ClockThứ Ba, 19/12/2023 10:01

Thay đổi để bắt kịp xu hướng mới nổi của ngành du lịch

TTH - Một trong những xu hướng mới nổi của ngành du lịch sau đại dịch COVID-19 là mối quan tâm ngày càng cao đối với du lịch bền vững và tính bền bỉ của du lịch. Theo lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, để phục hồi và phát triển ngành du lịch trong thời kỳ mới, cần nhận thức và suy nghĩ lại về du lịch theo hướng bền vững hơn, chú ý hơn đến tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, quản lý điểm đến và phát triển nguồn nhân lực.

Đoàn Famtrip Philippines khảo sát nhiều tuyến điểm du lịch tại miền TrungHút khách du lịch tàu biển đến Huế

 

Doanh nghiệp không ngừng thay đổi để đáp ứng xu hướng du lịch mới của du khách 

Xu hướng mới đòi hỏi sự thay đổi

Mới đây, tại một sự kiện của ngành du lịch được tổ chức tại TP. Huế, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu đã chia sẻ nhiều thông tin đáng chú ý. Trong đó, thông tin từ báo cáo mới nhất của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) chỉ ra du lịch quốc tế đang trên đà phục hồi và sẽ đạt được gần 90% so với mức trước đại dịch vào cuối năm nay, với nhiều điểm đến đã khôi phục hoặc thậm chí vượt qua lượng khách đến và doanh thu trước đại dịch. Song, khu vực châu Á và Thái Bình Dương đang bị tụt lại phía sau. Từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay, khu vực này chỉ phục hồi được 62% so mức trước đại dịch do việc mở cửa trở lại du lịch quốc tế chậm hơn.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong ASEAN mở cửa hoàn toàn biên giới mà không có bất kỳ hạn chế nào liên quan đến COVID-19 kể từ tháng 3/2022. Hai năm qua, ngành du lịch nhận được nhiều chính sách thuận lợi nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi và hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động du lịch. Trong 11 tháng năm 2023, Việt Nam đón 11,2 triệu lượt khách quốc tế, phục hồi 69% so với cùng kỳ năm 2019 và vượt xa mục tiêu ban đầu đặt ra là 8 triệu cho cả năm. Riêng tại tỉnh Thừa Thiên Huế, 11 tháng đầu năm 2023 đã đón gần 2,8 triệu lượt khách, trong đó đáng chú ý là khách quốc tế tăng mạnh, hơn 942.000 lượt, tăng 370% so với cùng kỳ năm trước. Đây là một kết quả đáng chú ý, thể hiện nỗ lực của tất cả các bên liên quan nhằm khôi phục ngành du lịch và đóng góp cho sự phát triển kinh tế của đất nước cũng như cải thiện phúc lợi của người dân.

Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu, một trong những xu hướng mới nổi của ngành du lịch sau đại dịch là mối quan tâm ngày càng cao đối với du lịch bền vững và tính bền bỉ của du lịch. Để phục hồi và phát triển ngành du lịch trong thời kỳ mới này, rất cần nhận thức và suy nghĩ lại về du lịch theo hướng bền vững hơn, chú ý hơn đến tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, quản lý điểm đến và phát triển nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp du lịch trở nên mạnh mẽ và kiên cường hơn cũng rất quan trọng, vì phần lớn các doanh nghiệp du lịch đều có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, rất dễ bị tổn thương trước những khủng hoảng có thể xảy đến trong tương lai.

Đào tạo kỹ năng số cho doanh nghiệp du lịch

Hiện nay, cùng với các ngành, chuyển đổi số trong du lịch cũng là yêu cầu quan trọng. Tại hội thảo “Đào tạo kỹ năng số cho doanh nghiệp du lịch xanh” (đầu tháng 12), ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng, chuyển đổi số là một trong những nội dung quan trọng, mang yếu tố then chốt cho các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Chuyển đổi số, mà đặc biệt là kỹ năng số là một trong những mục tiêu được quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ, mà qua đó tạo lập môi trường để các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ có thể chia sẻ, liên kết cung cấp các dịch vụ ngày càng đa dạng, chất lượng và hiệu quả cho du khách.

Theo Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu, các khóa đào tạo kỹ năng số cho doanh nghiệp du lịch xanh sẽ giải quyết một trong những mối quan tâm lớn nhất trong ngành du lịch. Đặc biệt là sự chia sẻ của các chuyên gia giàu kinh nghiệm của quốc tế sẽ chia sẻ kiến thức và kỹ năng thực tế cần thiết nhằm thúc đẩy việc ứng dụng các kỹ năng số, cũng như hướng dẫn các doanh nghiệp du lịch cách sử dụng các giải pháp số để nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới và linh hoạt hơn.

Đại diện các doanh nghiệp cho biết, trước xu hướng du lịch mới, các giải pháp số cho doanh nghiệp du lịch rất quan trọng, trong đó có các phương pháp để trở thành tiếp thị số và mạng xã hội, công cụ tìm kiếm, đại lý du lịch trực tuyến, chuyển đổi số trong du lịch… Hiện ngành du lịch đang có nhiều giải pháp để thực hiện chuyển đổi số. Những nội dung đào tạo kỹ năng số cho doanh nghiệp du lịch cần được triển khai thường xuyên hơn, phù hợp với các điểm đến để doanh nghiệp dễ dàng áp dụng vào thực tiễn, nhất là kỹ năng số và quảng bá tiếp thị số nhằm tăng cường sự hiện diện của doanh nghiệp trên môi trường số, mở rộng cơ hội tiếp cận và thu hút khách hàng từ internet, thúc đẩy du lịch.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điểm đến Hương Bình

Với sự quan tâm của tỉnh và thị xã, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá, đầu tư xây dựng hạ tầng, xã Hương Bình (Hương Trà) đang trở thành một trong những địa phương có sức hấp dẫn nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ.

Điểm đến Hương Bình
“Đánh thức” tiềm năng du lịch

Với tiềm năng, thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, địa lý và văn hóa lịch sử, thị xã Hương Trà đang tích cực tìm hướng phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn.

“Đánh thức” tiềm năng du lịch
Du lịch trở lại “đường đua”, đẩy nhanh trao đổi khách hai chiều

Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024, bằng giai đoạn “hoàng kim” năm 2019. Thừa Thiên Huế là một trong địa phương có thế mạnh về du lịch. Để góp phần đưa du lịch Việt Nam tăng tốc trên “đường đua”, du lịch Cố đô cần tận dụng những điều kiện thuận lợi, nhất là hợp tác thúc đẩy trao đổi khách du lịch giữa Việt Nam và các nước.

Du lịch trở lại “đường đua”, đẩy nhanh trao đổi khách hai chiều

TIN MỚI

Return to top