Bà Trưng. Ảnh: Ngọc Hòa

Đòn bẩy cho du lịch

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, năm du lịch quốc gia - Huế 2025 là sự kiện văn hóa - kinh tế - xã hội và du lịch quy mô quốc gia và tầm quốc tế kết hợp với Festival Huế 2025. Sự kiện này cũng gắn với kỷ niệm 50 năm giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế và kỷ niệm các dịp lễ lớn khác của đất nước; hưởng ứng, chào mừng Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Năm du lịch quốc gia và Festival Huế 2025 sẽ có hàng chục chương trình, sự kiện chính. Trong đó, điểm nhấn là lễ khai mạc năm du lịch quốc gia kết hợp khai mạc Festival Huế và chương trình nghệ thuật bắn pháo hoa chào mừng 50 ngày giải phóng Thừa Thiên Huế. Sự kiện dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 3/2025 tại TP. Huế.

Nhìn vào năm du lịch quốc gia - Điện Biên 2024 có thể thấy, sự kiện này đã tạo đòn bẩy phát triển du lịch không chỉ cho Điện Biên mà cho cả vùng Tây Bắc. Có khoảng 169 chương trình, sự kiện hưởng ứng, trong đó có 13 chương trình, sự kiện quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, các bộ, ban, ngành Trung ương chủ trì tổ chức. Điều này đã tạo sức hút du lịch và cơ hội quảng bá mạnh mẽ cho du lịch Điện Biên nói riêng, du lịch Tây Bắc nói chung. Các doanh nghiệp lữ hành đã tung ra nhiều chương trình du lịch, khám phá các địa danh của tỉnh Điện Biên và các địa phương lân cận. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp lữ hành giới thiệu các tour tuyến đặc sắc. Nhờ đó, Điện Biên và các địa phương vùng Tây Bắc có dịp để giới thiệu nét đặc sắc về du lịch và những sản phẩm du lịch đặc trưng mà nhiều du khách chưa có cơ hội biết đến.

Hay trước đó, năm 2023, thành công của năm du lịch quốc gia 2023 - Bình Thuận Hội tụ xanh đã góp phần tích cực vào thành công chung của du lịch Việt Nam 2023. Lần đầu tiên, tỉnh Bình Thuận đón hơn 8,5 triệu lượt du khách với tổng doanh thu du lịch đạt hơn 23.000 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so năm 2022 và ghi danh vào danh sách 9 tỉnh, thành phố có doanh thu du lịch cao nhất cả nước.

Theo lãnh đạo Sở Du lịch, sau dịch COVID-19, để kích cầu phát triển du lịch trong cả nước, các hoạt động năm du lịch quốc gia năm 2025 sẽ góp phần thúc đẩy phát triển thị trường khách du lịch nội địa và quốc tế toàn quốc, phục hồi hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, tạo bước phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn mà Trung ương đã đề ra - xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam là điểm đến nổi bật của thế giới nói chung và đưa Huế trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực.

Mặc áo dài đạp xe trên phố quảng bá du lịch Huế 

Để 2025 là năm của Huế

Tại buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế về Đề án tổ chức năm du lịch quốc gia - Huế 2025, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong đã nhấn mạnh một ý rất hay, đó là năm 2025 sẽ là năm có rất nhiều sự kiện lớn đối với Thừa Thiên Huế. Do vậy, việc tổ chức các sự kiện của năm du lịch quốc gia cần được sắp xếp khoa học, bài bản, gắn kết với các sự kiện quan trọng của tỉnh để năm 2025 sẽ trở thành “năm của Huế”.

Theo Thứ trưởng Hồ An Phong, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương trọng điểm trên bản đồ du lịch Việt Nam, với thế mạnh về du lịch văn hóa, di sản. Từ kinh nghiệm đã tổ chức năm du lịch quốc gia trước đó (2012), Huế phải tổ chức thành công hơn, nâng tầm sự kiện hơn nữa để tăng sức hút với khách du lịch. Không chỉ quảng bá thương hiệu điểm đến, mà đồng thời còn phải phát triển du lịch lễ hội, tạo ra các festival tour để tăng trải nghiệm, đáp ứng đòi hỏi, mong muốn của du khách, góp phần tăng lượng khách du lịch đến với Huế.

Ông Phúc cho hay, chuỗi các sự kiện tổ chức được định hướng thể hiện được nét đặc trưng về văn hóa, vùng đất, con người Huế thông qua nội dung sâu sắc, hấp dẫn, được tổ chức hiệu quả, thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm trong mối liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước. Mỗi hoạt động triển khai được xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể; ưu tiên nguồn lực tổ chức các hoạt động có tính chất điểm nhấn, hấp dẫn, sáng tạo, có sức lan tỏa rộng và có tính liên kết cao. “Việc tổ chức các sự kiện của năm du lịch quốc gia sẽ được sắp xếp khoa học, bài bản và sáng tạo, gắn kết hài hòa với các sự kiện quan trọng của tỉnh để năm 2025 sẽ trở thành năm của Huế. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng có định hướng tổ chức ngày hoặc là tuần Văn hóa - Du lịch Việt Nam chủ đề về Huế, để lan tỏa, quảng bá không chỉ trong nước mà cả quốc tế”, ông Phúc chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, phát triển du lịch Huế không chỉ là câu chuyện cho riêng Huế mà có thể tạo ra sự phát triển du lịch lan tỏa cho cả dải đất miền Trung giàu tiềm năng và cả nước. Thừa Thiên Huế sẽ phát huy các liên kết để phát triển du lịch, trong đó có sự kết nối chính quyền các địa phương; kết nối các doanh nghiệp và kết nối các hạ tầng giao thông, hạ tầng phục vụ du lịch từ sân bay, bến cảng… để tạo ra các giá trị, góp phần phát triển du lịch Huế nói riêng, miền Trung và cả nước nói chung.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gia tăng số lượng quốc gia tham gia cách tiếp cận đầu tư sáng tạo của FAO

Các phương pháp tiếp cận đổi mới sáng tạo và có mục tiêu hướng đến sự phát triển đang được chú ý hơn bao giờ hết, điều này được nhấn mạnh bởi sự tham gia ngày càng tăng vào Diễn đàn Đầu tư Hand-in-Hand năm 2024, trong khuôn khổ Diễn đàn Lương thực thế giới (WFF), đang được tổ chức từ ngày 14 - 18/10 tại thủ đô Rome, Italy.

Gia tăng số lượng quốc gia tham gia cách tiếp cận đầu tư sáng tạo của FAO
Hình thành nhiều sản phẩm du lịch mới

Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 03 của Thành ủy về phát triển du lịch, dịch vụ (DLDV), trọng tâm là phát triển, hoàn thiện dịch vụ, du lịch về đêm, ẩm thực Huế (viết tắt là Nghị quyết 03), nhiều sản phẩm du lịch mới trên địa bàn thành phố hình thành, chất lượng dịch vụ ngày càng nâng lên đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách.

Hình thành nhiều sản phẩm du lịch mới
Gắn kết văn hóa và du lịch, tăng tốc phát triển

Thừa Thiên Huế đang nỗ lực xây dựng và phát triển xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch. Ngành du lịch cùng các ban, ngành, đơn vị liên quan đang cố gắng tăng tốc để đạt được mục tiêu của Nghị quyết 04-NQ/TU đã được Tỉnh ủy ban hành.

Gắn kết văn hóa và du lịch, tăng tốc phát triển
Doanh nghiệp du lịch đồng hành giảm rác thải nhựa

Giảm thiểu rác thải nhựa (RTN) là xu hướng cần thiết để phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững. Ngành du lịch đang gắn kết vai trò của doanh nghiệp (DN) trong việc cùng phối hợp triển khai thực hiện các can thiệp nhằm giảm thiểu lượng nhựa phát sinh trong kinh doanh du lịch.

Doanh nghiệp du lịch đồng hành giảm rác thải nhựa
Return to top