ClockThứ Năm, 14/02/2019 07:15

Liên kết du lịch: Bài toán về tương đồng thế mạnh

TTH - Theo các chuyên gia, xu hướng mới của khách du lịch là muốn đi thật nhiều nơi, khám phá được nhiều vùng đất. Về khía cạnh kinh doanh, liên kết là giải pháp quan trọng hàng đầu để các địa phương tận dụng lợi thế của nhau và tránh được những cạnh tranh về điểm đến.

Liên kết phát triển du lịch miền Trung – Tây NguyênXây dựng sản phẩm du lịch chung của 4 địa phương

Du khách tham quan di sản Huế

Nhìn từ Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam

Đến 2019 đã là năm thứ 12 ba địa phương Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam  ký kết biên bản hợp tác phát triển trong lĩnh vực du lịch. Slogan “Ba địa phương – một điểm đến” trở thành một thương hiệu lớn trên “bản đồ” du lịch Việt Nam; được Tổng cục Du lịch đánh giá là mô hình liên kết mẫu của cả nước. Hình thức hoạt động là mỗi địa phương luân phiên làm trưởng nhóm liên kết theo từng năm, nhóm trưởng sẽ là địa phương đưa ra kế hoạch và chủ trì các hoạt động dưới sự thống nhất của cả ba địa phương.

Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiệu quả lớn nhất trong liên kết của ba địa phương là khả năng xúc tiến quảng bá điểm đến. Nếu riêng lẻ mỗi địa phương, nguồn lực sẽ không đủ để quảng bá đến nhiều thị trường. Khi cả ba địa phương dồn lực, khả năng quảng bá sâu rộng hơn, đến được những thị trường lớn, mà trước đó phải tốn nhiều kinh phí như ở Tây Âu.

Chính sự liên kết đã giúp các địa phương có sự liên thông, hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho du khách khi đến ba địa phương; liên kết giúp các địa phương chia sẻ nguồn nhân lực, như về hướng dẫn viên, lực lượng điều hành trong doanh nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động, kinh doanh du lịch…

Theo ông Trương Thành Minh, những năm đầu liên kết luôn gặp những khó khăn bởi các sản phẩm của ba địa phương trùng nhau. Mỗi địa phương phát triển sản phẩm mà không có sự phối hợp để bổ sung cho nhau nên dẫn đến cạnh tranh nhiều hơn là hợp tác. Gần đây, ba địa phương đã nhìn nhận và hình thành được các sản phẩm chung, như  “Con đường di sản miền Trung”, “Con đường Hồ Chí Minh huyền thoại”, “Con đường cao nguyên xanh”, “Tuyến hành lang Đông- Tây”… đã giúp liên kết đạt hiệu quả hơn, du khách kết hợp đến cả ba địa phương chứ không còn đến riêng lẻ.

Huế được biết đến với nhiều lễ hội (Ảnh: Lễ hội đường phố tại Festival Huế 2018)

Dù thế, đã hơn một thập kỷ liên kết, vẫn còn những tồn tại, nhất là khi tổ chức xúc tiến quảng bá chưa thể đồng nhất về thị trường, như Đà Nẵng chủ yếu thu hút khách Trung Quốc và Hàn Quốc bởi du lịch đô thị; trong khi đó, Huế và Quảng Nam lại lựa chọn thị trường Tây Âu. Điều này chủ yếu do khách quan bởi mỗi địa phương có thế mạnh riêng. Chính điều này mà cơ chế, chính sách phát triển chung của ba địa phương đã được bàn đến nhiều lần, nhưng đến nay vẫn chưa thể đồng nhất thực hiện.

Giải bài toán về tương đồng thế mạnh  

Đối với nhiều tỉnh miền Trung, tỉnh nào cũng có thế mạnh về biển và văn hóa di sản, đó là bài toán cần phải giải trong liên kết phát triển. Như phân tích ở liên kết ba địa phương Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam, chính lợi thế, đặc thù riêng của mỗi địa phương mà việc thu hút các thị trường khách cũng khác nhau, dẫn đến thiếu đồng nhất.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Phan Thiên Định cho biết, với dự kiến quy hoạch vùng phát triển kinh tế mới của Chính phủ trong thời gian đến, tại Hội nghị “Phát triển du lịch miền Trung – Tây Nguyên” tại Huế diễn ra từ ngày 15 -16/2 lần này là dịp các địa phương có thể tham mưu để Chính phủ có những chính sách để đẩy mạnh liên kết ngang, tránh tình trạng các sản phẩm duyên hải miền Trung trùng nhau. Đây có thể là sự mở đầu mới trong liên kết phát triển du lịch của khu vực sau này.

Cụ thể, liên kết hợp tác sẽ được phân theo các tiểu vùng và các địa phương trong vùng dựa trên những lợi thế so sánh của từng tiểu vùng và địa phương tham gia liên kết phát triển du lịch. Có thể điều chỉnh quy hoạch phát triển phù hợp với thế mạnh của từng địa phương trong từng giai đoạn; thiết lập sự thống nhất về không gian du lịch thông qua phát triển hạ tầng kết nối lãnh thổ khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch chung cho các vùng là điều tiên quyết. Do đó, ba địa phương Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam cần khai thác tốt hơn tour “Con đường di sản miền Trung”; đồng thời cần kết nối thêm 3 di sản văn hóa thế giới với các giá trị văn hóa tiêu biểu trong Vùng như văn hóa Champa, văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa các dân tộc Đông Trường Sơn và văn hóa dân cư vùng biển để tăng tính đa dạng. Sản phẩm “Con đường di sản miền Trung” cũng cần mở rộng kết nối với “Con đường xanh Tây Nguyên” để tăng tính đa dạng cho liên vùng;

Ngoài ra, liên kết với Lào và Campuchia để kết nối “Con đường di sản miền Trung” của Việt Nam với Di sản văn hóa thế giới Cố đô Luang Prabang (Lào) và Quần thể Angkor Wat (Campuchia) để tạo thành sản phẩm du lịch “Con đường di sản Đông Dương” trong khuôn khổ hợp tác giữa ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia “Ba quốc gia - một điểm đến” cũng là một định hướng để thúc đẩy trong tương lai cần được bàn đến.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

An toàn cho du khách mùa mưa bão

Những tháng cuối năm, Huế bước vào mùa cao điểm khách quốc tế cũng là thời điểm thời tiết miền Trung thường xảy ra mưa lớn, bão và ngập lụt. Song hành với phục vụ du khách, phát triển du lịch là yêu cầu đảm bảo an toàn cho du khách.

An toàn cho du khách mùa mưa bão
Âm nhạc “bắt tay” du lịch

Du lịch âm nhạc đã trở thành loại hình du lịch phổ biến và phát triển ở nhiều quốc gia tại châu Âu và châu Á. Ở Việt Nam, xu hướng thưởng thức âm nhạc kết hợp với du lịch đang dần được công chúng đón nhận và Huế đã có nhiều động thái để phát triển loại hình du lịch này.

Âm nhạc “bắt tay” du lịch

TIN MỚI

Return to top