Thưởng thức ổi sạch ngay tại vườn
Đủ điều kiện xây dựng tour
Điều kiện được đánh giá cao nhất là hạ tầng giao thông. Đường cao tốc La Sơn – Túy Loan sắp đưa vào khai thác và có đường ngang để xuống với Nam Đông là lợi thế để đưa khách đến với huyện. Về lưu trú, ở Nam Đông có điểm nghỉ dưỡng thác Mơ (Hương Phú), với hàng chục căn phòng được thiết kế độc đáo, đạt tiêu chuẩn 3 sao, là điều kiện thứ hai để phục vụ khách lưu trú qua đêm. Khung cảnh ở Nam Đông được đánh giá như ở núi rừng Tây Bắc, càng giúp nơi đây tăng khả năng thu hút du khách đến trải nghiệm những điều khác lạ.
Bà Dương Thị Công Lý, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch, Giám đốc Công ty CP Du lịch Hà Nội - Chi nhánh Huế nhận định, các điểm du lịch ở Nam Đông rất gần nhau, các con đường vào bản làng sạch sẽ, cây xanh hai bên, tiềm năng để phát triển tour xe đạp. Không chỉ có du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, Nam Đông còn có cả những mô hình sản xuất nông nghiệp có thể kết hợp phát triển du lịch, giúp khách đến trải nghiệm làm nông, câu cá thư giãn và mua các loại nông sản.
Anh Lê Hồng Thủy, Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch Vietnam Locals đánh giá, thôn Dỗi (Thượng Lộ) đã là bản sắc riêng đáp ứng được nhu cầu của khách, nhất là dòng khách quốc tế. Ngay từ khi bước vào, du khách đã được đón tiếp nồng hậu từ những con người địa phương với những bộ trang phục truyền thống. Du khách được thưởng thức, giao lưu, sinh hoạt cùng người dân bản địa và thưởng thức bữa tiệc bằng những món ăn độc đáo của người Cơ Tu, Nam Đông.
Một doanh nghiệp khác đánh giá cao về giao thông kết nối đến Nam Đông. Doanh nghiệp này cho rằng, đường cao tốc nối thẳng Đà Nẵng ra Nam Đông. Nam Đông lại có hệ thống du lịch sinh thái suối thác đa dạng, dòng sản phẩm đang được khách Đà Nẵng yêu chuộng. Do đó, quảng bá được các sản phẩm đến thị trường khách này sẽ giúp Nam Đông có thể thu hút lượng khách lớn.
Điểm du lịch sinh thái thác Mơ (Hương Phú) đang được đầu tư thành điểm du lịch sinh thái cao cấp, có những trò chơi mạo hiểm, có dịch vụ lưu trú, dự kiến trong tháng 9/2019 khai thác thử nghiệm và sang năm 2020 sẽ đưa vào khai thác chính thức. Ngoài ra, sản phẩm du thuyền trên lòng hồ Tả Trạch cũng được đánh giá có tính độc đáo cao, thu hút dòng khách đam mê khám phá.
Cần sự hỗ trợ từ doanh nghiệp
Để du lịch Nam Đông phát triển hơn, thu hút được du khách, còn nhiều việc phải làm. Đại diện Công ty CP Du lịch Hà Nội - Chi nhánh Huế nêu ví dụ, ở thác Kazan (Thượng Lộ) chưa đủ điều kiện khai thác, đường vào suối khó, thiếu các dịch vụ, nhất là khách lớn tuổi hay trẻ em không thể vào tắm ở thác vì không đảm bảo an toàn. Hay tại nông trại được định hướng gắn kết du lịch cần có sự tư vấn để hình thành những câu chuyện, như nỗ lực cố gắng của chủ trang trại như thế nào để xây dựng lên cơ ngơi như thế; phương thức canh tác, có quy trình trao đổi với khách để khách yên tâm và có thể mua nông sản.
Ở thôn Dỗi, các doanh nghiệp góp ý cần tăng cường thác vào ban đêm để kết hợp phát triển lưu trú. Tăng cường khai thác các chương trình thể hiện được bản sắc. Thiết kế trang phục truyền thống để du khách cùng mặc khi tham gia giao lưu và mua sản phẩm truyền thống làm quà lưu niệm.
Theo lãnh đạo huyện Nam Đông, huyện mong muốn tập trung phát triển du lịch, tuy nhiên, cái khó của huyện là làm như thế nào, phương pháp ra sao để thu hút khách chưa làm được. Lâu nay vẫn ở dạng tự làm, cho nên lại tự phát, lượng khách không đều. Vì vậy, Nam Đông mong muốn có sự đồng hành hỗ trợ từ doanh nghiệp, Hiệp hội Du lịch tỉnh để doanh nghiệp và người dân cùng hưởng lợi.
Thực tế từ nhiều địa phương khác khi phát triển du lịch cộng đồng cho thấy, nếu không có sự đồng hành của doanh nghiệp, du lịch không có tính lâu dài. Doanh nghiệp sẽ làm nhiệm vụ đưa khách về, quảng bá sản phẩm, còn người dân cung ứng sản phẩm. “Tôi cho rằng, khi doanh nghiệp vào cùng khai thác, chính quyền địa phương chỉ dừng lại ở mức định hướng, hỗ trợ về chủ trương, không can thiệp sâu về kinh doanh của doanh nghiệp và cộng đồng, nếu không sẽ làm mất tính công bằng. Người dân phải là chủ thể và trực tiếp quản lý sản phẩm” bà Dương Thị Công Lý góp ý.
Hội Lữ hành khẳng định, một liên minh mới sẽ được hình thành, ở đó sẽ hội tụ những doanh nghiệp có cùng mong muốn khai thác tour du lịch lên Nam Đông. Càng nhiều doanh nghiệp sẽ có nguồn khách ổn định, như liên minh Đà Lạt đã phát huy hiệu quả lâu nay.
Một dịch vụ khác mà các doanh nghiệp góp ý cần phát triển là dịch vụ homestay, bởi Nam Đông hiện rất thiếu dịch vụ này, trong khi đó, để phát triển du lịch cộng đồng phải có homestay.
Bài, ảnh: Đức Quang