Khách du lịch thưởng thức các dịch vụ tại nhà vườn Phan Thuận An vào cuối năm 2019
Được xây dựng từ năm 1921 tại 31 Nguyễn Chí Thanh (phường Phú Hiệp), phủ thờ Công chúa Ngọc Sơn trở thành một trong những ngôi nhà vườn có kiến trúc đẹp, thu hút nhiều du khách đến tham quan và thưởng thức ẩm thực Huế. Với diện tích 2.370m2, nhà bao gồm nhà rường 3 gian 2 chái và nhà phụ, nhà bếp. Thiên nhiên ở đây là núi đồi khe suối, hai bên sân trước nhà là hai khối đá khác với hình thù đặc biệt tượng trưng cho hai yếu tố rồng chầu hổ phục của thuật phong thủy. Mỗi độ hè thu, hồ nở đầy hoa sen trắng, đỏ. Quanh vườn được bao bọc bằng lũy tre, những dãy cau và hàng rào chè tàu cắt xén tươm tất. Trong vườn cũng như trong sân, trồng nhiều loại cây trái lưu niên và một số chậu hoa cây kiểng.
Phủ thờ Công chúa Ngọc Sơn là tư gia của gia đình nhà sử học, nhà nghiên cứu Phan Thuận An. Vì vậy, ở đó không chỉ những giá trị di sản vật thể - kiến trúc được bảo tồn, mà nơi đây cũng là một địa chỉ văn hóa, nơi giao lưu học thuật của giới nghiên cứu văn hóa - lịch sử Huế và là điểm đến của những người yêu Huế. Trải qua thời gian cùng những biến động của lịch sử, nhà vườn mai một dần, mái ngói dột và một số vách ngăn bằng gỗ bị nứt, mối mọt; sơn tường bong tróc gây ảnh hưởng đến kiến trúc nhà vườn cũng như du khách tham quan.
Tháng 5/2017, phủ được UBND TP. Huế quyết định hỗ trợ kinh phí trùng tu thông qua đề án “Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng”. Là công trình được công nhận là nhà vườn loại 1, phủ được hỗ trợ trên 700 triệu đồng để tu sửa, bao gồm các hạng mục, như chống thấm bờ mái, ô văng, thay thế một số đòn tay bằng gỗ đã mục hỏng...; trát lại tường, cột, ô văng, lát lại nền bằng gạch bông xi măng kiểu cổ theo mẫu hiện trạng...
Theo quản lý nhà vườn Phan Thuận Thảo, sau 15 năm triển khai đón khách tham quan và phục vụ các đặc sản Huế, hiện nhà vườn có lượng khách khá ổn định thông qua các doanh nghiệp du lịch, lữ hành. Sau khi trùng tu và nâng cấp lại công trình, nhà vườn được trả lại nguyên trạng ban đầu, đồng thời các giá trị văn hóa bên trong ngôi nhà được bảo tồn và giữ gìn nguyên vẹn nên ngày càng thu hút khách đến tham quan, tìm hiểu kiến trúc cũng như thưởng thức các dịch vụ.
Nhà vườn Hoàng Xuân Bậc là nhà vườn loại 2, có địa chỉ tại 34 Phú Mộng, phường Kim Long cũng được hỗ trợ 490 triệu đồng để trùng tu. “Sau khi đầu tư nâng cấp, hiện ngôi nhà đã hoàn thiện, khang trang và sạch đẹp hơn nhiều so với trước nên lượng khách đến tham quan và thưởng thức các dịch vụ ẩm thực ngày càng đông. Ngoài 490 triệu đồng được đề án hỗ trợ, gia đình đầu tư thêm 200 triệu đồng xây dựng khu ẩm thực, kết hợp tham quan nhà vườn với mong muốn phát huy giá trị nhà vườn Huế, qua đó phát triển dịch vụ du lịch để tiếp tục bảo tồn và gìn giữ nhà vườn”, chủ nhà vườn Hoàng Xuân Bậc, ông Hoàng Xuân Tiệp chia sẻ.
Theo thống kê, hiện TP. Huế có khoảng 60 nhà vườn, trong đó có 18 nhà vườn tham gia đề án hỗ trợ. Đến nay có 10 nhà đã hoàn tất công tác trùng tu và đưa vào sử dụng, 1 nhà chuẩn bị khởi công.
Bài, ảnh: Minh Thư