Sinh viên Trường cao đẳng nghề du lịch Huế đi thực tế
Du lịch thời 4.0
Cả thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mà thời gian qua vẫn được biết đến với tên gọi “thời 4.0”. Cuộc cách mạng ở mảng công nghệ đang chi phối tất cả các lĩnh vực của cuộc sống, và du lịch không nằm ngoài phạm vi. Hầu hết du khách đi du lịch sẽ có những thuật ngữ selfie, livestream… nhất là đối với giới trẻ khi hầu như ai cũng có một điện thoại thông minh, sản phẩm công nghệ không thể tách khỏi những con người thế hệ 4.0. Cũng chính nhờ cuộc cách mạng 4.0 mà các điểm du lịch đến với du khách một cách dễ dàng và có sức lan tỏa sâu rộng hơn.
Đặt phòng trực tuyến qua website là xu hướng mới, dần thay thế cho điện thoại hay đặt tại các đại lý. Ông Nguyễn Hữu Bình, Chủ tịch Hội Lưu trú Huế chia sẻ, số lượng đặt phòng trực tuyến chưa thể soán ngôi của khách đặt sêri, nhưng đây được xem là dòng khách đi du lịch đúng nghĩa. Đánh giá của những vị khách này có sức ảnh hưởng rất lớn. Du khách sẽ dựa trên những đánh giá đó để lựa chọn điểm đến và cơ sở lưu trú. Với xu hướng này, nếu doanh nghiệp nào đó làm không tốt tự khắc sẽ loại khỏi cuộc chơi ở thời kỳ công nghệ phát triển.
Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm xúc tiến Du lịch Huế cho biết, xu hướng đặt phòng qua mạng đang ngày càng phổ biến. Ngành du lịch nhận thấy quảng bá trên các trang du lịch trực tuyến sẽ hiệu quả nên đã liên hệ với các trang đặt phòng trực tuyến hàng đầu hiện nay như tripadvisor, agoda, traveloka, trivago… để có sự phối hợp quảng bá điểm đến, nhất là dịch vụ lưu trú. Ngay trong tháng 9 này, đã thống nhất lịch hẹn, ngành du lịch sẽ làm việc với tripadvisor.
Hình thức quảng bá du lịch cũng có sự thay đổi. Thay vì phải sử dụng nhiều ấn phẩm bằng giấy, hiện nay quảng bá qua các trang thông tin điện tử, mạng xã hội được đẩy mạnh nhiều hơn. Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch nhìn nhận, thời kỳ bùng nổ công nghệ là điều kiện thuận lợi để quảng bá. Đó là lý do mà trang facebook của ngành được thành lập. Để thu hút và tăng tính tương tác, sở tổ chức các cuộc thi để cộng đồng mạng tham gia và chia sẻ. Ngoài ra, sở liên kết với với blogger Thái Lan sang quay phim Huế và quảng bá tại thị trường khách Thái. Gần đây hơn, đoàn diễn viên, ca sĩ Hàn Quốc sang quay phim quảng bá về Hàn Quốc.
Áp dụng các công nghệ mới vào lĩnh vực du lịch được đẩy mạnh và đang cho thấy nhiều hiệu quả tích cực. Ông Trương Thành Minh, cho hay, phải kể đến sự tiện lợi của visa điện tử. Ở lĩnh vực khác, Tổng cục Du lịch đang xây dựng một phần mềm kê khai lượng khách chung cho tất cả các địa phương và doanh nghiệp. Đây là bước đi nhằm kiểm soát tình hình khách đến một cách chính xác; qua đó, có những định hướng phát triển phù hợp.
Cách đây không lâu, một hướng dẫn viên tiếng Hàn đang thuyết minh ở Đại Nội thì bị nhầm lẫn thành người Trung Quốc đang hành nghề hướng dẫn trái phép. Thông tin này nhanh chóng được đưa lên mạng xã hội và lan truyền, tạo ra nhiều ý kiến không tốt. Thông tin này kịp thời được đính chính. Qua sự việc đó, phần nào thấy được sự bùng nổ thông tin luôn có hai mặt. Điều quan trọng là phải quản lý thông tin tốt và chế tài xử phạt.
Cơ hội và thách thức
Hội nhập là tất yếu, cơ hội từ hội nhập là cực kỳ lớn nếu Huế chuẩn bị tốt cho sự hội nhập đó. Cộng đồng kinh tế chung ASEAN đã được thành lập. Hiện nay, du lịch ASEAN đã xây dựng tiêu chuẩn chung cho 6 nghề: lễ tân, buồng, bếp, dịch vụ ăn uống, đại lý du lịch và điều hành tour, với tổng số 32 chức danh nghề. Giáo trình đào tạo nghề chung cũng đã được hình thành. Sự hội nhập này sẽ tạo điều kiện cho lao động các nước có thể chuyển dịch và tìm được những môi trường làm việc ưng ý, bỏ qua những trở ngại về địa lý và quốc tịch.
Huế đang có các trường đào tạo nhân lực du lịch có uy tín. Tuy nhiên, vẫn còn những nỗi lo mà ngay những người trong cuộc phải thừa nhận lao động Huế đang còn thiếu và yếu. Ông Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Du lịch Huế đánh giá, kỹ năng nghề đủ sức cạnh tranh, nhưng ngoại ngữ là yếu điểm của lao động ở Huế. Nhà trường đang tận dụng các nguồn, nhất là các tình nguyện viên nước ngoài để tham gia đào tạo tiếng Anh, thành lập các câu lạc bộ ngoại ngữ. “Bên cạnh đổi mới, phương thức giảng dạy trở thành sống còn với các cơ sở đào tạo. Riêng với chúng tôi, đang thí điểm chương trình đào tạo chuẩn từ Úc, vài năm tới khi mô hình này vận hành trơn tru, sẽ áp dụng cho toàn trường”, ông Phương cho biết.
Huế nằm trên hành lang kinh tế Đông - Tây. Việc xây dựng các tour, tuyến có tính liên vùng, liên quốc gia cần được đẩy mạnh hơn. Lãnh đạo ngành du lịch cho biết, ngoài đường hàng không, thời gian đến sẽ chủ động kêu gọi doanh nghiệp thiết kế các tour phù hợp với giao thông đường bộ qua các nước Lào, Thái Lan và ngược lại, như tour xe máy, tour xe đạp kết hợp với thưởng ngoạn phong cảnh.
Chất lượng dịch vụ trong thời kỳ hội nhập là yêu cầu bắt buộc. Ông Lê Hữu Minh cho biết, thời gian qua với sự nỗ lực chung của cả tỉnh, công tác nâng cao chất lượng, “làm mới” các sản phẩm du lịch văn hóa di sản được tập trung. Song song với đó, ngành du lịch Huế đã và đang mở rộng phát triển các sản phẩm du lịch gắn với đầm phá, du lịch sinh thái với suối thác, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng trên cơ sở phát triển du lịch xanh, bền vững với môi trường. Bên cạnh, nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực và thương hiệu như Banyantree (Laguna), Vingroup, Bitexco, BRG, Kim Long Nam… đầu tư xây dựng các dự án mang tính chiến lược, tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn độc đáo như các sân golf, các dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp để thu hút và đa dạng sản phẩm du lịch Huế.
Hội nhập là phát triển, Huế đang có nhiều lợi thế cho thời kỳ hội nhập. Hy vọng, Huế tận dụng các cơ hội này và sẽ chuyển mình nhanh hơn.
Bài, ảnh: Đức Quang