ClockThứ Bảy, 08/12/2018 07:15
KHAI THÁC DU LỊCH NHÀ VƯỜN HUẾ:

Muốn “khởi động” lại phải đảm bảo lợi ích

TTH - Sở Du lịch vừa phối hợp với các doanh nghiệp (DN) du lịch tổ chức chuyến khảo sát các nhà vườn, nhằm gỡ khó để “khởi động” lại sản phẩm được xem là thế mạnh này.

Hãy giúp người dân thông “lộ”Phát huy giá trị nhà vườn HuếNhếch nhác đường vào nhà vườn Phú Mộng

Ở Kim Long, du lịch nhà vườn sẽ kết hợp với trải nghiệm làm nông hứa hẹn sẽ hấp dẫn du khách hơn trong tương lai

Có khách

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch nhìn nhận, du lịch nhà vườn từng là sản phẩm hấp dẫn, qua nhiều năm sức hút đã không còn như trước. Trong định hướng phát triển sản phẩm, dịch vụ của ngành luôn hướng đến những sản phẩm mang tính bền vững, đồng thời, có thể tăng mức thu nhập cho người dân. Ngành đang chú trọng phát triển trở lại du lịch nhà vườn, kết nối với DN lữ hành, sớm tổ chức khai thác trong năm 2019.

Ghi nhận từ các nhà vườn Kim Long và Thủy Biều (TP. Huế), lượng khách du lịch đến tham quan rất nhiều, nhất là ở Thủy Biều. Riêng với các nhà vườn Phú Mộng, Kim Long, ông Hoàng Xuân Tiệp, chủ nhà vườn số 4 thông tin, hàng ngày nhà ông đón nhiều đoàn khách, nếu đi theo tour sẽ khoảng 30 - 40 khách, ngoài ra, khách đi xích lô, khách nội địa đến tham quan cũng có. Khách chủ yếu vào tham quan rồi đi, chứ không có thêm dịch vụ nào và nguồn thu từ việc khách vào tham quan của gia đình cũng không có.

Ông Hoàng Xuân Tiệp cho hay, trước đây, nhà ông là điểm đến rất hút khách, ngày nào cũng có đoàn từ 30 - 40 khách đến tham quan và sử dụng dịch vụ ăn uống. Được tầm khoảng 3 năm thì không còn đón khách nữa. Về nguyên nhân, ông Tiệp cho rằng chưa biết chính xác, nhưng có thể là do không phải người trong nghề nên cung cấp dịch vụ chưa tốt, sản phẩm chưa hấp dẫn.

Đại diện Công ty CP Du lịch Việt Nam – Hà Nội tại Huế cho rằng, xét về nhu cầu của khách, du lịch nhà vườn không còn đơn giản là chỉ tham quan, ăn uống rồi về. Họ còn mong muốn tìm hiểu về đời sống văn hóa, như ăn uống, sinh hoạt, ngủ lại... Tuy nhiên, với nhà vườn Huế, đang dừng lại ở mức khách vào tham quan, chứ chưa phát huy hết tối đa năng lực khai thác.

Du lịch nhà vườn luôn thu hút du khách, nhưng do quyền lợi chưa đảm bảo khiến người dân thiếu 

Rất nhiều nhà vườn đẹp, giữ được nét truyền thống, phù hợp để mở thêm các dịch vụ homestay và làm vườn. Tuy nhiên, khó khăn là các chủ nhân của những ngôi nhà vườn không muốn làm du lịch. Hộ ông Đoàn Kim Khánh (đường Vạn Xuân) là một ví dụ. Ông Khánh cho hay, nếu khách đến tham quan thì ông luôn sẵn sàng đón tiếp, nhưng nếu khách ngủ lại thì gia đình ông không thể phục vụ.

Đảm bảo quyền lợi

Lãnh đạo UBND phường Kim Long, TP. Huế thông tin, để tăng sức hấp dẫn cho du lịch nhà vườn Phú Mộng, kế hoạch của phường là tại đình làng Kim Long mở thêm một số dịch vụ, như trưng bày các sản phẩm truyền thống, bán hàng lưu niệm, tổ chức các chương trình nghệ thuật; ngoài ra, Kim Long đang triển khai mô hình trồng rau hữu cơ, du khách có thể trải nghiệm tour làm nông dân và trải nghiệm đời sống văn hóa truyền thống đặc trưng.

Ý tưởng để tổ chức các tour tuyến, khởi động lại du lịch nhà vườn không phải ít, nhưng quan trọng là giải quyết được quyền lợi giữa các bên liên quan. Trước đây, mô hình hoạt động của Phú Mộng không có người điều hành trực tiếp, khi do các cán bộ Nhà nước kiêm nhiệm. Không phải người chuyên quản lý về du lịch nên khi có những khó khăn, các quyền lợi không đảm bảo thì không có cách giải quyết tốt. Đó là chưa kể đến việc phải phát triển thêm các dịch vụ mới tăng được sức hút cho nhà vườn.

Tổ chức hoạt động thiếu chuyên nghiệp nên người dân không có quyền lợi, cộng với đó, các nhà vườn mở cửa, các lữ hành vẫn đưa khách đến, tham quan rồi ra về, người dân cũng không có thêm thu nhập. Càng ngày, nhà vườn dần đóng cửa. Ông Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, muốn du lịch nhà vườn hoạt động trở lại, trước tiên cần giải quyết về lợi ích giữa các bên.

Theo lãnh đạo UBND phường Kim Long, một khó khăn không phải nhỏ nữa là nhân lực để phục vụ khách. Đối với các nhà vườn, chủ yếu là người già, còn thế hệ trẻ hầu hết đã đi làm ăn xa, hoặc không còn ở trong các nhà vườn. Để hoạt động du lịch có thể diễn ra thì cần có đội ngũ nhân lực, điều này có thể giải quyết khi các DN hợp tác để khai thác cùng với người dân.

Để tăng sức hút cho các nhà vườn, theo các DN lữ hành, nhà vườn cần thêm dịch vụ làm vườn, dịch vụ homestay, trải nghiệm đời sống gia đình có nhiều thế hệ… Ông Hoàng Xuân Tiệp cho hay, chúng tôi là dân “tay ngang”, không thể làm được, nhưng chúng tôi luôn sẵn sàng hợp tác với các DN để xây dựng thêm những dịch vụ.

Lãnh đạo Sở Du lịch cho biết, sau chuyến khảo sát, những khó khăn, tồn tại sẽ được "mổ xẻ", các bên sẽ cùng ngồi lại và tìm được lợi ích chung. Đặc biệt, khuyến khích DN đầu tư vào các nhà vườn để khai thác hiệu quả hơn.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Âm nhạc “bắt tay” du lịch

Du lịch âm nhạc đã trở thành loại hình du lịch phổ biến và phát triển ở nhiều quốc gia tại châu Âu và châu Á. Ở Việt Nam, xu hướng thưởng thức âm nhạc kết hợp với du lịch đang dần được công chúng đón nhận và Huế đã có nhiều động thái để phát triển loại hình du lịch này.

Âm nhạc “bắt tay” du lịch

TIN MỚI

Return to top