Dự kiến từ 15/3 Huế sẽ đón được khách quốc tế, nhưng đang gặp nhiều thách thức
Chưa có phương án chính thức
Những ngày qua, việc mở cửa quốc tế như thế nào, quy trình, những quy định cụ thể về phục vụ khách, xử lý tình huống khách bị nhiễm bệnh?... để các địa phương và doanh nghiệp áp dụng triển khai chưa được ban hành, là vấn đề được bàn thảo rất nhiều.
Theo dự thảo phương án mở cửa du lịch quốc tế của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, du khách quốc tế muốn vào Việt Nam cần có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh; trong 24 giờ đầu nhập cảnh về thẳng nơi lưu trú, nếu có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 sẽ tham gia các hoạt động du lịch bình đẳng như khách nội địa. Nếu dương tính thì thực hiện các biện pháp cách ly, xử lý y tế theo quy định. Khách nhập cảnh bằng đường bộ, đường biển, đường sắt nếu có có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp xét nghiệm nhanh) tại cửa khẩu trước khi nhập cảnh cũng được tham gia du lịch, không phải thực hiện biện pháp cách ly.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, quy định này hướng đến sự bình đẳng cho khách du lịch, không phân biệt đối xử giữa khách du lịch quốc tế và nội địa. Đồng thời, tạo thuận lợi, thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; trong đó có khách du lịch đường biển vì dòng khách này thường chỉ đi tham quan theo chương trình du lịch trong ngày. Mặt khác, vẫn đảm bảo các điều kiện an toàn phòng, chống dịch, nhưng cũng linh hoạt tạo điều kiện cho các thị trường khách xa, có thời gian bay dài hoặc gặp vấn đề bất khả kháng do chậm trễ trong quá trình nhập cảnh.
Nhu cầu đến Huế của khách đến từ Lào đã có (Đoàn khách Lào tham quan di sản Huế trước khi xảy ra dịch bệnh)
Ở một diễn biến khác, trong góp ý phương án đón và phục vụ khách quốc tế, Bộ Y tế khuyến cáo, trong vòng 3 ngày từ khi nhập cảnh, du khách không rời khỏi nơi lưu trú; trường hợp trong ngày thứ 2, thứ 3 muốn rời khỏi nơi lưu trú thì phải có kết quả xét nghiệm âm tính mỗi ngày. Ngoài ra, du khách dưới 12 tuổi chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc-xin thì từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 7 muốn rời khỏi nơi lưu trú phải xét nghiệm liên tục hàng ngày.
Trước những thông tin đa chiều này, nhiều doanh nghiệp lữ hành, du lịch cho rằng, hiện các nước trên thế giới đã tiến hành mở cửa toàn diện, nên các quy định thông thoáng hơn. Nếu siết quá chặt khi mở cửa du lịch sẽ khiến khách quốc tế ngại đến và sẽ lựa chọn các quốc gia khác với thủ tục dễ dàng, cởi mở hơn.
Ông Đỗ Ngọc Cơ, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Xanh Việt cho biết, các thị trường khách châu Á như Lào, Campuchia, Thái Lan đi du lịch Việt Nam từ 3 - 4 ngày, nếu phải ở khách sạn 1 ngày sẽ rất khó để triển khai tour. Bên cạnh quy trình, nhiều vấn đề cũng được đặt ra thêm, chẳng hạn như bảo hiểm du lịch, ở Thái Lan chẳng hạn khách đã mua bảo hiểm du lịch, khi sang Việt Nam có được áp dụng, hay phải mua thêm gói bảo hiểm khác. Khi khách đến Huế mới phát bệnh và phải điều trị thì chi phí được xử lý như thế nào. Doanh nghiệp có được bảo lãnh và khi về lại Thái Lan có được bảo hiểm thanh toán lại. Nếu mua bảo hiểm 2 lần, giá tour sẽ rất cao và gần như không thể khai thác được khách.
“Ở nhiều nước đang quy định, khi công dân đi du lịch trở về nước cần có chứng nhận âm tính SARS-CoV-2 như khi bắt đầu chuyến đi. Vậy cơ quan chức năng, đơn vị nào ở Huế sẽ đảm nhiệm xét nghiệm cho khách vì phải là cơ quan đủ thẩm quyền mới được chấp nhận. Đó cũng là vấn đề cần có hướng dẫn cụ thể”, ông Cơ cho biết.
Chờ quy trình từ Bộ
Hội Lữ hành tỉnh thông tin, những ngày qua, các thành viên cứ gọi điện hỏi nhau về các phương án đón khách. Ai cũng bảo đã có nhiều đối tác, nhất là các thị trường gần như Thái Lan, Lào đã gửi thông tin, số lượng, nhưng doanh nghiệp không dám nhận. Các công ty đang rất lúng túng vì chưa có thông tin chính thức. Chẳng hạn như nhiều đối tác ở Lào đã gửi thông tin khách đến Huế vào cuối tháng 3 (thời điểm nghỉ tết ở Lào), đã cận ngày nhưng doanh nghiệp không dám nhận và báo giá tour.
Ông Nguyễn Hữu Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết, với đặc tính của thị trường khách quốc tế, nhất là các thị trường xa, du khách phải mất ít nhất vài tuần đến vài tháng để lên lịch cho chuyến du lịch. Khi các thông tin, quy định vẫn còn bỏ ngỏ, hầu hết đơn vị du lịch không có cơ sở để chốt tour, việc bị động và chậm thời gian đón khách là điều rất dễ xảy ra. Trong khi đó, còn nhiều hướng dẫn cụ thể khác cũng cần cụ thể, như chính sách về y tế, visa ra sao… Với diễn biến này, sẽ rất khó để mục tiêu 15/3 Huế đón khách quốc tế đạt được như kế hoạch.
Theo ông Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch, đầu tháng 3, UBND tỉnh tổ chức buổi làm việc với các sở, ban, ngành với các doanh nghiệp chuẩn bị phương án đón khách quốc tế. Về tinh thần thì tất cả đã rất sẵn sàng. Riêng các quy trình, quy định ngành du lịch đang phối hợp rất chặt chẽ với các sở ngành để xây dựng phương án mới, thay cho các phương án đang được áp dụng. “Tuy nhiên, tất cả quy trình, phương án đón khách trong tỉnh phải chờ đợi hướng dẫn, quy định chung từ Trung ương”, ông Giang nhấn mạnh.
Được biết, hiện Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đang hoàn thiện phương án mở cửa du lịch; báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong thời gian sớm nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách cũng như các doanh nghiệp đón khách. Bộ sẽ ban hành quy trình này trước ngày 15/3.
Ông Trần Hữu Thùy Giang cho biết thêm, ngay sau khi có hướng dẫn từ cấp Trung ương, ngành du lịch Huế sẽ phối hợp ngay với doanh nghiệp để triển khai, hướng dẫn và chủ động tháo gỡ những khó khăn nếu có.
Bài, ảnh: Đức Quang