ClockThứ Sáu, 16/02/2024 07:16

Thúc đẩy du lịch phát triển từ cơ chế hợp tác ASEAN+3

TTH - Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ thực hiện kế hoạch công tác hợp tác du lịch ASEAN+3 và tích cực đóng góp vào các dự án, hoạt động du lịch chung. Cơ chế hợp tác ASEAN+3 nếu tận dụng và khai thác tốt sẽ mang lại nhiều cơ hội cho du lịch quốc gia nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng.

Hút khách đến Huế đã khó, giữ được khách còn khó hơnKhách du lịch đến Huế dịp tết tăng caoThừa Thiên Huế với mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa

 Du khách Hàn Quốc đến Huế du lịch bằng đường hàng không

Nhân lên nhiều giá trị

Những năm qua, cơ chế hợp tác du lịch ASEAN+3 đã mang lại bức tranh tươi sáng về du lịch cho các nước liên quan, trong đó có Việt Nam. Năm 2023, Việt Nam đón gần 6 triệu lượt khách du lịch từ 3 nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, chiếm 47% tổng lượng khách quốc tế. Tại Thừa Thiên Huế, Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc cho biết, cùng với các khách du lịch từ thị trường các nước Đông Nam Á, thì khách từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản đến tham quan, du lịch, trải nghiệm ở Cố đô cũng rất lớn, nhất là Hàn Quốc thường xuyên nằm trong top 10 thị trường khách đến Huế.

Theo đại diện Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, trong khuôn khổ hợp tác ASEAN+3, thông qua Trung tâm ASEAN - Trung Quốc (ACC), Trung tâm ASEAN - Nhật Bản (AJC) và Trung tâm ASEAN - Hàn Quốc (AKC) đã có nhiều hỗ trợ đối với du lịch ASEAN. Các hỗ trợ chủ yếu dưới dạng hỗ trợ kỹ thuật thông qua các khóa đào tạo về quảng bá xúc tiến du lịch (xây dựng trang web, đào tạo hướng dẫn viên, hội thảo kỹ thuật về thị trường, tham gia các sự kiện quảng bá, xúc tiến), phát triển sản phẩm và các chương trình giao lưu, các khóa đào tạo tại ASEAN và các nước đối tác.

Đáng chú ý, Trung Quốc đã tổ chức ba hoạt động là Triển lãm Du lịch Expo Trung Quốc - ASEAN; Hội chợ Du lịch Quốc tế Trung Quốc và chương trình đào tạo nhân lực du lịch Trung Quốc - ASEAN. Nhật Bản đăng cai đối thoại đặc biệt Bộ trưởng Du lịch ASEAN - Nhật Bản tháng 10/2023 nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao ASEAN - Nhật Bản. Nhật Bản cũng đã triển khai các dự án song phương với nhiều quốc gia thành viên ASEAN bao gồm Campuchia, Lào, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Hàn Quốc đã triển khai một số hoạt động trong chương trình Sáng kiến Đối tác Hàn Quốc về Du lịch Bền vững (KOPIST), bao gồm: Hội thảo cấp chuyên viên; Diễn đàn chính sách cấp cao; Tư vấn chuyên sâu từ tháng 7-11/2023... Trên chính những nền tảng, cơ chế hợp tác ấy, cơ hội thúc đẩy du lịch đã tốt hơn. Các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam nói chung có thêm cơ hội để nâng cao năng lực, kinh nghiệm phát triển du lịch; đồng thời giới thiệu các sản phẩm du lịch và thu hút du khách quốc tế.

Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc luôn là những thị trường nguồn quan trọng đối với Việt Nam và là những ưu tiên chính để xúc tiến kể từ khi du lịch mở cửa trở lại. Sự hỗ trợ liên tục của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cho phát triển du lịch ASEAN, đặc biệt với các dự án, sự kiện quảng bá nhằm quảng bá hình ảnh du lịch ASEAN tại 3 nước luôn được đánh giá rất cao. Việt Nam đã thực hiện nhiều chính sách khác nhau để giảm bớt các yêu cầu về thị thực và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của khách du lịch trong khu vực. Kể từ tháng 8/2023, Việt Nam ban hành chính sách thị thực mới, kéo dài thời gian lưu trú đối với khách du lịch xin thị thực điện tử lên đến 90 ngày và đối với khách du lịch được miễn thị thực lên đến 45 ngày.

Thêm giải pháp, thêm cơ hội

Mới đây, trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch ASEAN ATF 2024 tại Viêng Chăn, Lào, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh khẳng định, để cùng thúc đẩy hợp tác du lịch ASEAN+3, Việt Nam cam kết phối hợp chặt chẽ với tất cả các nước thành viên thực hiện Kế hoạch công tác hợp tác du lịch ASEAN+3 và tích cực đóng góp vào các dự án, hoạt động du lịch chung. Để quảng bá tốt hơn các điểm đến ASEAN và các hoạt động du lịch liên kết, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đề nghị các quốc gia thành viên hợp tác và thực hiện Famtrip theo chủ đề về thế mạnh, như du lịch giải trí bãi biển, du lịch di sản, du lịch spa và chăm sóc sức khỏe cho giới truyền thông và những người có ảnh hưởng từ các quốc gia đối tác.

Cùng với những cơ chế, giải pháp mang tầm vĩ mô, về phía địa phương, rõ ràng để tranh thủ, tận dụng cơ chế hợp tác ASEAN+3 nhằm phát triển du lịch, tính chủ động là yêu cầu rất lớn. Trong đó, cần phối hợp với ngành du lịch tập trung công tác xúc tiến, quảng bá du lịch chung; Tăng cường kỹ năng và kiến thức du lịch; tìm các giải pháp thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, cần kết nối các đối tác để nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện sản phẩm du lịch (các gói tour kết nối các điểm đến ASEAN+3; sản phẩm du lịch tàu biển)…

Thực tế, bên cạnh những thuận lợi, Thừa Thiên Huế vẫn còn nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thị trường khách quốc tế, trong đó có Nhật Bản, Trung Quốc. Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch cho biết, từng thị trường khách quốc tế có những đòi hỏi, nhu cầu khác nhau. Đơn cử như khách du lịch Nhật Bản đòi hỏi về dịch vụ cao, trải nghiệm văn hóa sâu sắc. Trong khi đó, các sản phẩm đối với thị trường chuyên biệt ở tầm cao thì các doanh nghiệp làm du lịch ở Huế vẫn chưa có nhiều. Đối với khách Hàn Quốc, xu hướng du khách thích các sản phẩm du lịch spa nhưng Huế chưa nhiều cơ sở đáp ứng với quy mô lớn. Còn với khách Trung Quốc, nhu cầu trải nghiệm, thưởng thức thủy, hải sản, nghỉ dưỡng biển và các dịch vụ vui chơi giải trí, song, tính cạnh tranh về lĩnh vực này của Huế chưa cao.

Khó khăn được nhận diện cũng đòi hỏi chính quyền địa phương, ngành du lịch phải tìm giải pháp. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là chính sách kêu gọi đầu tư, bổ sung các dịch vụ, sản phẩm du lịch, vui chơi giải trí mà Huế đang thiếu. Cần tranh thủ các cơ chế hợp tác để thu hút đầu tư về cơ sở vật chất, dịch vụ phục vụ du lịch. Doanh nghiệp cũng cần kết nối với đối tác quốc tế để nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm, dịch vụ tập trung vào từng thị trường khách du lịch.

Theo lãnh đạo Sở Du lịch, ngành du lịch địa phương cũng đang nỗ lực tận dụng những giải pháp hỗ trợ từ phía các đối tác; tập trung làm tốt công tác chuyển đổi số trong du lịch, ứng dụng vào các giải pháp truyền thông, quảng bá du lịch theo xu hướng mới. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng đội ngũ làm du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại để tạo ấn tượng và thu hút khách.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống

Chiều 18/12, tại Khách sạn Saigon Morin diễn ra Hội thảo khoa học Quốc gia “Phát huy giá trị âm nhạc truyền thống Huế trong phát triển văn hóa, du lịch” do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức.

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống
Phát triển kinh tế tập thể: Hướng đi hiệu quả

Việc liên kết sản xuất, đổi mới mẫu mã, phương thức bán hàng đã giúp các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) phát huy tối đa lợi thế, thúc đẩy sự phát triển, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn...

Phát triển kinh tế tập thể Hướng đi hiệu quả
Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét

Sáng 18/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch với chủ đề: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển Đất nước trong kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét
Kết nối các tuyến, điểm phát triển du lịch

Huế có tiềm năng phát triển du lịch, nhưng vẫn còn hạn chế trong việc liên kết phát triển du lịch, nhất là kết nối giữa các điểm đến, kết nối điểm đến với doanh nghiệp lữ hành. Đây là điểm cần khắc phục để tăng sức hấp dẫn và tạo ra nhiều trải nghiệm thu hút khách.

Kết nối các tuyến, điểm phát triển du lịch

TIN MỚI

Return to top