ClockThứ Năm, 22/04/2021 07:00

A Lưới vào “mùa” du lịch hè

TTH - Tận dụng lợi thế điều kiện thiên nhiên với nhiều suối, thác và bản sắc văn hóa đặc trưng, A Lưới đang tập trung thu hút khách du lịch mùa hè 2021.

Đừng quên ghé A RoàngDu lịch A Lưới hấp dẫn bởi có nhiều điều lạXây dựng nhãn hiệu "Du lịch A Lưới" và nhãn hiệu tập thể "Đệm bàng Phò Trạch"A Lưới dần khôi phục du lịch để đón khách trở lại

Không khí mát mẻ cùng vẻ đẹp của thác A Nôr khiến nhiều người thích đến vào mùa hè

Đón khách trở lại

Con đường dẫn vào thác A Nôr (xã Hồng Kim) đẹp hơn sau khi được cải tạo, bê tông hóa. Ngoài hệ thống đường giao thông dẫn thẳng đến thác, còn có bãi đổ xe, hệ thống nhà vệ sinh, cây xanh được trồng mới. Từ ngoài cổng, còn có điểm để check-in chụp ảnh cho khách du lịch.

Bà Hồ Thị Loan, công chức văn hóa – xã hội xã Hồng Kim cho biết, để kịp đón khách trong mùa du lịch hè 2021, tháng 3/2021, địa phương đã hoàn thành làm mới 13 chòi tại thác A Nôr để phục vụ khách, thay thế chòi bị hư hỏng. Các căn chòi được người dân của làng du lịch sinh thái cộng đồng A Nôr góp kinh phí và ngày công, dựng bằng tre kết hợp lá rừng là chủ yếu, cùng các biện pháp gia cố đảm bảo an toàn. “Từ cuối tháng 3/2020, đã bắt đầu đón khách trở lại. Không chỉ có dịch vụ lưu trú và vui chơi tại thác, tổ du lịch cộng đồng còn có dịch vụ nấu ăn ẩm thực vùng cao với nhiều món: gà rừng, cá suối, rau rừng và những món ăn truyền thống của bà con đồng bào. Khách bắt đầu lên nhiều hơn, đặc biệt là dịp cuối tuần, có ngày lên đến 300 – 400 khách”, bà Loan thông tin.

Cùng với làng du lịch sinh thái cộng đồng A Nôr, các điểm du lịch khác trên địa bàn huyện A Lưới cũng được đầu tư, sửa sang để đón khách du lịch hè. Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện cho biết, huyện A Lưới hiện còn có nhiều điểm du lịch sinh thái như suối Pâr Lê (xã Hồng Hạ), suối A Lin (xã Trung Sơn), điểm du lịch sinh thái dọc suối Cân Te (xã Hương Phong)… Ở các khu vực suối, thác hầu hết chòi, trại đều bị lũ cuốn trôi cuối năm 2020 đã được người dân làm lại và bắt đầu đón khách. “Chính quyền và người dân địa phương đã dựng lại 8 lán, trại, làm lại đường cấp phối để ô tô và xe máy có thể vào tận suối. Ngày 9/4 vừa qua, điểm du lịch sinh thái suối Pâr Le cũng đã đón khách trở lại”, anh Hồ Văn Lộc, công chức văn hóa – xã hội xã Hồng Hạ nói.

Tiếp tục đầu tư & kích cầu

Hiện, tại các điểm du lịch sinh thái huyện A Lưới vẫn đang áp dụng chính sách giữ giá, không tăng giá chòi, dịch vụ để thu hút khách. Theo bà Thêm, giá lưu trú trung bình tại các điểm vẫn giữ mức 100 nghìn đồng/người (ở qua đêm). Các dịch vụ ẩm thực trải nghiệm cũng có mức giá như các năm. Để kích cầu du lịch, tại các điểm còn áp dụng chính sách tặng món ăn, tặng thêm dịch vụ cho các tour có đông khách. Ngoài ra, xã Hồng Kim cũng đang xây dựng phương án để sắp tới có thể cho khách mượn trang phục truyền thống chụp ảnh miễn phí với các đoàn khách đông.

Để thu hút khách nhiều hơn, ngành du lịch huyện A Lưới phối hợp với các địa phương, người dân làm du lịch các làng du lịch cộng đồng tiếp tục đầu tư, làm đẹp hơn các điểm du lịch. Điển hình như tại làng du lịch sinh thái cộng đồng A Nôr, sẽ tiếp tục trồng hoa, cây xanh, hàng rào dọc tuyến đường vào làng và lên chân thác, tạo cảnh quan không gian xanh, sạch, đẹp và thân thiện môi trường. Đồng thời, huyện đang nghiên cứu, khảo sát và có phương án cụ thể về việc xây dựng, bố trí mặt bằng tiến hành dựng các nhà sàn nhỏ, chòi sạp ngồi, điểm check-in và địa điểm để phục vụ ẩm thực... tạo không gian đảm bảo tính truyền thống và phù hợp với điều kiện của địa phương.

Theo đại diện Phòng Văn hóa – Thông tin huyện A Lưới, kế hoạch phát triển các điểm du lịch trên địa bàn huyện A Lưới năm 2021 chú trọng các điểm du lịch sinh thái, trong đó có xây dựng điểm sinh thái suối Pâr Le gồm đường vào khu nhà sim, cải tạo chặn dòng tạo vịnh nước sâu, xây dựng bếp ăn, nhà vệ sinh, điện sáng và điểm check-in cho khách. Huyện A Lưới cũng sẽ xây dựng pa-nô giới thiệu về điểm du lịch sinh thái A Lin bằng hình ảnh cụ thể sinh động, mang tính thẫm mỹ (vị trí lắp đặt ngay tại bảng chỉ dẫn du lịch điểm du lịch sinh thái suối A Lin trên đường Hồ Chí Minh), đồng thời xây dựng bảng niêm yết giá các dịch vụ tại điểm, nội quy hoạt động, các loại giấy phép để đảm bảo cho hoạt động điểm du lịch sinh thái; bảng chỉ dẫn, cảnh báo, các yêu cầu cần nhằm đảm bảo an toàn cho du khách.

Ông Hồ Thanh Dũng, Chủ tịch UBND xã Hồng Kim cho biết, địa phương đang gấp rút hoàn thành đề án du lịch và tiến tới sẽ thành lập hợp tác xã dịch vụ du lịch tại địa phương, qua đó vừa đầu tư, phát triển điểm du lịch vừa bày bán nông sản địa phương phong phú, kết hợp với những trải nghiệm truyền thống để đón khách trong mùa du lịch hè.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương
Xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục

Ngày 18/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện Thông tư số 26/2017/TT-BGDĐT và Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT về quy định quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục
Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống

Chiều 18/12, tại Khách sạn Saigon Morin diễn ra Hội thảo khoa học Quốc gia “Phát huy giá trị âm nhạc truyền thống Huế trong phát triển văn hóa, du lịch” do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức.

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top