ClockThứ Năm, 11/03/2021 06:15

Du lịch Quảng Điền: Cần sự đầu tư thỏa đáng

TTH - Đầm phá Tam Giang thơ mộng, bãi biển cát trắng mịn màng cùng với những di tích lịch sử, văn hóa có giá trị… là tiềm năng lớn, tạo cơ hội cho Quảng Điền khai thác, phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế - xã hội trong tiến trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, hiện đại.

Quảng Công thúc đẩy du lịch, dịch vụDu lịch Quảng Điền chưa tương xứng tiềm năng

Du khách trải nghiệm du lịch đầm phá

Tiềm năng lớn còn bỏ ngỏ

Mỗi lần đưa gia đình, người thân đến tham quan vùng đầm phá Quảng Điền, anh Nguyễn Rôn ở phường Thủy Xuân (TP. Huế) đều mê mẩn trước nét đẹp đầy quyến rũ của vùng sông nước này. Gia đình anh Rôn cũng như du khách được du thuyền khắp vùng đầm phá, tham quan rừng ngập mặn; trải nghiệm nghề đánh bắt thủy sản truyền thống của ngư dân như đạp trìa, nơm cá, cua… Du khách được ngắm nhìn cảnh ngư dân buông lưới, giăng câu, tụ họp mua bán thủy sản trên đầm phá lúc bình minh, hay hoàng hôn vừa buông xuống.

Anh Rôn cảm nhận, không khí vào buổi sáng sớm trên vùng đầm phá rất trong lành, mát mẻ. Cảnh đẹp nơi đây thật tuyệt vời, quyến rũ. Các món ăn thủy hải sản rất tươi ngon, dân dã… Rất tiếc khi sự đầu tư phát triển các dịch vụ còn thô sơ, chưa chuyên nghiệp. Ngoài vài nhà hàng thưa thớt chuyên phục vụ các món ăn thủy hải sản, vẫn chưa có các dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng. Những sản phẩm đặc trưng của địa phương phục vụ du khách mua sắm tại chỗ để làm quà chưa phong phú, thiếu bài bản.

Từ những lần tham quan vùng ven biển, đầm phá Quảng Điền, anh Rôn thật sự yêu quý nét hoang sơ, mộc mạc nơi đây. Thế nhưng theo anh, như thế chưa đủ tạo sự hấp dẫn, níu chân du khách lưu lại dài ngày.

Du khách Nguyễn Thị Châu đến từ xã Thủy Vân (TX. Hương Thủy) cho rằng, sau khi tham quan vùng đầm phá, ven biển, gia đình chị cũng như nhiều du khách muốn mua một số sản phẩm truyền thống mây tre đan Bao La, Thủy Lập, nước mắm Tân Thành, thủy hải sản tươi… nhưng rất khó. Muốn mua được các sản phẩm này phải mất công đi tìm, thậm chí không có, hoặc phải mất vài km đến cả chục km mới mua được. Sau một buổi, hoặc một ngày tham quan, ngâm mình trên đầm phá, du khách khó khăn trong việc tìm dịch vụ tắm, vệ sinh…

Quảng Điền hiện còn lưu giữ tháp Chăm cổ ở ngọn đồi của làng Cổ Tháp, làng Đức Nhuận, tượng thần Visnu tại làng Thành Trung, bia cánh sen ở làng Phú Lương, xã Quảng Thành, tượng bò Nandin và hàng ngàn hiện vật gốm, đồ trang trí cùng một số phong tục, tập quán, tín ngưỡng. Di tích thành Hoá Châu ở xã Quảng Thành, một thành luỹ quan trọng của vùng biên ải phía Nam nước Đại Việt… Thế nhưng, du khách chưa được giới thiệu, quảng bá, tổ chức tour tham quan, khám phá những di tích sịch sử, văn hóa có giá trị này.

Cần sự đầu tư thỏa đáng

Dạo quanh một vòng trên vùng đầm phá, quanh các khu rừng ngập mặn bằng xuồng, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi, ông Phan Đăng Bảo vừa tự hào trước cảnh đẹp thiên nhiên ban tặng. Thời gian qua, huyện Quảng Điền cũng đã đầu tư xây dựng một số hạng mục kết cấu hạ tầng phục vụ khai thác du lịch đầm phá Tam Giang, như đường ra phá, bến thuyền, thuyền du lịch, điểm mua sắm sản phẩm truyền thống của của địa phương... Ngư dân đầu tư thêm xuồng, một số dịch vụ du lịch, nhà hàng, dịch vụ giải trí như bủa lưới, câu cá, nơm cá, cua, du thuyền trên phá, khám phá rừng ngập mặn... Một số hộ mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà nghỉ phục vụ nhu cầu lưu trú của du khách.

Ông Nguyễn Hữu Truyền, Chủ tịch UBND xã Quảng Công đánh giá, tiềm năng du lịch biển tại địa phương rất lớn. Tuy nhiên, với nguồn lực có hạn, địa phương mới chỉ đầu tư tuyến đường bê tông ra biển, tổ chức một số dịch vụ tắm biển, hàng quán, các dịch vụ giải trí, ngâm tắm, ngắm bình minh, hoàng hôn trên biển, tổ chức cho du khách bủa lưới, giăng câu, tự nấu ăn tại biển... Tuy nhiên, các dịch vụ vẫn chưa chuyên nghiệp, thiếu sức hấp dẫn, chưa thu hút du khách. Trong khi tại bãi tắm Tân Thành, Cương Giáng có thể xây dựng hạ tầng quy mô, hiện đại như nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, các hoạt động thể dục thể thao...

Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, ông Trần Quốc Thắng chia sẻ, huyện đang triển khai các biện pháp xúc tiến, tìm nguồn đầu tư khai thác tiềm năng du lịch biển, đầm phá Tam Giang. Trong đó, việc kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp đảm bảo năng lực xây dựng hạ tầng, tổ chức dịch vụ tương xứng được huyện quan tâm. Phía huyện luôn tạo điều kiện thuận lợi và có cơ chế hỗ trợ, ưu đãi phù hợp cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp như thủ tục đầu tư, cấp phép, cho thuê đất, vốn…

Trước mắt, huyện kêu gọi đầu tư xây dựng khu bảo tồn thủy sản trên phá Tam Giang, gắn với bảo tàng (nhà trưng bày) các loại ngư cụ, các loại hình (nghề) đánh bắt của cư dân đầm phá, tạo điểm nhấn cho du lịch Quảng Điền. Các địa phương tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư mở rộng, tổ chức các dịch vụ, hoạt động du lịch như khu vui chơi trẻ em, cho thuê lều trại, nướng hải sản, các trò chơi dân gian, du thuyền kết hợp câu cá, bủa lưới, văn nghệ…

Tại khu vực rừng ngập mặn, hồ nuôi trồng thủy sản sẽ hình thành các khu nhà chồ phục vụ nhu cầu giải trí, ăn uống của du khách. Một số dịch vụ trong chương trình tour du lịch đã có sẽ được mở rộng, phát triển như “Sóng nước Tam Giang”, “Một ngày trên phá Tam Giang”, tạo sản phẩm du lịch mới, độc đáo, mang bản sắc riêng của Quảng Điền. Đồng thời, hình thành, kết hợp các tour tham quan di tích lịch sử, văn hóa, các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện…

Các dự án du lịch đang được huyện Quảng Điền tập trung triển khai, kêu gọi đầu tư như khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái ven biển An Lộc, khu nghỉ dưỡng Tân Thành, xã Quảng Công; khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng Hải Thành, Cương Giáng; khu phức hợp đô thị, nghỉ dưỡng Quảng Ngạn; các dự án dịch vụ tổng hợp ven phá-đoạn từ Thủy Lập (xã Quảng Lợi) đến xóm Hà Đồ (xã Quảng Phước). Huyện tập trung huy động, thu hút các nguồn lực đầu tư hạ tầng nhằm từng bước hình thành rõ nét các khu dịch vụ du lịch, như hạ tầng giao thông, điện chiếu sáng, bến du thuyền…

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thêm cơ hội thu hút đầu tư

Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là cột mốc quan trọng, mở ra nhiều cơ hội trong hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư.

Thêm cơ hội thu hút đầu tư
Đầu tư hạ tầng, dịch vụ lưu trú đẳng cấp

Sự cạnh tranh mạnh mẽ của các điểm đến du lịch trong nước và nhu cầu ngày càng cao của du khách đặt ra yêu cầu cần đẩy mạnh hơn nữa việc đầu tư hạ tầng, hiện đại hóa điểm đến, trong đó có hạ tầng, dịch vụ lưu trú đẳng cấp.

Đầu tư hạ tầng, dịch vụ lưu trú đẳng cấp
Khuyến cáo du khách cảnh giác chiêu trò lừa đảo trên mạng

Lợi dụng nhu cầu du lịch của người dân tăng cao, nhất là vào dịp lễ tết, mùa cao điểm du lịch và tâm lý muốn đi du lịch giá rẻ của một bộ phận người dân, nhiều đối tượng lừa đảo đã mạo danh công ty, khu nghỉ dưỡng, phòng vé bán combo, vé máy bay du lịch để lừa đảo du khách.

Khuyến cáo du khách cảnh giác chiêu trò lừa đảo trên mạng

TIN MỚI

Return to top