ClockThứ Năm, 18/07/2024 11:07

Thu hút khách quốc tế mùa thấp điểm

TTH - Từ tháng 5 đến đầu tháng 9 hàng năm được xem là mùa thấp điểm khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên, ngành du lịch Việt Nam nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng đang thực hiện nhiều giải pháp để thu hút du khách nước ngoài, nhất là những thị trường mục tiêu.

Huế tạo bức tranh lớn về du lịchĐầu tư dịch vụ để hút khách quốc tế

 Khách quốc tế đều tham quan các điểm di tích ở Huế

Mùa thấp điểm vẫn tăng trưởng

Ngành du lịch Việt Nam vừa bước qua 2 tháng đầu tiên của mùa thấp điểm khách quốc tế. Tuy lượng khách quốc tế có sụt giảm so với những tháng cao điểm, nhưng điều đáng mừng của ngành du lịch Việt Nam nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng là dấu hiệu “phục hồi” khách quốc tế sau đại dịch đang rất rõ ràng.

Chỉ tính riêng tháng 6/2024, lượng khách đến Huế ước đạt hơn 359.300 lượt, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khách quốc tế ước đạt 93.533 lượt. Nếu so với tháng trước đó, lượng khách quốc tế chỉ đạt gần 86%, nhưng so với cùng kỳ năm trước, khách quốc tế đến Huế trong tháng 6 vừa qua tăng đến gần 20,5%. Đáng chú ý là khách quốc tế đến Huế lưu trú lại tăng. Trong tháng 6/2024, các cơ sở lưu trú ở Huế đã phục vụ hơn 54.500 lượt khách, tăng hơn 4% so với tháng 5/2024 và tăng hơn 79% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 6 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế tăng mạnh, trong đó khách quốc tế đến Huế ước đạt gần 821.300 lượt, tăng hơn 42,6% so với cùng kỳ; khách quốc tế lưu trú cũng tăng hơn 37,6%.

Theo các chuyên gia, du lịch Huế nói riêng, Việt Nam nói chung đang có sự phục hồi mạnh mẽ. Số liệu từ Tổng cục Thống kê công bố, riêng trong tháng 6, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 1,2 triệu lượt, giảm 10% so với tháng 5 do bước vào mùa thấp điểm. Song, con số này đã đưa tổng lượng khách quốc tế 6 tháng đầu năm lên 8,8 triệu lượt, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm trước.

Đại diện các doanh nghiệp đánh giá, lượng khách quốc tế trong tháng 6 giảm được cho là điều bình thường. Đây là thời điểm các thị trường châu Âu, Đông Bắc Á thường không đi du lịch xa. Đặc biệt, dù đang trong mùa thấp điểm khách quốc tế, nhưng lượng khách đến trong 6 tháng vẫn cao hơn 4,1% so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm được coi là “hoàng kim” của du lịch Việt, đây là một tín hiệu rất tích cực của ngành du lịch.

Đối với ngành du lịch Cố đô, việc duy trì các thị trường khách truyền thống đang rất tốt. Trong đó, top 10 thị trường khách quốc tế đến Huế tháng 6 vừa qua là Đài Loan (Trung Quốc), Pháp, Mỹ, Anh, Úc, Malaysia, Thái Lan, Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, việc duy trì và tăng trưởng về lượng khách quốc tế sẽ tạo đà và giúp ngành du lịch hoàn thành mục tiêu đón khách quốc tế trong năm 2024. Mùa cao điểm du lịch quốc tế của Việt Nam từ tháng 10 đến tháng 4 nên cuối năm sẽ là thời gian để ngành du lịch bứt phá và tăng tốc.

Để khách “tiêu tiền”

Trong một chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Quý Phương, Trưởng phòng Quản lý xúc tiến du lịch, Cục Du lịch quốc gia nhấn mạnh, hiệu quả của du lịch thể hiện ở doanh thu, khách đến và khách quay trở lại. Hiện nay, khách quốc tế không chỉ đi du lịch thuần túy mà khách kinh doanh cũng nhiều và đều ở khách sạn. Qua nghiên cứu cho thấy, chi tiêu hiện nay của khách chỉ ở mức độ cơ bản, ăn ở, đi lại… Do đó, cần phát triển thêm sản phẩm du lịch để kích thích nhu cầu chi tiêu của du khách.

Thực tế, chính sách visa thông thoáng đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực cho ngành du lịch trong việc thu hút khách quốc tế. Những thị trường được hưởng chính sách miễn thị thực đơn phương nhập cảnh vào Việt Nam với thời hạn tạm trú lên đến 45 ngày áp dụng từ 15/8/2023 đều là những thị trường khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh 6 tháng đầu năm 2024.

Thời gian vừa qua, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai thành công hàng loạt chương trình xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài như Úc, Pháp, Đức, Ý, sắp tới là các chương trình tại Nga, Hàn Quốc… Còn với Thừa Thiên Huế, việc liên kết các địa phương miền Trung của Việt Nam (Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam) đã đẩy mạnh công tác xúc tiến ra nhiều quốc gia, khu vực, nhất là các nước Đông Nam Á.

Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch chia sẻ, mới đây (ngày 21/6), ba tỉnh thành Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam vừa phối hợp tổ chức chương trình giới thiệu du lịch tại thành phố Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc). Nhiều hoạt động nhằm quảng bá và phát triển du lịch địa phương, bao gồm: Giới thiệu các điểm đến, sự kiện, lễ hội, sản phẩm và dịch vụ du lịch, đặc biệt là các chương trình kích cầu du lịch; không gian B2B dành cho các doanh nghiệp du lịch để trao đổi, giới thiệu thông tin, chào bán các sản phẩm, dịch vụ du lịch và ký kết hợp tác với các đối tác… đã góp phần quảng bá, mở ra nhiều cơ hội mới để thu hút du khách Đài Loan (Trung Quốc) đến khu vực miền Trung Việt Nam.

Để hút khách và kích thích nhu cầu chi tiêu của khách du lịch, cần quan tâm điều tra cụ thể mức chi tiêu của từng thị trường khách du lịch, nhất là khách du lịch quốc tế để có giải pháp kích thích chi tiêu của khách; đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá và có các chương trình kích cầu du lịch để hút khách.

Bên cạnh đó, cần tập trung xây dựng sản phẩm du lịch nổi trội, đặc sắc, gắn với từng thị trường khách du lịch. Đặc biệt, cần tiếp tục mở rộng, kêu gọi đầu tư loại hình du lịch mua sắm vốn thu hút rất nhiều khách. Các địa phương cũng như các doanh nghiệp du lịch, thương mại cần quan tâm đến việc tổ chức hệ thống các dịch vụ phục vụ khách, kinh doanh sản phẩm hàng hóa dành cho khách.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thêm cơ hội thu hút đầu tư

Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là cột mốc quan trọng, mở ra nhiều cơ hội trong hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư.

Thêm cơ hội thu hút đầu tư

TIN MỚI

Return to top