Du sông trên sông Như Ý
Sông Như Ý đã hơn 300 tuổi, có chức năng chia lũ từ sông Hương, thông thương bằng đường thủy và cung cấp nước cho các cánh đồng của huyện Phú Vang và thị xã Hương Thuỷ. Khi dòng sông uốn lượn qua làng mạc xã Thủy Thanh, người dân nơi đây đã biết tận dụng sự mềm mại của con nước, kết hợp với không gian văn hóa của chợ quê, của chiếc cầu mái ngói "thương gia hạ kiều" đã là di tích cấp quốc gia để tổ chức nhiều trò chơi trên sông.
Tận dụng lợi thế về sự có mặt của cầu ngói Thanh Toàn - chiếc cầu di tích hàng trăm tuổi, của nhà trưng bày nông cụ, đoạn sông Như Ý đi qua khu vực này đã trở thành một trong những điểm dừng chân quen thuộc của du khách khi về với miền quê bình yên này. Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, khi Nhà nước quan tâm cải tạo Đập Đá, khơi thông dòng Như Ý và khắc phục từng bước tình trạng ô nhiễm môi trường trên sông, cải thiện chất lượng nước, người dân làm du lịch cộng đồng xã Thủy Thanh càng có cơ hội mở rộng các hoạt động vui chơi, trải nghiệm trên sông để phục vụ khách du lịch.
Chèo thuyền trên sông Như Ý là một trong những dịch vụ du lịch trải nghiệm đang hấp dẫn du khách khi họ chọn vùng quê này làm điểm đến. Các công ty du lịch, lữ hành trên địa bàn cũng đã phối hợp với người dân địa phương để tổ chức các tour du lịch trải nghiệm này. Đối với người dân Thủy Thanh, trong những nỗ lực tổ chức các hoạt động du lịch cộng đồng, họ không chỉ muốn du khách thăm cầu ngói Thanh Toàn, nhà trưng bày nông cụ, các điểm di tích lịch sử văn hóa tại địa phương, mà còn gần gũi với cuộc sống của người dân bản địa qua các hoạt động trải nghiệm chằm nón, gói bánh tét và chèo ghe đánh bắt tôm, cá trên dòng sông nhỏ.
Đoạn sông Như Ý được tận dụng để tổ chức các hoạt động vui chơi dài khoảng 1 km, con nước rộng khoảng 10m, ôm một bên là đường làng Thủy Thanh, một bên là ruộng của xã Phú Hồ, huyện Phú Vang. Quy mô hiện nay, chính quyền địa phương, người dân và các công ty du lịch, lữ hành đã phối hợp tổ chức được đội thuyền gồm 10 thành viên, trang bị áo phao, lưới cá và một số dụng cụ đánh bắt khác trên sông, phục vụ khoảng 10 đoàn khách nước ngoài đăng ký trải nghiệm mỗi tháng. Đánh giá cao hiệu quả của mô hình trải nghiệm này, thị xã Hương Thủy đang tính đến việc phối hợp với huyện Phú Vang, kiến nghị mở rộng thêm sông Như Ý về phía ruộng đồng xã Phú Hồ, trên đoạn sông dài khoảng 1km đang được tổ chức các hoạt động du lịch nói trên.
Ông Nguyễn Phương Toàn, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Hương Thủy nói: "Đoạn sông Như Ý này đã quá hẹp. Dù được người dân quan tâm nạo vét nhưng lâu ngày vẫn bị bồi lấp. Nhu cầu cấp thiết nhất hiện nay là phải mở rộng lòng sông thêm khoảng 10m để có không gian rộng, thông thoáng và đẹp. Nếu việc mở rộng được thực hiện, trước tiên là dòng sông có thể tăng trữ nước phục vụ nông nghiệp cho người dân trong vùng, khơi thông dòng chảy, cải thiện tích cực môi trường nước, đồng thời trực tiếp phục vụ cho nhu cầu phát triển du lịch trong khu vực, gắn với cầu ngói Thanh Toàn, nhà trưng bày nông cụ và hoạt động chợ đêm".
Ông Nguyễn Mậu Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Thanh kiến nghị: "Trước đây, thị xã Hương Thủy và huyện Phú Vang đã bàn về việc mở rộng khúc sông Như Ý này. Mặc dù các vấn đề liên quan chưa thống nhất cụ thể nhưng phía xã Phú Hồ đồng tình rất cao với chủ trương mở rộng sông để phát triển du lịch trong khu vực, chỉ mong việc mở rộng sẽ áp dụng những chính sách đền bù thỏa đáng cho số bà con có đất ruộng bị ảnh hưởng. Kiến nghị được mở rộng một đoạn sông Như Ý là nguyện vọng chung của bà con trong xã. Nhiều cuộc tiếp xúc cử tri trước đây, bà con đã đề xuất rồi. Chúng tôi mong được các cấp các ngành tạo điều kiện, hướng dẫn địa phương làm những thủ tục cần thiết để việc mở rộng có thể sớm được thực hiện".
Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN