ClockThứ Ba, 05/03/2024 10:36

Thúc đẩy phát triển du lịch tàu biển

TTH - Du lịch tàu biển giữ vai trò quan trọng trong thu hút, gia tăng lượng khách quốc tế đến Thừa Thiên Huế. Đồng thời, góp phần quảng bá các sản phẩm du lịch, thương hiệu du lịch mang lại giá trị kinh tế cho doanh nghiệp khai thác và giá trị cộng hưởng lợi ích cho địa phương.

Thu hút dòng khách “hạng sang” đến HuếSôi động du lịch tàu biển năm 2024Hút khách du lịch tàu biển đến HuếSiêu du thuyền Diamond Princess đưa đoàn khách quốc tế tham quan di sản Huế

 Tàu du lịch CELEBRITY SOLSTICE đưa du khách đến cảng Chân Mây

Mới đây, lãnh đạo tỉnh đã buổi làm việc với Tập đoàn tàu biển Royal Caribbean về thúc đẩy du lịch tàu biển tại Thừa Thiên Huế. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, Chính phủ Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành, địa phương liên quan; trong đó có Thừa Thiên Huế, rất quan tâm đến việc thúc đẩy phát triển loại hình du lịch tàu biển và đã có nhiều chính sách đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút khách tàu biển vào Việt Nam nói chung và đến với Thừa Thiên Huế nói riêng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đề nghị Tập đoàn Royal Caribbean đưa cảng Chân Mây vào danh sách các điểm đến định tuyến của hãng trong năm 2024 và những năm tiếp theo, hỗ trợ, tư vấn cho tỉnh trong việc kết nối hoạt động du lịch tàu biển với việc phát triển sản phẩm phục vụ khách du lịch tàu biển gắn với thế mạnh đặc trưng của tỉnh về di sản văn hóa, ẩm thực và cảnh quan. Đồng thời, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị Royal Caribbean phối hợp, hỗ trợ tỉnh trong việc quảng bá Thừa Thiên Huế đến với các thị trường khách du lịch tàu biển trên thế giới.

Khảo sát của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) cho thấy, du lịch tàu biển có giá trị doanh thu cao hơn 40% so với du lịch bằng đường hàng không hay đường bộ. Đây cũng là lý do khiến du lịch tàu biển được các nước phát triển trên thế giới ưa chuộng. Tại Việt Nam, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định, du lịch biển, đảo là một ưu tiên, trong đó có rất nhiều lợi thế để thu hút khách du lịch tàu biển. Với định hướng đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đang triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường hợp tác với các tập đoàn tàu biển, đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển du lịch tàu biển và các cơ chế, thủ tục để phát triển du lịch tàu biển, thu hút du khách đến Huế.

 Tàu du lịch CELEBRITY SOLSTICE đưa du khách đến cảng Chân Mây

Bà Wendy Yamazaki, Phó Chủ tịch phụ trách Quan hệ Chính phủ, Khu vực châu Á của Tập đoàn tàu biển Royal Caribbean cho rằng, tiềm năng phát triển loại hình này tại khu vực châu Á rất lớn. Châu Á là khu vực mang lại lợi nhuận lớn và đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động tàu biển của Tập đoàn Royal Caribbean. Việt Nam là một trong ba điểm yêu thích của du khách tàu biển quốc tế, cùng với Thái Lan và Singapore. Bên cạnh đó, với hải trình dọc bờ biển Thái Bình Dương, Việt Nam là điểm “thả neo” quan trọng của các tour du lịch tàu biển thuộc Royal Caribbean.

Bà Wendy Yamazaki đánh giá cao những nỗ lực trong thời gian qua của Thừa Thiên Huế trong việc thúc đẩy phát triển du lịch tàu biển. Cũng theo bà Wendy Yamazaki, Tập đoàn Royal Caribbean mong muốn tăng cường hợp tác với tỉnh Thừa Thiên Huế để đẩy mạnh xây dựng sản phẩm du lịch tàu biển hấp dẫn, có bản sắc văn hóa, nhằm thu hút khách lên bờ và chi tiêu nhiều hơn khi đến Thừa Thiên Huế. Tập đoàn Royal Caribbean sẽ tiếp tục lựa chọn Thừa Thiên Huế là điểm đến định tuyến cũng như đồng hành với tỉnh phát triển du lịch tàu biển. Bà Wendy Yamazaki đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế và các ngành liên quan báo cáo đề xuất Chính phủ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi về chính sách thị thực, mở rộng đối tượng được miễn thị thực, tạo điều kiện ưu đãi cho thủy thủ đoàn lên bờ, linh hoạt và tăng cường ứng dụng công nghệ trong thủ tục xuất, nhập cảnh…

Theo Sở Du lịch, dự báo trong năm 2024, số lượng tàu biển du lịch cập cảng Chân Mây sẽ tăng gấp đôi hoặc hơn gấp đôi so với năm 2023. Cùng với đó là lượng du khách quốc tế đến Huế sẽ tăng mạnh. Thừa Thiên Huế sẽ khai thác thêm các tour, tuyến nhằm đáp ứng yêu cầu cao của dòng khách này, qua đó nâng tỷ lệ thời gian lưu trú, khả năng chi tiêu của du khách. Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng các đại lý đăng ký tàu du lịch sẽ cập cảng Chân Mây vào năm 2024 đã có khoảng 40 lượt tàu, mỗi chuyến có hàng ngàn hành khách và thuyền viên. Thị phần khách tàu biển đến Việt Nam được giới chuyên môn dự báo khá sôi động, trong đó đa phần là tầng lớp trung và thượng lưu, mức độ chi tiêu cho du lịch khá nhiều.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, để phát triển du lịch tàu biển, thời gian qua, cùng với việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật bến cảng, tỉnh tăng cường xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp các đối tượng khách này. UBND tỉnh cũng đã xây dựng cơ chế phối hợp các địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam hình thành các tour du lịch để có thể chia sẻ các sản phẩm du lịch địa phương phục vụ du khách đến Huế cũng như khu vực miền Trung bằng tàu biển.

Bài, ảnh: VĂN BỐN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thúc đẩy giáo dục quyền con người trong các cơ sở mầm non

Ngày 19/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo trực tuyến đánh giá thực hiện Đề án giáo dục quyền con người trong các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN). Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Thúc đẩy giáo dục quyền con người trong các cơ sở mầm non
Phát triển kinh tế tập thể: Hướng đi hiệu quả

Việc liên kết sản xuất, đổi mới mẫu mã, phương thức bán hàng đã giúp các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) phát huy tối đa lợi thế, thúc đẩy sự phát triển, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn...

Phát triển kinh tế tập thể Hướng đi hiệu quả

TIN MỚI

TOP Homestay du lịch cùng garyoung Tour Châu Âu Dịch vụ thuê xe 16 chỗ xe đời mới, chiết khấu caoChuyên du lịch Nhật Bản giá tốt Xe Limousine Hà Nội Hải Phòng Top 10 Tour Du Lịch Phú Quốc
Return to top