Đưa du khách đến cơ sở lưu trú bằng phương tiện chuyên dụng
Phục vụ tại chỗ
Sở Du lịch cho biết, qua thống kê, ngày 15/10, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 900 khách du lịch. Trong 900 khách, hơn một nửa là khách quốc tế. Khách chủ yếu lưu trú tại các khách sạn ở trung tâm TP. Huế và một số khách sạn nghỉ dưỡng ở huyện Phú Lộc, Phong Điền. Hiện tất cả du khách được đảm bảo an toàn và được ngành du lịch chăm sóc một cách tốt nhất.
Ghi nhận tình hình hoạt động du lịch trong ngày 15/10, hầu hết các hoạt động đều tạm dừng để đảm bảo an toàn cho khách. Một số khách sạn trên các tuyến đường trung tâm như Võ Thị Sáu, Nguyễn Công Trứ nước lũ vào khách sạn, tuy nhiên mức độ ngập không quá lớn. Một số homestay, nhà nghỉ du lịch ở khu vực phường Xuân Phú, An Đông, TP. Huế bị ngập. Còn lại cơ bản các khách sạn ở trung tâm thành phố còn lại nước lũ chưa vào.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, trước các dự báo diễn biến của đợt mưa lũ này, từ 3 ngày trước đó, ngành đã có văn bản và yêu cầu các khách sạn, công ty lữ hành thông báo cho khách biết về đợt mưa lớn có thể gây ra lũ lụt. Các khách sạn chủ động các giải pháp phục vụ khách tại chỗ trong khoảng thời gian nước lên; tuyệt đối không để du khách tự đi tham quan ở những khu vực được cảnh báo ngập lũ, hay ra khỏi khách sạn mà không có sự kiểm soát.
Đến Huế du lịch và lựa chọn lưu trú tại một homestay tại đường Triệu Quang Phục, TP. Huế, chị Hồ Ngọc Hương (du khách Hà Nội) cho biết, trước khi đến Huế xem dự báo thời tiết, gia đình biết là sẽ có mưa lớn nhưng không nghỉ là lũ lớn như thế. Từ khuya 14/10, tại homestay đã bị cấp điện. Sau đó, chủ homestay đã chạy máy nổ, phục vụ ăn uống ngay tại homestay. Trong tối 14/10, chủ homestay đã hỗ trợ đưa xe ô tô lên chỗ cao. Cảm giác khá là bất tiện, nhưng như thế cũng đã tạm ổn vì thấy xung quanh nơi lưu trú toàn nước và đều mất điện.
“Chúng tôi được chủ homestay yêu cầu không ra ngoài khi nước chưa rút. Trong hoàn cảnh đi du lịch mà gặp thiên tai như thế này không ai mong muốn, nhưng đổi lại được là chủ homestay phục vụ nhiệt tình, chu đáo. Hy vọng nước nhanh rút để gia đình có thể đi tham quan, vì còn rất nhiều điểm chưa kịp đi”, chị Hồ Ngọc Hương chia sẻ.
Trong ngày 15/10, ghi nhận, nhiều du khách đến Huế được tập kết tại khu vực ngã 6 Hùng Vương, Hà Nội, Đống Đa, Lê Qúy Đôn, Bến Nghé, sau đó du khách được các cơ quan chức năng và các khách sạn đón vào các khách sạn bằng các phương tiện chuyên dụng, đảm bảo an toàn.
Du khách Anh tham quan Đại Nội Huế
Xây dựng kế hoạch phục vụ khách trong mùa mưa bão
Ông Nguyễn Văn Phúc cho biết, trong ngày 15/10, có một đoàn khách quốc tịch Anh đến Huế và mong muốn tham quan Đại Nội trước khi rời đi. Sau khi nhận được thông tin, dựa vào trao đổi thông tin với lực lượng công an, Trung tâm Bảo tồn Du tích Cố đô Huế, ngành du lịch đã hướng dẫn và cử cán bộ trực tiếp đưa đoàn khách vào tham quan Đại Nội. Thời điểm khách vào tham quan, trong Đại Nội một số điểm còn bị ngập, nên du khách chỉ tham quan những khu vực an toàn.
Ông Nguyễn Hữu Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Du lịch Huế (quản lý Khách sạn Century và Mondial) cho biết, không phải trong đợt mưa lũ này, mà từ trước đó, khi Huế bước vào mùa mưa lũ 2022, hai khách sạn đã xây dựng kế hoạch phục vụ khách trong mùa mưa bão. Trước hết là thông báo đến khách hàng tình hình mưa lũ, khuyến cáo tuân thủ các yêu cầu của nhân viên trực tại các khách sạn trong thời điểm lũ xảy ra. Sắp xếp các phòng khách lưu trú ở các tầng cao, đảm bảo khi nước lũ lên không di chuyển khách. Dự trữ thực phẩm, năng lượng và có phương án phục vụ khách tại chỗ khép kín trong thời gian du khách ở trong khách sạn khi lũ xảy ra. Có phương án phân ca trực của nhân viên, với các nhân viên ở khu vực thấp được nghỉ, còn những nhân viên khu vực cao sẽ tham gia trực thay trong thời gian mưa lũ.
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, phải khẳng định là các doanh nghiệp du lịch ở Huế đã có kinh nghiệm trong việc phục vụ khách, đảm bảo an toàn của khách khi có mưa bão. Một công việc được ngành triển khai rất tốt thời gian qua là tính liên thông tin giữa cơ quan quản lý và từng doanh nghiệp du lịch. Điều này giúp thông tin mưa lũ đến doanh nghiệp kịp thời; những điều hành, điều chỉnh mới được doanh nghiệp triển khai nhanh hơn. Ngoài ra, hướng dẫn các doanh nghiệp du lịch thường xuyên vào phần mềm Hue-S và một số kênh thông tin (fanpgage của UBND tỉnh, IOC, Sở Du lịch,..) nắm thông tin tình hình mưa lũ.
“Sở Du lịch bố trí lịch trực theo dõi tình hình, trực đường dây nóng hỗ trợ doanh nghiệp và du khách 24/24 trong quá trình mưa lũ xảy ra. Đến cuối ngày 15/10, quản lý ngành chưa nhận những thông tin cần hỗ trợ khẩn cấp nào từ các doanh nghiệp và du khách”, ông Nguyễn Văn Phúc khẳng định.
Bài, ảnh: Đức Quang