|
|
Huế có nhiều lễ hội để thu hút du khách |
Mỗi doanh nghiệp là một mắt xích
Ngồi nói chuyện với một số người bạn hay đi du lịch, có người đem giá dịch vụ lưu trú của Huế và Đà Nẵng ra so sánh. Nguyễn Thành Nhân, ở TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Cứ ngỡ mức sống Đà Nẵng cao hơn nhưng kỳ thực, giá dịch vụ lưu trú của Đà Nẵng hiện lại đang “mềm” hơn Huế. Chẳng hạn, khách sạn 4 sao của Huế giá phải từ 850.000 đồng trở lên, Đà Nẵng nhiều khách sạn cùng sao chỉ từ 650.000 đồng”.
Đem câu chuyện trên chia sẻ với một cán bộ trong ngành du lịch, khá bất ngờ khi mức giá hiện tại dịch vụ lưu trú của Huế có phần đắt hơn. Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch cũng trăn trở: “Không phải giá dịch vụ lưu trú của Huế đắt. Nhưng tính linh hoạt theo thị trường về du lịch ở Đà Nẵng đang tốt hơn”.
Du lịch Huế dù đang trên đà phát triển nhưng thực tế vẫn còn nhiều rào cản. Chỉ nói riêng về các cơ sở lưu trú, hiện lượng buồng phòng tại Đà Nẵng đã cao hơn nhiều ở Huế. Tính đến cuối tháng 12/2022, trên địa bàn tỉnh có 853 cơ sở lưu trú, với 13.176 phòng và 21.240 giường; trong đó, có 205 khách sạn với 8.259 phòng và 13.819 giường. Đáng chú ý, số khách sạn từ 3 - 5 sao chỉ có 27 cơ sở với 3.404 phòng, 5.618 giường trên tổng số 46 khách sạn có sao với 3.963 phòng và 6.580 giường. Xu hướng hiện nay khách thích ở các khách sạn nhiều sao. Du khách đặt qua các đơn vị lữ hành thường yêu cầu từ 3 sao trở lên nhưng quỹ phòng các khách sạn ở Huế chưa cao, trong những dịp lễ, cao điểm, tình trạng thiếu phòng khiến giá dịch vụ lưu trú cao. Câu chuyện về giá, thiếu chỗ lưu trú đôi lúc khiến khách phải than ngắn, thở dài, tính bền vững trong phát triển du lịch ít nhiều bị ảnh hưởng.
|
|
Khách quốc tế đến tham quan các di tích Huế |
Một vấn đề lớn hơn là mối liên kết giữa cộng đồng kinh doanh dịch vụ chưa tốt, dẫn đến tính linh hoạt thị trường chưa cao. Điển hình, có thời điểm một số khách sạn thà để phòng trống chứ chưa chấp nhận cùng lữ hành giảm giá kích cầu; cơ sở mua sắm còn mang tính chụp giật; vấn đề kết nối giữa ngành giao thông, các đơn vị kinh doanh vận tải và dịch vụ du lịch chưa chặt chẽ… “Một chuyện rất nhỏ là nhà vệ sinh ở nhà ga, bến xe nếu chưa được sạch sẽ cũng tác động tới đánh giá của khách về điểm đến. Bởi vậy, muốn phát triển du lịch, ngoài nỗ lực của ngành du lịch còn đòi hỏi sự chung tay của tất cả các ngành, sự đồng bộ của cả hệ thống”, một cán bộ ngành du lịch nhấn mạnh.
Thực ra, tính liên kết giữa các đơn vị làm du lịch tốt sẽ tác động đến tâm lý, cảm xúc của khách. Đơn cử như nếu các đơn vị, doanh nghiệp liên kết tốt, có thể giữ mức giá lưu trú nhưng tăng dịch vụ như hỗ trợ vé xem ca Huế hoặc ăn trưa… sẽ “lấy lòng” được khách. Mặc dù ngành du lịch đã có những chuyển biến tích cực trong liên kết du lịch, nhưng thực tế mối quan hệ này đa phần do các doanh nghiệp, đơn vị tự tìm đến nhau.
Bà Châu Thị Hoàng Mai, Giám đốc điều hành khách sạn Alba Spa Hotel cho rằng, ngoài yếu tố quỹ phòng lưu trú, các vấn đề liên quan đến sức hấp dẫn của điểm đến, mức độ nổi tiếng của điểm đến thông qua quảng bá, giới thiệu sản phẩm cũng là vấn đề đáng quan tâm.
Cùng nhìn về một hướng
Để tạo ra những nguồn lực mới cho ngành du lịch Việt Nam, việc huy động sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp vào hoạt động du lịch là vô cùng quan trọng. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để thu hút, tạo sự kết nối, chia sẻ hiệu quả giữa các bên liên quan nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của du lịch.
Trên thực tế, sản phẩm du lịch là yếu tố quan trọng để thu hút du khách. Thời gian qua, các doanh nghiệp lữ hành đã chủ động xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, mang tính đặc trưng nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách. Nhưng muốn có những sản phẩm du lịch tốt, sự liên kết của các doanh nghiệp với các đơn vị kinh doanh du lịch tại điểm đến là không thể thiếu. Hoặc để kích cầu du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cũng phối hợp chặt chẽ với các hãng hàng không, cơ sở lưu trú, đơn vị vận chuyển, điểm ẩm thực, thực hiện giảm giá sâu ở nhiều tour, tuyến. Sau mỗi chiến dịch kích cầu, lượng khách có sự tăng trưởng đột biến, vị trí của ngành du lịch được nâng lên.
Mới đây, Sở Du lịch vừa có công văn gửi Hiệp hội Du lịch tỉnh, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh về xây dựng các gói kích cầu và kết nối phát triển các tour, tuyến du lịch mới. Theo đại diện lãnh đạo Sở Du lịch, hiện nay UBND tỉnh đã triển khai chương trình liên kết hợp tác với Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet nhằm mở mới các đường bay quốc tế đến Huế. Đây là cơ hội tốt để ngành du lịch tỉnh đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch nhằm thúc đẩy phát triển thị trường khách du lịch quốc tế đến Huế. Tuy nhiên, cũng rất cần Hiệp hội Du lịch tỉnh cùng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh cùng nghiên cứu, xây dựng các chính sách ưu đãi về giá, dịch vụ gia tăng, các sản phẩm mới, độc đáo, hình thành chuỗi dịch vụ liên kết các sản phẩm của nhiều doanh nghiệp có tính kích cầu để lồng ghép kết nối, hỗ trợ các hãng hàng không và doanh nghiệp thực hiện mở đường bay đưa khách đến Huế trong thời gian tới.