ClockThứ Hai, 06/05/2019 14:15

Hỗ trợ & tiếp nhận phản ánh bằng mô hình “STOP&GO”

TTH - Ngành du lịch cho biết, đang trong quá trình triển khai mô hình “STOP&GO” (tạm dịch là: dừng và đi) nhằm hỗ trợ tối đa cho du khách khi đến Huế du lịch.

Văn hóa - di sản & biển là tương lai của du lịchChưa có quỹ hỗ trợ phát triển du lịchThêm sản phẩm & nâng chất lượng để hấp dẫn kháchCơ hội không đến nhiều lần

Các trạm cung cấp thông tin ở Huế còn thiếu, du khách chỉ có thể hỏi thông tin từ các hướng dẫn viên

Thiếu điểm nhận phản ánh

Ngày 18/4, một hướng dẫn viên (HDV) du lịch thông tin lên trang facebook của Chi hội Hướng dẫn viên du lịch Thừa Thiên Huế, khi chứng kiến một phụ nữ bán quạt, mũ nón đã móc túi du khách tại bến xe Nguyễn Hoàng, HDV đã yêu cầu người phụ nữ này trả lại 1 triệu đồng cho du khách. Theo HDV, sự việc diễn ra quá nhanh và phải tiếp tục hành trình nên không kịp báo với cơ quan chức năng.

Điều mà HDV trên trăn trở là vì sao tại một bến xe du lịch lớn như bến xe Nguyễn Hoàng, nằm ngay cạnh Đại Nội, điểm thu hút khách nhiều nhất của Huế lại không có một trạm hỗ trợ du khách, tiếp nhận thông tin như trường hợp trên. Việc tiếp nhận thông tin cần phải kịp thời vì hầu hết du khách sẽ không có nhiều thời gian để phản ánh với các cơ quan chức năng.

Cách đây không lâu, một sinh viên ở Lạng Sơn vào Huế tham quan. Trong quá trình đi du lịch đã bỏ quên một cái ba lô, trong đó nhiều giấy tờ, vật dụng quan trọng. Do phải đi theo đoàn nên sinh viên này không thể ở lại để tìm kiếm. Sau khi trở về Lạng Sơn, người này mới nhờ sự giúp đỡ từ các cơ quan chức năng. Dù với trường hợp này là do lỗi bất cẩn của cô gái, nhưng vẫn có cảm giác du khách đang bị “bỏ rơi” vì theo tìm hiểu, lúc đó cô gái cố gắng tìm kiếm nhưng không có sự hỗ trợ nào.

Sở Du lịch thừa nhận, các điểm tiếp nhận, hỗ trợ thông tin cho du khách khi đến Huế du lịch hiện nay rất ít. Ngoài Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch ở số 4 Hoàng Hoa Thám, trên các trục đường chính như Lê Lợi, Hùng Vương, Trần Hưng Đạo... các điểm du lịch, như Đại Nội, lăng tẩm, bến xe, bến thuyền chưa thể hình thành được các quầy, hay các trạm hỗ trợ thông tin, tiếp nhận phản ánh của khách. Lâu nay, nhân lực và vật lực đều chưa cho phép ngành du lịch thực hiện điều này.

Năm 2018, để phần nào tăng khả năng hỗ trợ thông tin cho khách, ngành du lịch Huế đã tiến hành lắp đặt một số bảng biển chỉ dẫn, một số màn hình quảng cáo, thông tin ở sân bay và nhà ga. Tuy nhiên, chỉ dừng lại ở thông tin cung cấp cho du khách mang tính trực quan, một chiều, chứ không có tính tương tác và tiếp nhận, xử lý những sự vụ, sự việc ảnh hưởng đến an ninh, an toàn cho khách.

Hình thành “mạng lưới” hỗ trợ

Lâu nay, môi trường du lịch của Huế bị phản ánh không ít lần. Sau mỗi lần ra quân, kiểm soát là tình hình được đảm bảo, đi vào trật tự. Nhưng sau khoảng thời gian nhất định lại xuất hiện tình trạng bán hàng rong, chèo kéo khách, thậm chí là móc túi, lừa đảo khách... Cái thiếu của Huế là chưa có giải pháp mang tính căn cơ. Chỉ khi hình thành được những trạm hỗ trợ, tiếp nhận thông tin ở các điểm du lịch quan trọng, như ở khu vực bến xe Nguyễn Hoàng, chắc chắn các vụ việc trên sẽ được chấn chỉnh.

Ông Nguyễn Thái Hòa, Chánh Thanh tra Sở Du lịch cho biết, trước đây, có một thời gian dài, tại bến xe Nguyễn Hoàng, khu vực Cửa Ngăn, đường 23/8… có lực lượng công an túc trực, tình hình an ninh, an toàn, môi trường du lịch được đảm bảo. Thế nên, hình thành trạm tiếp nhận phản ánh thông tin được xem là giải pháp căn cơ để đảm bảo môi trường du lịch tốt hơn.

Lãnh đạo Sở Du lịch cho biết, ngành đang tập trung để triển khai hệ thống trạm dừng chân và hỗ trợ khách du lịch “STOP&GO”. Tại các trạm hỗ trợ này, sẽ được trang bị nhiều thiết bị để du khách có thể tìm hiểu thông tin về điểm đến. Đây cũng là một trong những mục tiêu để xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh mà Huế đang hướng đến.

Tuy nhiên, khó khăn là vị trí đặt các trạm dừng chân. Hiện, các điểm được xác định ưu tiên xây dựng là những điểm “nóng”, thu hút lượng lớn khách du lịch. Tuy nhiên, tại các điểm này lại gặp khó về mặt bằng, không có đủ diện tích để xây dựng. Ngành du lịch sẽ tham mưu với lãnh đạo UBND tỉnh để hình thành các trạm ở các địa điểm phù hợp, với mục tiêu cao nhất là hỗ trợ và tiếp nhận thông tin của du khách nhanh và hiệu quả.

Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khởi nghiệp từ mô hình “Hoa tươi bất tử Cố đô”

Vốn là dân sư phạm nhưng vì đam mê hoa, chị Nguyễn Thị Thanh Lân (Phong Thu, Phong Điền) đã rẽ sang lĩnh vực kinh doanh hoa rồi khởi nghiệp với mô hình mang thương hiệu “Hoa tươi bất tử Cố đô” bước đầu thành công ở quê nhà. Với mô hình này, chị Lân đã tham gia Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) Thừa Thiên Huế năm 2024 và được UBND tỉnh tặng bằng khen có sáng kiến ĐMST của thế hệ trẻ.

Khởi nghiệp từ mô hình “Hoa tươi bất tử Cố đô”

TIN MỚI

Return to top