ClockThứ Ba, 13/08/2024 10:47

Phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới

TTH - Phát triển du lịch nông thôn là giải pháp để khơi dậy tiềm năng du lịch của nông thôn, góp phần phát triển kinh tế vùng nông thôn, xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu và bền vững. Việc mở các tuyến, điểm du lịch nông thôn mặc dù đã triển khai nhưng để tạo ra hiệu quả thì vẫn còn nhiều việc để làm.

Du lịch nông nghiệp, nông thôn - kỳ 1: Tiềm năng lớn còn bỏ ngỏDu lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới

 Hướng dẫn cho khách tham quan ở làng cổ Phước Tích

Khoác áo mới cho nông thôn bằng du lịch

Tranh thủ con cái nghỉ hè, gia đình anh Trần Đình Thành (Quảng Trị) đưa con về Huế vừa thăm quê ngoại, vừa du lịch. Dẫn các con về Cầu ngói Thanh Toàn, anh Thành đăng ký cho con tham gia chương trình trải nghiệm làm nông dân với các hoạt động trải nghiệm làm vườn, bắt cá. Đời sống thôn dã được tái hiện qua các hoạt động du lịch khiến các con anh rất thích. Anh bảo: “Cuộc sống người dân miền quê tuy đã đổi khác, nhưng những đặc trưng của vùng nông thôn thì vẫn còn đó và được người dân sử dụng làm chất liệu phát triển du lịch. Trải nghiệm những điều này thực sự rất thú vị”.

Phát triển du lịch nông thôn được nhiều địa phương trong cả nước xác định là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm. Tại Huế, các địa phương từ miền xuôi đến miền ngược đã chú trọng phát triển du lịch nông thôn, dựa trên thế mạnh, tài nguyên thiên nhiên và bản sắc riêng. Tuy nhiên, một số tuyến, điểm du lịch nông thôn dù đã xuất hiện, nhưng nếu đem so sánh thì vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, đặc biệt về lượng khách.

Bà Cái Thị Duyên, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Hương Thủy trăn trở: “Mặc dù chính quyền địa phương và ngành chức năng rất tâm huyết, chú trọng phát triển các mô hình du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch ở các vùng nông thôn có tiềm năng nhưng thực tế vẫn còn nhiều khó khăn và hạn chế. Đó là cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật du lịch vẫn còn thiếu đồng bộ; hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch còn mang tính tự phát; chưa hình thành được nhiều tour tuyến với sự tham gia của doanh nghiệp lữ hành để khai thác sản phẩm du lịch. Để phát triển du lịch nông thôn, cần thực hiện nhiều giải pháp, từ kêu gọi đầu tư, liên kết các bên để xây dựng các sản phẩm du lịch và tăng cường công tác quảng bá”.

Để du lịch nông thôn phát triển

Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, cả nước có 73 tuyến du lịch có dẫn khách đến các điểm du lịch nông thôn, có 365 điểm du lịch nông thôn. Các loại hình du lịch nông thôn chủ đạo hiện nay là du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng… Tuy nhiên, du lịch nông thôn chủ yếu quy mô nhỏ, do các doanh nghiệp, hộ gia đình, tổ hợp tác cung cấp. Mô hình tổ chức du lịch nông thôn chủ yếu mang tính chất tự phát. Các cơ chế, chính sách quản lý đối với mô hình du lịch nông thôn và bảo đảm liên kết chuỗi du lịch nông thôn gắn với các công ty lữ hành còn nhiều kẽ hở…

Thừa Thiên Huế xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và có nhiều chính sách phát triển du lịch. Vừa qua, ngày 25/3/2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 136/KH-UBND triển khai Quyết định số 922/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương. Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025, phấn đấu phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn. Mỗi huyện, thị xã, thành phố Huế có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương và xây dựng từ 1 đến 2 sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, thu hút khách du lịch. Trên 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số… Đây là một trong những cơ sở quan trọng để thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn ở các địa phương.

Để gắn kết phát triển du lịch với chương trình xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, địa phương cần phải thực hiện tốt quy hoạch phát triển du lịch nông thôn đồng bộ với quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, cần chú trọng khai thác chuỗi giá trị du lịch trên cơ sở liên kết với các ngành, nghề, dịch vụ liên quan nhằm cung cấp đa dạng các trải nghiệm, thu hút, tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của du khách trong và ngoài nước… Bên cạnh đó, chính quyền địa phương và các đơn vị, ngành liên quan cần tiếp tục thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và phát triển hạ tầng nông thôn, tạo điều kiện để người dân, các trang trại, hợp tác xã, các địa phương khai thác lợi thế phát triển du lịch, góp phần thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, ngành du lịch luôn tạo mọi điều kiện, khuyến khích và hướng dẫn các địa phương phát triển các mô hình du lịch phù hợp, qua đó thay đổi bộ mặt nông thôn và nâng cao đời sống người dân. Sở cũng có nhiều chương trình tập huấn, đưa các hộ kinh doanh, người làm du lịch đi học tập các mô hình kinh nghiệm, đồng thời hỗ trợ các địa phương, đơn vị trong công tác truyền thông, quảng bá điểm đến du lịch.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển du lịch thông qua liên kết công nghiệp văn hóa

Nguồn tài nguyên văn hóa phong phú của Huế chính là nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch, góp phần đưa du lịch Cố đô trở thành tiềm năng lớn của nền công nghiệp văn hóa. Trong mối liên kết để phát triển, Huế đang có kế hoạch triển khai nhiều giải pháp để phát triển công nghiệp văn hóa gắn với các sản phẩm du lịch.

Phát triển du lịch thông qua liên kết công nghiệp văn hóa
OCOP gia tăng giá trị trong xây dựng nông thôn mới

OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Đây là giải pháp quan trọng trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, đưa nhiệm vụ xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

OCOP gia tăng giá trị trong xây dựng nông thôn mới
Phát huy sức mạnh liên kết vùng để phát triển du lịch

Chiều 27/11, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế phối hợp với Sở Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Du lịch các tỉnh, thành phố: Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam tổ chức hội nghị tổng kết liên kết phát triển du lịch năm 2024 và triển khai kế hoạch liên kết hợp tác phát triển du lịch năm 2025.

Phát huy sức mạnh liên kết vùng để phát triển du lịch
Hợp tác phát động khách du lịch sử dụng sản phẩm bay đêm

Sáng 19/7, Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh phối hợp các đơn vị tổ chức hội nghị họp bàn về đề nghị của Tổng công ty hàng không Việt Nam (TCTHKVN) mời hợp tác phát động khách du lịch sử dụng sản phẩm bay đêm. Hội nghị có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp.

Hợp tác phát động khách du lịch sử dụng sản phẩm bay đêm

TIN MỚI

Return to top