ClockChủ Nhật, 06/08/2017 12:18

Giải pháp đạp bằng “đinh” để doanh nghiệp du lịch phát triển

TTH - Làm gì để du lịch Huế phát triển không chỉ là nỗi đau đáu của các nhà quản lý mà còn là mối quan tâm của chính bản thân các doanh nghiệp (DN) du lịch đang đứng chân trên địa bàn. Thừa Thiên Huế Cuối tuần đã gặp, lắng nghe những chia sẻ, góp ý thẳng thắn từ chủ nhân của một DN như thế - ông Trần Quang Hào, Giám đốc Huetourist.

Ông Trần Quang Hào

* Trong đánh giá tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm 2017 của tỉnh, tốc độ tăng trưởng du lịch là những con số khá ảm đạm, lượng khách du lịch đến Huế, khách lưu trú đều chỉ tăng ở con số trên dưới 2% so với cùng kỳ; số ngày khách lưu trú thậm chí còn giảm, chỉ ở mức 1,78 ngày. Là người hoạt động trong lĩnh vực du lịch, ông suy nghĩ gì về những con số này. Và theo ông, đâu là nguyên nhân của vấn đề?

Theo tôi, thực trạng này xuất phát từ mấy nguyên nhân sau:

Đối với thị trường khách truyền thống: Đa số các hãng lữ hành quốc tế gửi khách vào Việt Nam, chương trình tour tại Huế chỉ 1 đêm và điều này đã tồn tại hơn 5 năm nay.

Đối với khách Việt và các nguồn khách mới (Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái...) thì 2 năm trở lại đây, do sự phát triển du lịch tại các vùng phụ cận như Đà Nẵng, Quảng Bình đã thu hút mạnh nguồn khách và chia sẻ thời gian lưu trú, thậm chí khách chỉ còn đến Huế trong ngày.

Về chủ quan thì do công tác truyền thông của ta quá yếu; chưa có các DN đủ mạnh để phối hợp quảng bá điểm đến. Thứ nữa là do sản phẩm du lịch chưa được làm mới, hạ tầng cũng chưa thật sự tốt.

* Từ rất lâu, du lịch luôn được Thừa Thiên Huế xác định là ngành kinh tế mũi nhọn. Trong định hướng chung đó, những doanh nghiệp du lịch nói chung và doanh nghiệp của ông nói riêng có được địa phương tạo điều kiện tương xứng để phát triển?

Tại Thừa Thiên Huế, việc xác định du lịch là kinh tế mũi nhọn đã được nghe trong nhiều năm. Nhưng từ giữa 2016 đến nay thông điệp này trở nên quyết liệt hơn, thể hiện qua việc thành lập Sở Du lịch với những người đã từng làm du lịch. Người làm việc trong ngành kế hoạch cũng rất quyết tâm và đặc biệt những người lãnh đạo địa phương rất sâu sát.

Huetourist của chúng tôi là đơn vị tiên phong trong việc đưa các sản phẩm mới vào hoạt động nhằm đáp ứng một phần phân khúc khách du lịch Âu – Mỹ đến Huế. Như du lịch trải nghiệm trên đầm phá, du lịch sống với vườn Huế, vùng dân tộc thiểu số… và được chính quyền địa phương hỗ trợ nhiều mặt. Trong đó hành lang pháp lý và thủ tục hành chính tại UBND tỉnh rất nhanh và hiệu quả.

* Trên nhiều diễn đàn, lãnh đạo tỉnh đã cảnh báo và đề nghị loại trừ tình trạng "trên rải thảm, dưới rải đinh", trên thực tế, DN của ông có từng gặp "đinh" khi triển khai các sản phẩm ở các địa bàn?

Thay vì kể lể các trường hợp gặp "đinh" thì cho phép tôi xin chia sẻ một giải pháp: Đó là yếu tố “rạch ròi”, minh bạch trong thủ tục hồ sơ, càng dễ tiếp cận thì doanh nghiệp càng dễ đi tiếp. Tính "rạch ròi" mà DN mong có được ở đây là mọi thủ tục phải rất cụ thể. Chẳng hạn DN cần làm cái này thì gặp ai, ở đâu, và sẽ được giải quyết trong thời hạn như thế nào... Tránh tình trạng trình tự thủ tục minh bạch rồi đấy, nhưng vẫn phải vác hồ sơ "chạy quanh" không biết phải lần bằng cách nào.

Đối với các dự án vừa và lớn thì chuyên viên phải chính là “người đồng hành” cùng dự án để DN có thể triển khai hiệu quả. Tất nhiên, chuyên viên có công thì sẽ được trả công tương xứng. Điều này một số địa phương người ta đã làm được chứ không phải là điều gì bất khả thi.

Theo tôi, có được 2 yếu tố trên thì nhất định "đinh" nào cũng sẽ bị đạp bằng và DN sẽ hào hứng chung tay để cùng tỉnh phát triển.

Khách du lịch đến Huế 6 tháng đầu năm 2017 tăng rất chậm

* Ông là người được giao trách nhiệm quản lý phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, tuy đã tạo được điểm nhấn nhất định cho thành phố trong thời gian qua, nhưng đánh giá chung của nhiều người là chưa thật sự ấn tượng, chưa tương xứng với Huế... Ý  kiến của ông về điều này?

Chúng tôi đã làm hết sức có thể và đã kêu gọi, hỗ trợ các nhóm khởi nghiệp, các nghệ nhân để đến nay trưng bày được trên 50 mặt hàng thủ công mỹ nghệ, thủ công truyền thống, đặc sản Huế như bạc trang sức thủ công cung đình, hoa giấy Thanh Tiên, tranh làng Sình, đồ đồng phường Đúc, dzèng A Lưới, guitar Tân Châu, tranh pháp lam, Trúc chỉ, áo dài Huế, tranh 3D, tinh dầu tràm, phấn nụ, nón lá, nón sen Huế... Và mong sớm thành một tuyến phố Hàng lưu niệm và quà tặng Huế. Chúng tôi cũng đã tuyển chọn được một danh mục bao gồm 30 mặt hàng tiêu biểu để hình thành một showroom tập trung phục vụ tham quan, mua sắm, đồng thời cả phục vụ khách hàng qua hình thức mua hàng online.

Hơi tiếc là hiện các nhà đầu tư, hộ kinh doanh vẫn còn e dè vì hợp đồng thuê mặt bằng được ký hằng năm một. Điều này có lý do khách quan do "vướng" công tác quy hoạch 2 bờ sông Hương. Tuy nhiên, nếu thành phố có cơ chế nào đó để "gỡ", tạo sự an tâm cho nhà đầu tư thì rất quý. Nếu được sự thống nhất của UBND thành phố để có hợp đồng dài hơi hơn, được xã hội hóa trong công tác nâng cấp hạ tầng, chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục đầu tư để phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu trở thành một điểm chơi đêm không thể thiếu của du khách đến Huế.

* Với góc độ DN du lịch, theo ông, đâu là cách tháo gỡ "những điểm nghẽn" để du lịch Huế phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của mình?

Theo tôi nghĩ, đối với công tác quản lý nhà nước: Cần sự công tâm và xử lý ngay lập tức các vấn đề làm ảnh hưởng đến ngành du lịch; thu thập thông tin, phân tích nhu cầu của khách để kiến tạo những loại hình du lịch thiết thực; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư theo hướng rạch ròi hóa văn bản hồ sơ và chuyên viên tháp tùng cùng dự án; hỗ trợ tiếp cận vốn từ ngân hàng; có quy hoạch tổng thể và niêm yết công khai. Trong quy hoạch, nên có sự đan xen những dự án du lịch trọng điểm với những dự án du lịch nhỏ theo hướng du lịch cộng đồng, bảo tồn giá di sản, làng văn hóa nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ hội đầu tư. Tránh trường hợp di dời dân và bảo tồn quỹ đất cho cộng đồng. Có thể dành 1/20 (tức 5%) phần đất ven biển của mỗi huyện áp dụng mô hình quy hoạch này.

Đối với người dân, cơ quan truyền thông và doanh nghiệp: Theo tính toán, mỗi khách du lịch đến Huế sẽ giúp cho 6 người dân được hưởng lợi. Cụ thể: 1- Cá nhân, DN kinh doanh dịch vụ vận chuyển: Tối thiểu 30.000đ; 2- Cá nhân và DN cung cấp dịch vụ lưu trú: Tối thiểu 50.000đ; 3 - Cá  nhân và DN cung cấp dịch vụ ẩm thực: Tối thiểu 30.000đ và có ít nhất 2 bữa ăn; 4 - Cá nhân và DN cung cấp vé tham quan: Tối thiểu: 100.000đ; 5 - Cá nhân và DN cung cấp dịch vụ tour tuyến, môi giới: Tối thiểu 30.000đ; 6 - Cá nhân và DN cung cấp các dịch vụ khác như mua sắm, lưu niệm, thức uống...: tổi thiểu 30.000đ (Một khách du lịch đến Huế đang chi tối thiểu 300.000đ). Chúng tôi tin, nếu tiếp cận này được nhấn mạnh hơn một cách đúng mức thì mỗi một người dân Huế sẽ là một người làm marketing cho du lịch Huế nhiệt tình, hiệu quả.

* Trở lại với DN của mình, ông có đang ấp ủ những sản phẩm nào để chung phần đẩy nhanh tốc độ "con tàu" du lịch Huế?

Hiện Huetourist đã đầu tư nhiều xe du lịch, tàu hỏa và cơ sở vật chất phục vụ tour Con đường di sản miền Trung từ Quảng Nam đến Quảng Bình, mà Huế là trung tâm. Kế hoạch năm 2018 sẽ có 200 khách đến Huế/ngày và có 2-3 đêm lưu trú. Hiện tour đang được nhiều đơn vị đối tác và khách hàng lựa chọn và đặt dịch vụ trực tuyến trên trang: www.ticket.whr.vn

Ngoài ra, Huetourist đã đầu tư cơ sở vật chất để hoàn thiện chùm tour du lịch có tương tác với người dân nhằm đáp ứng du khách muốn trải nghiệm mới lạ tại Huế và khách quay trở lại Huế. Hiện nay, Công ty đã bán được 60 khách đi tour/ngày và sẽ tăng thêm từng năm. Sản phẩm này được giới thiệu trên trang: http://huetouristvietnam.com/html-tree/index.html

Cám ơn ông về cuộc trao đổi!

HIỀN AN (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khi doanh nghiệp là ngôi nhà thứ hai

Ngoài nâng cao chế độ lương, thưởng, nhiều doanh nghiệp (DN) đã quan tâm hơn đến việc cải thiện môi trường làm việc và xây dựng các công trình phúc lợi giúp người lao động (NLĐ) yên tâm cống hiến, gắn bó lâu dài với DN.

Khi doanh nghiệp là ngôi nhà thứ hai
TÀI CHÍNH TOÀN DIỆN:
Để không có vùng trắng tín dụng

Tăng khả năng tiếp cận tín dụng nói riêng và các dịch vụ tài chính nói chung sẽ góp phần nâng cao năng lực của toàn xã hội, nhất là người yếu thế.

Để không có vùng trắng tín dụng
Phát triển thị trường cho sản phẩm truyền thống

Trong khuôn khổ chương trình thúc đẩy phát triển sản phẩm truyền thống địa phương thuộc đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) Thừa Thiên Huế vừa tổ chức cho các doanh nghiệp (DN) phát triển thị trường tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Phát triển thị trường cho sản phẩm truyền thống
Những con đường xanh mát giữa lòng Cố đô

Huế sở hữu những con đường xanh và nhiều “công viên xanh”. Điều này khiến du khách gần xa mỗi khi đến Huế điều có cảm giác thư thái, dễ chịu, tận hưởng không gian xanh mát giữa lòng thành phố, đặc biệt là trong những ngày nắng nóng oi bức.

Những con đường xanh mát giữa lòng Cố đô
Đối ngoại có trọng tâm, trọng điểm, thu hút nguồn lực phát triển

Với nhiều hoạt động, giải pháp thiết thực, hoạt động đối ngoại của Thừa Thiên Huế góp phần quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh địa phương, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), củng cố quốc phòng - an ninh và nâng cao vị thế, hình ảnh Cố đô Huế trên trường quốc tế.

Đối ngoại có trọng tâm, trọng điểm, thu hút nguồn lực phát triển

TIN MỚI

Return to top