Doanh nghiệp du lịch Thừa Thiên Huế quảng bá sản phẩm
Hoạt động xúc tiến du lịch Thừa Thiên Huế những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực. Nét nổi bật là tính chuyên nghiệp trong tổ chức các sự kiện du lịch từng bước được nâng lên, thể hiện qua việc cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành định hướng, hỗ trợ, tạo điều kiện cho Hiệp hội Du lịch và các doanh nghiệp chủ động đứng ra tổ chức. Phương thức này đã huy động được tiềm năng, thế mạnh của mỗi doanh nghiệp và toàn xã hội, góp sức cùng với Nhà nước trong quảng bá xúc tiến du lịch.
Không phủ nhận những thành tựu của công tác xúc tiến, quảng bá du lịch thời gian qua, nhưng rõ ràng thực tế vẫn còn một số thách thức, bất cập của công tác này?
Công tác quảng bá xúc tiến du lịch vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Kinh phí phục vụ cho hoạt động xúc tiến, quảng bá còn manh mún, bị động. Ấn phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa đa dạng, số lượng phát hành còn thấp. Sự phối hợp giữa các cấp, các địa phương, đặc biệt là giữa các doanh nghiệp du lịch với cơ quan Nhà nước chưa chặt chẽ và còn nhiều bất cập nên chưa tập trung được nguồn lực trong hoạt động xúc tiến, quảng bá, chủ yếu giới hạn trong phạm vi khu vực, chưa thật sự vươn ra tầm quốc tế.
Nếu đặt trong mối tương quan chung với các điểm đến trong khu vực, có thể thấy, công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch Huế vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế của điểm đến.
* Sắp tới, Thừa Thiên Huế cần làm gì để đẩy mạnh quảng bá du lịch cả diện rộng lẫn chiều sâu?
Để phát triển du lịch, thu hút du khách, cần có chiến lược quảng bá mạnh mẽ chứ không thể trông chờ “hữu xạ tự nhiên hương”. Cần xây dựng chương trình tổng thể; tăng cường xã hội hóa kinh phí, huy động các doanh nghiệp, hiệp hội, các tổ chức tham gia; tập trung các thị trường trọng điểm; đổi mới hình thức xúc tiến, quảng bá. Tổ chức mạnh mẽ chương trình xúc tiến mà trọng tâm là xây dựng thương hiệu điểm đến Huế, thương hiệu cho các sản phẩm du lịch và thương hiệu cho các doanh nghiệp du lịch.
Đối với thị trường quốc tế, tập trung thu hút phát triển mạnh thị trường khách quốc tế gần là các nước trong khu vực ASEAN: Thái Lan, Singapore, Malaysia; các nước Đông Bắc Á: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, tăng cường khai thác thị trường khách cao cấp, truyền thống đến từ Tây Âu, Bắc Mỹ. Thị trường nội địa cũng là một thị trường du lịch đầy tiềm năng. Với số dân hiện nay trên 92 triệu người, nếu có giải pháp kích cầu và kế hoạch xúc tiến phù hợp thì lượng khách nội địa sẽ góp phần rất quan trọng trong việc thúc đẩy du lịch phát triển. Liên kết với các địa phương để xúc tiến, quảng bá điểm đến, các sản phẩm thông qua các roadshow. Phối hợp tổ chức, tham gia các hội chợ quốc tế.
Đẩy mạnh tổ chức đón các đoàn Famtrip, Presstrip cho các hãng lữ hành, các hãng truyền hình và nhà báo du lịch quốc tế.
Các ngành phối hợp tăng cường xây dựng các trung tâm thông tin du lịch ở sân bay, ga tàu, cảng Chân Mây và những khu vực thuận lợi trong địa bàn thành phố, nhằm cung cấp kịp thời thông tin các dịch vụ để du khách yên tâm lựa chọn lộ trình, sản phẩm thích hợp khi đến Huế du lịch.
Trong việc đẩy mạnh quảng bá cho du lịch Huế, vai trò của Hiệp hội Du lịch như thế nào, thưa ông?
Cùng với ngành du lịch và các địa phương, Hiệp hội Du lịch đã chủ động, nỗ lực tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp thành viên tích cực tham gia chương trình kích cầu du lịch của hiệp hội nhằm thu hút du khách trong mùa thấp điểm, đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch biển với các tỉnh miền Trung, khai thác tốt sản phẩm liên kết “Ba địa phương - một điểm đến: Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam” và kết nối các doanh nghiệp thành viên.
Hiệp hội đã chủ động kết hợp đón các đoàn đến khảo sát, quảng bá; phối hợp tham gia các hội chợ du lịch trong và ngoài nước; hỗ trợ quảng bá các ấn phẩm, tập gấp, các sản phẩm của doanh nghiệp không có điều kiện tham dự cũng như tham gia các hội thảo về nâng cao năng lực phát triển và quảng bá sản phẩm du lịch cộng đồng, phát triển du lịch trách nhiệm và bền vững, kết nối công tác đào tạo nhân lực...
Minh Hiền (thực hiện)