ClockThứ Tư, 29/04/2020 06:52

Bảo tồn & phát huy giá trị nhà vườn Huế

TTH - Tháng 4/2020, UBND tỉnh phê duyệt danh sách nhà vườn tham gia hỗ trợ trùng tu tại huyện Phong Điền và TP. Huế. Theo đó, ông Hoàng Trọng Sằng tại 101 Nguyệt Biều, phường Thủy Biều được hỗ trợ 430 triệu đồng, nâng tổng số nhà vườn được trùng tu trên địa bàn TP. Huế từ năm 2015 đến nay lên 11 nhà, kinh phí hỗ trợ khoảng 5,7 tỷ đồng.

Hoàn thiện hạ tầngHãy giúp người dân thông “lộ”Thủy Biều & du lịch sạchHơn 800 triệu đồng trùng tu nhà vườn cổ ở Thủy Biều

 Du khách trải nghiệm ẩm thực Huế tại nhà vườn Hồ Xuân Đài, phường Thủy Biều

Đáp ứng nguyện vọng các nhà vườn

Thực hiện đề án “Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng”, đến nay TP. Huế đã có 10/18 nhà vườn tham gia đề án được hỗ trợ kinh phí trùng tu, chiếm khoảng 61%. Hiện, UBND TP. Huế tiến hành bàn giao đưa vào sử dụng 9 nhà vườn, đang tiến hành các thủ thục để bàn giao đưa vào sử dụng nhà vườn Nguyễn Hữu Thông ở phường Phường Đúc và chuẩn bị khởi công trùng tu nhà vườn Hoàng Trọng Sằng.

Ngay sau khi đề án được HĐND tỉnh thông qua tháng 4/2015, UBND TP. Huế tích cực triển khai thực hiện. Những quy định về chính sách quản lý và bảo vệ nhà vườn của đề án phù hợp với tình hình thực tế và cơ bản đáp ứng nguyện vọng của đa số chủ nhà vườn, các chủ nhà vườn thấy rõ được lợi ích khi tham gia đề án nên tích cực hưởng ứng và phối hợp thực hiện. Mặt khác, nhiều chủ nhà vườn không còn lo ngại bị ảnh hưởng đến quyền sở hữu, thừa kế, sử dụng. Các nhà vườn tham gia đề án sau khi được hỗ trợ tu bổ, chống xuống cấp đã góp phần bảo tồn cấu trúc và các bộ phận cấu thành hệ sinh thái đô thị - nhà vườn; bảo tồn và khai thác các giá trị nhà vườn truyền thống Huế để phát triển du lịch.

Qua 6 năm triển khai, đề án đã hỗ trợ người dân giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, góp phần nâng cao giá trị hình ảnh Cố đô Huế; khai thác, phát huy hiệu quả kinh tế của di sản nhà vườn Huế đặc trưng, đồng thời làm tiền đề để lan tỏa, phát huy ý thức tự nguyện của người dân trong công cuộc bảo vệ những giá trị văn hóa Huế đặc trưng gắn liền với phát triển kinh tế hộ gia đình. Các nhà vườn sau khi hỗ trợ trùng tu, sửa chữa đều tích cực đầu tư để tổ chức các dịch vụ du lịch tăng thu nhập phục vụ đời sống và có kinh phí để duy tu, bảo dưỡng nhà vườn.

Trưởng phòng Văn hóa- Thông tin TP. Huế Phạm Thị Quỳnh Dao cho rằng, đa số các nhà vườn thụ hưởng đề án trùng tu đều phát huy giá trị. Đến nay, có 9 nhà vườn tham gia đề án tổ chức kinh doanh du lịch, phục vụ du khách. Trong đó, có 3 nhà vườn kinh doanh dịch vụ homestay; nhiều nhà sau khi trùng tu, tổ chức làm du lịch, dịch vụ và thu hút khách với doanh thu từ 30- 90 triệu đồng/tháng.

Bà Quỳnh Dao cho biết, bên cạnh công tác hỗ trợ tài chính, thành phố đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, liên kết với các đơn vị kinh doanh du lịch, các cơ sở lữ hành khảo sát nhằm tiếp xúc với các chủ nhà vườn, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh các sản phẩm du lịch nhà vườn Huế, qua đó hình thành sản phẩm du lịch mới hấp dẫn thu hút khách du lịch.

Tiếp tục trùng tu, bảo tồn nhà vườn Huế

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp tục đăng ký tham gia đề án, năm 2020 UBND TP. Huế chỉ đạo Ban quản lý (BQL) và bảo vệ nhà vườn Huế xây dựng mẫu đơn đăng ký tham gia đề án, gồm các thông tin về chủ sở hữu nhà vườn (hoặc đại diện hợp pháp của nhà vườn), thông tin về thửa đất có nhà vườn, nguyện vọng và cam kết của chủ nhà vườn khi tham gia đề án. Sau đó, BQL phối hợp với UBND các phường đến nhà dân để hướng dẫn các chủ nhà vườn có đơn đăng ký tham gia và gửi về tổng hợp, báo cáo thành phố để khảo sát, đánh giá trình hội đồng thẩm định, đánh giá, phân loại nhà vườn…

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Huế Trần Song, đề án “Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng” không bắt buộc các chủ nhà vườn đủ điều kiện phải tham gia mà xuất phát từ ý thức tự nguyện tham gia của các chủ nhà vườn trên cơ sở lợi ích từ các chính sách hỗ trợ, quản lý của đề án.

Để phát huy hiệu quả, thành phố đã chỉ đạo BQL và bảo vệ nhà vườn Huế tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách đến từng chủ nhà vườn bằng hình thức tổ chức các buổi làm việc, thảo luận với đại diện các chủ nhà vườn để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, giải đáp các thắc mắc; phối hợp với UBND các phường trực tiếp đến các nhà vườn để tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân về các quy định, chính sách của đề án để hình thành ý thức tự nguyện tham gia.

Để các quy định quản lý bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng được thực hiện có hiệu quả, tránh trường hợp các chủ nhà vườn tham gia đề án vi phạm cam kết thực hiện nghĩa vụ bảo vệ nhà vườn, thành phố thường xuyên chỉ đạo BQL và các phòng ban, UBND các phường phối hợp chặt chẽ để ngăn chặn các trường hợp tách thửa, xây dựng các công trình trái phép làm phá vỡ cảnh quan nhà vườn.  

Các nhà vườn tham gia đề án sẽ được đầu tư hỗ trợ trùng tu 3 mức theo chất lượng phân loại của 3 loại nhà, trong đó nhà loại I được đầu tư 700 triệu đồng, nhà loại II không quá 500 triệu đồng, nhà loại III không quá 400 triệu đồng.

Bài, ảnh: THANH HƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Âm nhạc “bắt tay” du lịch

Du lịch âm nhạc đã trở thành loại hình du lịch phổ biến và phát triển ở nhiều quốc gia tại châu Âu và châu Á. Ở Việt Nam, xu hướng thưởng thức âm nhạc kết hợp với du lịch đang dần được công chúng đón nhận và Huế đã có nhiều động thái để phát triển loại hình du lịch này.

Âm nhạc “bắt tay” du lịch
Đưa du lịch cộng đồng trở thành sản phẩm chủ đạo

Du lịch cộng đồng được xem là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích trong việc phát triển kinh tế bền vững cho cư dân bản địa. Với nhiều tiềm năng, Thừa Thiên Huế cùng các địa phương có thể đẩy mạnh loại hình du lịch cộng đồng trở thành một sản phẩm hoàn chỉnh, chủ đạo trong hệ thống sản phẩm của du lịch Việt Nam.

Đưa du lịch cộng đồng trở thành sản phẩm chủ đạo

TIN MỚI

Return to top