Đường vào Pâler ít thích hợp với người già, trẻ nhỏ
Do có người già, trẻ nhỏ, nên tôi chọn Hồng Hạ để cung đường không quá xa. Hơn nữa, ở Hồng Hạ nghe có thác Pâler cũng khá nổi tiếng, cũng nên đi để vừa trải nghiệm, vừa ủng hộ du lịch vùng cao. Để chủ động, tôi đã liên hệ người quản lý đặt chòi, đặt thức ăn trước. Mọi thứ sẵn sàng, đến giờ cả nhà lên xe trong hào hứng.
Quốc lộ 49 thảm nhựa phẳng lì, thoáng rộng và đẹp như một dải lụa choàng qua miền sơn cước. So với con lộ 12B của những năm 1990, đây đúng là một sự lột xác thần kỳ. Ước mơ, khao khát của những người dân vùng cao A Lưới trước kia về một con đường nối A Lưới với Huế nay đã thành hiện thực, có lẽ còn hơn cả mong đợi.
Xe qua Bình Điền, vượt một vài cánh rừng trồng xanh um, mát rượi, xe tới Hồng Hạ, bắt đầu ngã ba dẫn vào Pâler. Do mấy ngày trước đó trời giông liên tục nên xe phải dừng ở bên ngoài, mọi người xuống đi bộ. Biển chỉ dẫn thì 300m, nhưng cuốc bộ cảm thấy hơi vất vả. Chợt nghe tiếng nước chảy, biết rằng sắp đến nên tôi thấy nhẹ người, vì trong đoàn còn có mẹ già, đường núi dốc và chang chang nắng, mấy trăm mét với một người tuổi cao, sức không còn khỏe là cả một thử thách. Nhưng rồi tôi đã nhầm, còn phải vượt thêm một quãng đường cũng cỡ chừng ấy nữa mới vào đến chỗ tắm. Mà đoạn này thì hết sức gay go bởi phải lội, phải leo, phải đi “bập bênh” trên đá và đá. Thanh niên thì quá bình thường, thậm chí còn thú vị nữa, nhưng với người già và trẻ nhỏ thì lại rất nguy hiểm. Vấp, trượt ngã một cái là tai họa. Tôi vừa dẫn, vừa dìu mẹ, phải cả tiếng đồng hồ mới đến nơi cần đến. Một đoàn khác cũng mang theo bà mẹ, bà này mới độ 65-70, trẻ hơn mẹ tôi cả chục tuổi. Nhưng mới được nửa đường thì đầu hàng, cương quyết đòi “hạ trại” tại chỗ dù chỉ mỗi mình bà. Con cháu từ trong suối phải luân phiên nhau tiếp tế thức ăn, nước uống ra. Tôi cảm thấy áy náy vì đã vô tình dẫn mẹ đến một nơi không phù hợp, và cũng thầm trách người quản lý đã không cảnh báo giúp khi mấy ngày trước đó tôi đã trình bày là có người già, trẻ nhỏ, cần đặt trước cái sạp gần và thuận lợi nhất.
“Rất vui” nữa là đặt trước mọi thứ, nhưng đến nơi, bấm máy gọi để liên lạc mãi không được, phải tự mò mẫm mà đi. Gặp các nhân viên, hỏi dò thì một cô gái trả lời tỉnh rụi: “Em đây!”-“Sao gọi mãi không nghe máy?”- “Không mang máy bên người.”- “Sạp của anh đặt đâu?”- “Trong kia, vô có người chỉ”. Vào đến nơi, hỏi em nào cũng lơ ngơ. Thôi thì chọn đại 1 cái mà ngồi cho rồi.
Khi đã “ổn định tổ chức”, tôi mới “thám thính” chung quanh. Cảnh sắc núi rừng hoang sơ, hùng vĩ, rất ổn cho du lịch sinh thái. Chỉ tiếc là hôm chúng tôi đến, nước suối hơi đục và bẩn, nên cho dù mục tiêu đi suối trước tiên là tắm, nhưng rồi nhìn màu nước ai cũng ái ngại. Hỏi thì được giải thích do liên tục trời mưa mấy chiều liền, kéo bùn về nên vậy. Ở sạp bên cạnh, một số người phàn nàn bày tỏ sự thất vọng với điểm đến. Tôi nghĩ bụng, lẽ ra mấy dịp như thế này Pâler nên đóng cửa không đón khách. Bởi nếu khách là người địa phương thì không sao, còn là khác vãng lai, dòng nước vẩn đục kia sẽ mặc định trong họ. Rồi người này rỉ tai người kia, không khéo chưa nhiều người biết mà đã mất khách…
Trời đã trưa, bụng bắt đầu nghe réo, tôi tự tin gọi hỏi thức ăn, em này nhìn em kia khiến tôi có cảm giác hơi… phiêu phổng. Hỏi thăm cái lò than (cũng đã dặn trước) để nướng các thức nướng mang theo dùng đỡ trong lúc chờ, nhưng cuối cùng thì thức nướng vẫn phải “mang đến lại mang về” vì không than, không lửa...
Nghỉ ngơi đâu chừng 2 tiếng thì trời chuyển, mây đen kéo đến. Sợ nước nguồn đổ đột ngột, tôi hô người nhà thu dọn đồ đạc, rồi vội hộ tống mẹ trở ra để phòng bất trắc. Vất vả lắm hai mẹ con mới đến được con đường dẫn ra QL49 ở bờ suối bên kia. Lúc này thì mưa ập đến, ai cũng ướt như chuột lột. Quả là một chuyến đi “đáng nhớ”. Hẹn trở lại với một đội ngũ trẻ khỏe để phù hợp với điểm đến Pâler, và hy vọng kỹ năng phục vụ của nhân viên nơi đây sẽ được cải thiện, không còn quên máy, quên những yêu cầu đặt trước của khách, để Pâler nhanh chóng trở thành một điểm đến hấp dẫn, hút khách trong những ngày hè.
Bài, ảnh: Huy Khánh