ClockThứ Bảy, 01/04/2023 10:54

Nhìn nhận điểm nghẽn để khắc phục

TTH - Theo các chuyên gia, doanh nghiệp, du lịch Thừa Thiên Huế đứng trước những thách thức cho giai đoạn phát triển mới vì còn nhiều điểm nghẽn. Chỉ khi những điểm nghẽn đó được đánh giá đúng và có những giải pháp “thông tuyến” hợp lý thì du lịch Cố đô mới có thể đạt mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Nhà vệ sinh cho du kháchChỉnh trang hạ tầng đón khách du lịch biểnMột ngày & 500 ngàn đồng

leftcenterrightdel
Huế trong mắt du khách là thành phố yên bình 

Hướng dẫn viên Hồ Thị Cẩm Hiền:

Đối tác hỏi du lịch Huế có gì mới không?

Du lịch đang dần trở lại bình thường như thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh. Đó là thực tế rất vui cho ngành du lịch nói chung và mỗi một hướng dẫn viên nói riêng. Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 đến nay, đi cùng sự phục hồi đó, các đối tác ở hai đầu TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh luôn hỏi rằng, “Huế có gì mới không?”. Có thể các đối tác chưa nắm hết các dịch vụ mới khai thác ở Thừa Thiên Huế. Nhưng nhìn vào thực tế và cách nhìn nhận về điểm đến của đối tác, thì phải chăng đây lại là mối nguy cho du lịch Thừa Thiên Huế, khi mà các điểm đến thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế đã quá quen thuộc.

Thừa Thiên Huế có nhiều giá trị lịch sử. Bên cạnh những giá trị liên quan các đời vua, chúa nhà Nguyễn, còn có hệ thống di tích lịch sử kiến trúc, cách mạng, văn hóa làng xã... cần được khai thác tốt hơn.

Ông Lê Hữu Minh, nguyên Giám đốc Sở Du lịch, Trưởng nhóm tư vấn Hiệp hội Du lịch:

Cẩn trọng với hiệu ứng thông tin đến Huế không có gì?

Cuối năm 2022, câu chuyện được trao đổi nhiều là khách Thái Lan đến Huế không vào tham quan Đại Nội. Hiện nay, có dấu hiệu tương tự đối với dòng khách Hàn Quốc. Cách đây không lâu, tôi vô tình đứng cạnh hai hướng dẫn viên tiếng Hàn và nghe được thông tin rằng, phía doanh nghiệp yêu cầu khi đưa khách ra Huế sẽ không vào Đại Nội nữa, mà đi tour xích lô để thay thế. Lý do mà hai hướng dẫn viên này thông tin tương tự như khách Thái Lan, là điện Thái Hòa đang trùng tu, giá vé không thay đổi, bên trong Đại Nội không có gì nổi bật.

Từ thực tế đó để thấy, cách giải quyết về những dịch vụ để thu hút khách chưa được thực hiện tốt. Điều nguy hiểm hơn ở đây là hiệu ứng về thông tin rằng “trong Đại Nội không có gì, hay đến Huế không có gì”. Từ một, đến hai, nếu không có giải pháp giải quyết “khủng hoảng thông tin” thì nguy cơ rất dễ lan rộng ra thêm các thị trường khách khác.

Xác định thị trường khách rất quan trọng, nhưng hiện nay chúng ta còn khá lúng túng. Tôi thấy ngành du lịch khá là nóng ruột và tham gia xúc tiến các thị trường khách mới, trong đó có Ấn Độ. Điều này cần cân nhắc lại. Khi đẩy mạnh khai thác thị trường mới nào đó, nếu chưa có sự chuẩn bị tốt thì khó khai thác được. Hiện cơ sở vật chất, dịch vụ để đón khách Ấn Độ ở Huế vẫn còn hạn chế. Vì vậy, trong năm 2023, du lịch Cố đô nên tập trung cho khách nội địa và một số thị trường truyền thống, như Hàn Quốc, Thái Lan, Đông Nam Á, châu Âu, châu Mỹ.

Ông Đỗ Ngọc Cơ, Giám đốc Công ty Công ty TNHH Du lịch Xanh Việt, Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh:

Bổ sung thêm các dịch vụ mà du khách đang cần

Hiện nay, du lịch “check-in”, vui chơi giải trí, du lịch sức khỏe và nghỉ dưỡng lên ngôi, trong khi Thừa Thiên Huế vẫn dựa vào hệ thống di tích, không có những đột phá mới trong sản phẩm. Kể cả những dòng sản phẩm mang tính giải trí đáp ứng nhu cầu của khách châu Á và nội địa; hay những sản phẩm chiều sâu về văn hóa đáp ứng nhu cầu khách châu Âu – Bắc Mỹ.

Huế chưa thu hút được các tập đoàn kinh doanh du lịch lớn như Sungroup, Vingroup. Hiện nay, hầu như trên cả nước, điểm đến nào có mặt của hai nhà đầu tư lớn này thì ở đó lúc nào cũng thu hút khách châu Á và nội địa.

Vì vậy, cần bổ sung thêm các dịch vụ, các loại hình du lịch mà du khách “đang cần” chứ không phải chào bán cái ta “đang có”. Nhất là các điểm tham quan di tích lịch sử, văn hóa như Đại Nội và các lăng tẩm. Ngoài những cái đã có, các điểm di tích cũng nên tạo nhưng góc chụp hình “check-in” theo chủ đề, hay xu hướng vì đó là những thứ mà khách du lịch đang rất thích.

Chính quyền có cơ chế, chính sách đặc thù để khuyến khích người dân và các nhà đầu tư tạo ra các không gian văn hóa đặc trưng của Huế để du khách trải nghiệm. Hiện nay, loại hình du lịch trải nghiệm văn hóa Huế có, nhưng chưa được đầu tư thỏa đáng, chuyên nghiệp.

Ông Lecluse Philippe, Tổng quản lý Khách sạn Indochine Palace:

Huế là viên ngọc sáng của Việt Nam nếu khai thác tốt

Tôi đã nhận công tác ở nhiều nơi trên thế giới. Tôi luôn đặt mình là du khách khi đến mỗi vùng đất mới để đánh giá khách quan các yếu tố. Ở góc nhìn là một du khách, Huế là điểm đến an toàn và thân thiện hàng đầu thế giới; điểm đến yên bình, cổ kính và người dân rất hiếu khách. Huế luôn tạo ra cảm giác là một “viên ngọc” quý của du lịch Việt Nam, chỉ là chưa được tỏa sáng đúng mức.

Kinh thành Huế (Đại Nội) là tòa kiến trúc cổ đại nổi tiếng nhất của Việt Nam. Các di tích cần sớm được trùng tu tổng thể, trở thành điểm đến nổi tiếng đúng với vị thế. Tất cả các dịch vụ cần nâng tiêu chuẩn thành dịch vụ 5 sao. Rất nhiều khách quốc tế lên kế hoạch đến Việt Nam với mong muốn được sử dụng dịch vụ 5 sao và trải nghiệm các nghi lễ truyền thống của địa phương. Tôi nhận thấy, bất kỳ nét văn hóa, nghi lễ nào ở Huế cũng có thể thu hút được khách quốc tế. Cùng với đó, cần tận dụng dòng sông Hương để phát triển, vì đây là dòng sông đẹp thuộc vào hàng đầu thế giới.

Du khách quốc tế rất quan tâm đến môi trường. Do vậy, đường phố, di tích, sông Hương cần luôn được giữ gìn sạch sẽ.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Doanh nghiệp du lịch đồng hành giảm rác thải nhựa

Giảm thiểu rác thải nhựa (RTN) là xu hướng cần thiết để phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững. Ngành du lịch đang gắn kết vai trò của doanh nghiệp (DN) trong việc cùng phối hợp triển khai thực hiện các can thiệp nhằm giảm thiểu lượng nhựa phát sinh trong kinh doanh du lịch.

Doanh nghiệp du lịch đồng hành giảm rác thải nhựa
Du lịch quá tải: Hiểu đúng để quản lý tốt hơn

Hãng tin The Business Times dẫn lời các chuyên gia cho biết, du lịch quá tải đã và đang trở thành một thuật ngữ thông dụng, gây ra những cuộc tranh luận tương tự như những cuộc tranh luận về biến đổi khí hậu.

Du lịch quá tải Hiểu đúng để quản lý tốt hơn
Khai mạc Lễ hội Áo dài Du lịch Việt Nam 2024

Tối 4/10 tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long, Hà Nội diễn ra chương trình khai mạc Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2024 với chủ đề "Hà Nội - Tinh hoa Áo Dài", nhằm tôn vinh và khai thác tà áo dài dân tộc như một sản phẩm du lịch độc đáo.

Khai mạc Lễ hội Áo dài Du lịch Việt Nam 2024
Ký kết hợp tác về xây dựng Đảng và phát triển du lịch

Sáng 4/10, Thành ủy Huế tổ chức ký kết biên bản ghi nhớ giữa Ban Thường vụ Thành ủy Huế và Ban Thường vụ Thị ủy Sa Pa (Lào Cai) về hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và phát triển du lịch gắn với bảo tồn, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa giữa hai địa phương.

Ký kết hợp tác về xây dựng Đảng và phát triển du lịch
Return to top