Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch
Tuy nhiên, quá trình triển khai được nhận định là không dễ dàng, khi an toàn luôn là yếu tố tiên quyết. Để có cái nhìn tổng thể về sự sẵn sàng của du lịch Huế, Thừa Thiên Huế Cuối tuần có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch.
“Thích ứng” là cụm từ được nhấn mạnh thời gian qua. Ngành du lịch đã có những giải pháp gì để thích ứng trong trạng thái bình thường mới?
Trước hết, phải nhấn mạnh rằng, từ đầu mùa dịch đến nay, các hoạt động của du lịch tại Thừa Thiên Huế vẫn diễn ra bình thường, chỉ hạn chế công suất vào một số đợt cao điểm.
Thích ứng thể hiện rõ ở quan điểm, cách thức phòng, chống dịch bệnh. Trước đây, an toàn mới hoạt động, giờ hoạt động trong an toàn. Có sự kết hợp hài hòa giữa an toàn phòng, chống dịch bệnh và hoạt động du lịch. Du lịch Huế vì thế không thể duy trì các giải pháp như thời gian trước mà đòi hỏi có các quy trình, thay đổi linh hoạt hơn.
Thích ứng còn là để thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Bắt kịp với “nhịp độ” phục hồi, phát triển cùng với các địa phương và các nước trên thế giới.
Diễn biến của dịch COVID-19 vẫn khá phức tạp. Theo ông, đâu là mô hình thích ứng phù hợp để triển khai trong thời gian tới?
Để hoạt động trong trạng thái thích ứng đòi hỏi phải có những giải pháp mới, dựa trên nền tảng những gì Huế đang có, những giải pháp được thực hiện hiệu quả thời gian qua. Đồng thời, bổ sung thêm những giải pháp mới có tính thích ứng. Hiện, ngành đã xây dựng kế hoạch phục hồi cho giai đoạn cuối năm 2021 và năm 2022 với nhóm 8 giải pháp. Cụ thể sẽ đẩy mạnh các giải pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong hoạt động du lịch; có cơ chế, chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp; phát triển đa dạng sản phẩm đáp ứng xu hướng mới của thị trường; tăng cường truyền thông, quảng bá du lịch, tiếp tục chiến lược truyền thông “Huế - điểm đến an toàn”; kích cầu du lịch bằng các gói kích cầu do doanh nghiệp triển khai cùng các chính sách, chương trình hỗ trợ của Nhà nước; kết nối, hỗ trợ triển khai đẩy mạnh phát triển du lịch và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để vừa hỗ trợ chống dịch, vừa hình thành những sản phẩm, dịch vụ mới.
Các chuyến bay đã khai thác trở lại. Ảnh: ĐỨC QUANG
Một điều được nhận thấy là chúng ta thiếu kinh nghiệm thích ứng. Ở các địa phương cũng đang trong quá trình thích ứng nên Huế chưa thể học hỏi, đúc rút kinh nghiệm. Do đó, quá trình thích ứng sẽ vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Đặc biệt, trước diễn biến dịch bệnh tại Thừa Thiên Huế thời gian qua, đòi hỏi các giải pháp thích ứng phải có những thay đổi, biến động liên tục phù hợp với từng thời điểm cụ thể.
Nhiều giải pháp đặt ra, song ngành xác định đòi hỏi phải có mô hình thích ứng mới, phù hợp nhất. Sau đó nhân rộng đại trà. Vừa qua, Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức khảo sát tour du lịch thích ứng mới. Tại liên hoan phim được tổ chức tại Huế giữa tháng 11 sắp đến, sở sẽ chủ trì triển khai 2 tour theo xu hướng du lịch “xanh”. Đây là bước “chạy đà” để tìm được các mô hình phù hợp nhất.
Trong kế hoạch phục hồi, ngành du lịch Huế đã có những dự báo về các thị trường khách trong thời gian đến, thưa ông?
Trong nguyên lý cũng như thực tiễn, tính dự báo là một trong những giải pháp quan trọng để chủ động có các giải pháp phù hợp để thu hút khách. Có tính dự báo tốt cũng góp phần giúp doanh nghiệp chủ động giải pháp trong liên kết, phục hồi trở lại.
Du lịch Huế đưa ra lộ trình rất cụ thể, trước mắt vẫn tập trung khai thác dòng khách nội tỉnh, sau đó, mở rộng ra khách nội địa và tiến đến đón khách quốc tế.
An toàn luôn là yêu cầu cao nhất khi khai thác du lịch
Đối với khách nội địa, thời gian qua bàn khá nhiều về nguồn khách ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Nhưng qua đánh giá, nguồn khách nội địa phục hồi sớm, dự kiến sẽ là khách trong vùng liên kết 5 địa phương: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam. Hình thức di chuyển bằng đường bộ và nắm bắt thông tin nhanh; các địa phương có khách ở các vùng an toàn có thể chia sẻ cho nhau là khả thi nhất.
Nghĩa là du lịch Huế đã sẵn sàng đón khách?
Hiện, 100% lao động trong ngành du lịch đã được tiêm vaccine. Đây là yếu tố quan trọng để hoạt động trong tâm thế an toàn. Một yếu tố khác là tỉnh đang tăng tốc bao phủ vaccine trong dân. Số liệu cập nhật mới nhất, vaccine đã bao phủ được khoảng 65% dân số toàn tỉnh (số liệu đầu tháng 11/2021).
Một yếu tố nữa là sự sẵn sàng của các doanh nghiệp. Quản lý ngành đánh giá rất cao Hiệp hội Du lịch tỉnh và doanh nghiệp đã có những giải pháp tiên phong trong thời gian qua. Hiện 14 cơ sở lưu trú đăng ký làm nơi cách ly và giám sát y tế. Trong các tình huống phát sinh, Huế sẽ có đầy đủ các cơ sở để phục vụ khách cách ly, giám sát y tế và khách bình thường.
Song song với thu hút khách, rủi ro là điều dù không mong muốn nhưng vẫn phải được tính đến. Ngành có phương án nào để hạn chế rủi ro?
Đây là vấn đề được bàn rất nhiều thời gian qua. Quá trình hoạt động du lịch sẽ khó tránh khỏi phát hiện du khách nhiễm bệnh và nguy cơ lây lan. Các doanh nghiệp cũng đề xuất phương án bảo hiểm rủi ro, nhưng đây là lĩnh vực vượt tầm, hiện chưa có đơn vị bảo hiểm nào triển khai. Dù thế, những đề xuất, kiến nghị quản lý rủi ro sẽ được đề xuất đến các cấp cao hơn.
Chúng tôi cũng tính đến phương án xử lý khẩn cấp nếu phát sinh. Trong trường hợp phát sinh dịch bệnh, phải điều trị, cách ly sẽ có phương án phù hợp. Nếu du khách bị bệnh và điều trị ở Huế sẽ có những mức phí phù hợp, vừa hỗ trợ du khách, vừa tránh áp lực cho điểm đến.
Một số địa phương khác đã bắt đầu có kế hoạch đón khách quốc tế. Du lịch Huế như thế nào, thưa ông?
Dù phía trước còn nhiều thách thức, nhưng với sự quyết tâm, đồng lòng của các cấp, doanh nghiệp, du lịch Huế phấn đấu trong tháng 11/2021 sẽ hình thành được những mô hình chuẩn, tour tuyến đảm bảo các tiêu chí về an toàn, phục vụ khách tốt nhất.
Sau đó đến tháng 12 sẽ đón khách nội địa bằng những tour tuyến riêng biệt từ những tour đã được triển khai. Riêng với khách quốc tế, phấn đấu trong tháng 12 sẽ tổ chức tour charter từ Hàn Quốc và sang năm 2022 sẽ đón khách quốc tế trở lại.
Xin cảm ơn ông!
ĐỨC QUANG (Thực hiện)