|
|
Đi xe đạp là hình thức di chuyển thân thiện với môi trường |
Lợi nhưng vẫn khó
“Thành phố xe đạp” là mục tiêu mà TP. Huế nói riêng và ngành du lịch nói chung muốn hướng đến trong tương lai. Với một thành phố có quy mô nhỏ, đường phố được hình thành từ lâu, cùng với đó là cảnh quan yên bình và cổ kính, xe đạp được nhận định sẽ là phương tiện di chuyển của tương lai trong trung tâm thành phố. Khi du lịch ngày càng phát triển, các tour di chuyển bằng xe đạp không chỉ mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị, mà còn góp phần giảm tải cho giao thông của thành phố.
Cùng với các tour du lịch bằng xe đạp được khai thác lâu nay, tháng 6/2022, UBND TP. Huế phối hợp với Cơ quan Hợp tác Phát triển Đức và Công ty CP Vietsoftpro khai trương mô hình thí điểm hệ thống xe đạp chia sẻ công cộng (xe đạp chia sẻ) tại địa bàn thành phố. Dự án được chia 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ tháng 6 - 12/2022 với 7 trạm đặt xe ở hai bên bờ sông Hương và trong khu vực Đại Nội. Giai đoạn 2 từ tháng 12/2022 đến tháng 6/2023 thí điểm hệ thống xe đạp trên diện rộng (dự kiến 19 - 20 trạm). Giai đoạn 3 từ tháng 6 - 12/2023, mục tiêu vận hành hệ thống tổng thể, tích hợp các tính năng của ứng dụng và quản lý, vận hành bảo trì hệ thống chạy ổn định.
Với một mô hình hoàn toàn mới, khách du lịch có thể lấy xe ở bất kỳ các trạm và trả xe ở trạm khác mà không cần quay về trạm ban đầu. Các thao tác mượn xe được tích hợp trong một thao tác quét mã QR, mô hình "xe đạp chia sẻ" được đánh giá cao về tính thuận lợi cho khách. Đặc biệt là tiêu chí thân thiện với môi trường, sự phát triển bền vững mà du lịch Cố đô hướng đến.
Dù bước đầu cho thấy những trải nghiệm thú vị, tăng thêm dịch vụ cho du lịch Huế như thế, nhưng giai đoạn 2 của dự án đang gặp những khó khăn nhất định trong mở rộng quy mô. Qua quan sát, những trạm xe được hình thành trước đó không còn bố trí xe đạp. Hình ảnh những chiếc xe đạp màu vàng đặc trưng của "xe đạp chia sẻ" không còn xuất hiện trên các đường phố khoảng 4 tháng vừa qua.
Tạm bỏ qua yếu tố kinh tế từ mô hình "xe đạp chia sẻ". Xét về những điều kiện hiện tại, mô hình này vẫn còn những khó khăn nhất định để phát triển. Trong đó, cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông dành cho xe đạp chưa có. Trong khi du khách nước ngoài rất ngại di chuyển mà không có làn đường riêng. Bên cạnh đó, sau khi du lịch trở lại trạng thái bình thường, dòng khách quốc tế, nhất là châu Âu, Bắc Mỹ (dòng khách yêu chuộng di chuyển bằng xe đạp) đến Huế chưa nhiều như trước, nên dẫn đến mô hình khó khăn trong thu hút khách.
|
|
Du khách đến Huế và di chuyển bằng xe đạp |
Cần sự thay đổi
Dù chưa thật sự sôi động như trước, song một số tour du lịch về xe đạp, hay dịch vụ cho thuê xe đạp ở một số doanh nghiệp được duy trì. Điều này có nghĩa, vẫn có một lượng khách nhất định sử dụng dịch vụ xe đạp khi đến Huế hiện tại.
Theo các doanh nghiệp, để phát triển các tour du lịch bằng xe đạp nói chung và mô hình xe đạp chia sẻ nói riêng, tiến đến xây dựng “thành phố xe đạp” trong tương lai, cần hướng đến đáp ứng được những nhu cầu của khách. Xa hơn nữa, chính người dân của thành phố thấy được lợi ích của xe đạp và sử dụng như một phương thức mang tính thiết yếu.
Ông Đỗ Ngọc Cơ, Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh cho rằng, sử dụng xe đạp khi đi du lịch không giống như các phương tiện như xe máy, hay ô tô. Hạn chế của xe đạp là tốc độ di chuyển chậm, nên đòi có những trải nghiệm trên các tuyến đường. Nếu cung đường di chuyển chỉ đạp xe từ điểm A đến điểm B mà không có điểm nhấn gì, khách sẽ lựa chọn những loại hình khác nhanh và thuận lợi hơn.
Ngoài ra, khi đã đi xe đạp mà vẫn phải dừng và để xe tại bãi giữ xe như các phương tiện khác thì rất khó để phát triển. Ví dụ như khách đạp xe tham gia tour tham quan di sản, sau khi vào Đại Nội đã khá mệt mỏi, du khách tiếp tục đi bộ ra bãi giữ xe để lấy xe đạp và tiếp tục dùng sức để đạp xe là điều cần tính toán lại.
“Để xe đạp trở thành phương tiện di chuyển tối ưu, những yếu tố hình thành cho tour di chuyển bằng xe đạp phải tối ưu. Dù biết khó, song hệ thống di sản cũng nên cần tính đến phương án sử dụng xe đạp để di chuyển trong những vị trí phù hợp. Thừa Thiên Huế đang lấy ý kiến về đồ án quy hoạch đô thị chung đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Về lâu dài, để thực hiện mục tiêu “thành phố xe đạp”, cần có những quy hoạch hình thành các tuyến phố an toàn và làm sao để du khách dễ dàng tiếp cận các dịch vụ về xe đạp. Cùng với đó là chuỗi các dịch vụ, điểm đến được kết nối tạo thành những tour tuyến phù hợp...”, ông Cơ phân tích.
Vừa qua, Sở Du lịch đã kết nối các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh và đơn vị cung ứng dịch vụ xe đạp chia sẻ. Thực tế cho thấy, sự kết nối lâu nay để cùng khai thác dịch vụ xe đạp vẫn chưa thật hiệu quả. Cần nhìn nhận, đánh giá lại những khó khăn thực tế làm ảnh hưởng đến việc triển khai mô hình du lịch bằng xe đạp chia sẻ. Đơn vị cung ứng dịch vụ xe đạp cần thay đổi về mặt kỹ thuật, chất lượng của xe, xây dựng lộ trình dựa trên nghiên cứu nhu cầu của du khách... Từ đó, các bên cùng hỗ trợ nhau khai thác hiệu quả hơn.