“Cung đàn” Lăng Cô. Ảnh: THANH TOÀN
Cách đây khoảng 20 năm, khi du lịch vẫn cho là điều xa xỉ thì đã có những nhà đầu tư mong muốn “đổ” vốn vào Huế. Khi đó, Huế là điểm được lựa chọn nhất, nhì của du khách quốc tế khi đến Việt Nam và cả khách nội địa. Nhưng rồi, lần lượt các nhà đầu tư ra đi vì chưa tìm được cơ hội sinh lợi như mong muốn.
Cơ hội đầu tiên, cũng được xem là lớn nhất đã tuột khỏi tay của Huế.
Cơ hội lại đến khi Huế tiếp tục đón nhận hàng chục nhà đầu tư rót vốn, nhất là tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, khi khu kinh tế này được hình thành và những tiềm năng, lợi thế về du lịch biển nơi đây. Nhưng với “làn sóng” này, nhiều nhà đầu tư muốn xí phần, giành đất hơn là xây dựng resort, khu vui chơi giải trí phục vụ du khách.
Cũng cần nhìn nhận rằng, không hẳn tất cả các nhà đầu tư đến chỉ để “xí phần” mà trong quy luật của kinh doanh, điểm đến nào có cơ hội thu hồi vốn tốt, sinh lời nhanh thì các nhà đầu tư sẽ ưu tiên trước. Thời điểm này, du lịch Huế đang chuyển sang một giai đoạn khác, thiếu năng động nên khó cạnh tranh trong thu hút đầu tư.
Với mỗi điểm đến, dù có hấp dẫn đến đâu cũng phải thường xuyên đổi mới, bởi chu kỳ thành công của mỗi sản phẩm vào khoảng 7 - 10 năm tùy vào quy mô. Đổi mới bằng những sản phẩm mới, có quy mô; hoặc đổi mới bằng cách khoác áo mới sặc sỡ hơn. Đối với đổi mới, dù nguồn lực của địa phương có mạnh đến đâu cũng không thể làm được nếu doanh nghiệp đứng bên lề. Du lịch là ngành dịch vụ, khi dịch vụ tốt, chuyên nghiệp, quảng bá hay thì khách mới đến… điều này doanh nghiệp sẽ làm tốt hơn.
Với Huế, nhiều năm qua, bài toán đổi mới được bàn luận nhiều lần và phần nào đó được giải bằng những sản phẩm cụ thể, nhưng chủ yếu là đổi mới ở mức nhỏ, chưa có tính đột phá.
Nói như thế để thêm một lần khẳng định, một điểm đến hấp dẫn luôn luôn có những nhà đầu tư lớn và chính các nhà đầu tư này sẽ giải quyết những khó khăn cho các điểm đến. Chẳng hạn như công tác quảng bá du lịch, chỉ cần khoản kinh phí 1% lợi nhuận để quảng bá của doanh nghiệp là đã gấp nhiều lần kinh phí của Nhà nước.
Ở một khía cạnh khác, khi có những nhà đầu tư lớn với những sản phẩm tạo đột phá cho điểm đến sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư tiềm năng khác đến với Huế. Lúc này, môi trường đầu tư sẽ sôi động hơn và quan trọng là tạo cho Huế một chuỗi dịch vụ du lịch có tính hoàn thiện.
Dự án khu Du lịch nghỉ dưỡng Laguna Lăng Cô vừa nâng vốn đầu tư lên 2 tỷ USD
Cuối năm 2018 và đầu năm 2019 cho thấy, cơ hội thu hút đầu tư lại tiếp tục đến với Huế. Nói như thế là bởi theo các chuyên gia, chu kỳ của “làn sóng” đầu tư mới lại bắt đầu. Điều này càng được minh chứng khi hàng loạt nhà đầu tư lớn quyết định đầu tư vào Huế, với số vốn lên đến hàng ngàn tỷ đồng cho mỗi dự án. Huế cũng đã ký kết đối tác chiến lược với 4 nhà đầu tư lớn: Công ty CP Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam - Vietravel; Công ty CP Tập đoàn FLC và Công ty CP Đầu tư Văn Phú – Invest và Công ty CP Sovico (Sovico Holdings).
Điều thuận lợi nữa là “sức nóng” của lãnh đạo tỉnh đang tạo ra rất lớn, phần nào được thể hiện trong chỉ số cạnh tranh của Huế và sự quyết tâm tạo mọi điều kiện trong những lần làm việc với nhà đầu tư.
Cơ hội không phải đến dễ dàng, Huế phải chủ động chớp lấy thời cơ này. Bởi có khá nhiều địa phương trong cả nước luôn sẵn sàng trải thảm đỏ để thu hút nhà đầu tư.
Bài: QUANG SANG - Ảnh: NGUYỄN HƯNG