Khu du lịch Làng Hành Hương gần đây được người Huế lựa chọn. Ảnh: Linh Đan
“Khốn khó” là từ được dùng trong bản dự thảo báo cáo xung quanh hoạt động này, và hầu như đó là diễn tiến của cả ngành du lịch trên cả nước. Chúng tôi cũng đã nhiều lần đề cập đến tình trạng đóng băng, im lìm, ít ánh sáng của hầu hết các khách sạn trên địa bàn. Cả sự co mình lại của khoảng 13.000 lao động trực tiếp ở lĩnh vực này, bằng cách phải giãn việc, nghỉ việc, chuyển việc hoặc tìm một công việc khác để mưu sinh.
Hơn 80% lao động ở lĩnh vực này bị ảnh hưởng ở đợt dịch COVID-19 lần thứ nhất, và ở lần thứ hai, điều này gần như bị nhấn chìm thêm là chia sẻ từ một người có trách nhiệm. Có lẽ, ai cũng hiểu điều đó trên nền hiện trạng từ tác động của dịch bệnh, song mặc nhiên, những con số vẫn mang đến những thông tin chẳng lấy gì làm vui.
Tạo mọi điều kiện cho các cơ sở du lịch - dịch vụ và cố gắng để giảm tổn thương nhiều nhất dựa trên những nguyên tắc chung về sự an toàn cho du khách, cho cộng đồng là điều đã và đang được chính quyền các cấp và Sở Du lịch thực hiện. Ví như Giấy chứng nhận an toàn có thời hạn cũng sẽ được cấp cho các đơn vị kinh doanh du lịch, dịch vụ dựa trên phiếu đánh giá với các thang điểm cụ thể, có kiểm tra, thẩm định; một bản đồ du lịch an toàn (Blue tourist map) mà Sở Du lịch sẽ đề xuất xây dựng, bao gồm những điểm du lịch, những cơ sở lưu trú, các đơn vị lữ hành, những cơ sở dịch vụ du lịch (nhà hàng, biểu diễn nghệ thuật, vận chuyển,..), đảm bảo theo các tiêu chí an toàn để thông tin, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng; giúp khách du lịch nhận biết và chọn lựa điểm đến, dịch vụ và đơn vị kinh doanh an toàn, phù hợp.
Một chương trình Người Huế đi du lịch Huế đã được Sở Du lịch có kế hoạch đề xuất và nếu được UBND tỉnh đồng thuận, chương trình này sẽ được tung ra vào trung tuần tháng 9. Đây cũng có thể xem như một nỗ lực để “cứu vãn” sự tổn thương cho hoạt động này trước khi mùa mưa trở lại. Kế hoạch này được xây dựng dựa trên tình hình dịch bệnh đang dần được kiểm soát tại các vùng dịch trên cả nước, nhất là tình hình khống chế, kiểm soát dịch bệnh rất tốt trên địa bàn tỉnh. Việc các khu nghỉ dưỡng vùng ven thành phố, vùng biển hay các điểm du lịch sinh thái thác, suối… đông khách những ngày cuối tháng 8 vừa qua cũng là cơ sở của đề xuất này.
Tôi đã nghĩ đến tính khả thi của chương trình, từ việc những người thân quen của mình vẫn đang tìm phòng cho kỳ nghỉ ngắn ngày ở tháng 9. Mọi người nói rằng, phải “săn” thường xuyên vì gần như rất khó để đặt phòng thành công vào ngày cuối tuần ở các khu resort cách thành phố vài chục km. Hấp lực là ở chỗ, giá lưu trú đã rẻ gần như phân nửa mà chất lượng dịch vụ không đổi.
Nhưng những ngày nghỉ ngắn như vậy cũng không còn dài, khi những ngày thu đang trôi dần qua. Trẻ con cũng đã đến trường và quan trọng là tiền trong túi cũng sẽ vơi vớt dần đều…
Mong mỏi nhất của mọi người có lẽ là dịch bệnh sẽ không bùng phát, và nếu có, lại được khống chế tốt như Thừa Thiên Huế đã tốt trước đó và trên diện rộng, chứ không chỉ ở một vài địa bàn trong cả nước. Đó cũng sẽ là khoảng thời gian nền kinh tế được khôi phục từng bước, cuộc sống sẽ trở lại ổn định hơn như một cách giảm tổn thương bền vững.
Minh Hà