ClockThứ Ba, 04/01/2022 06:30

Thêm đặc trưng cho du lịch Huế

TTH - Huế có những đặc trưng, mà khi đồng bộ và nâng tầm sẽ tạo sự khác biệt, độc đáo và hấp dẫn.

Thu hút đầu tư vào du lịch, cơ chế & còn hơn thế nữa - Kỳ 1: Thắp đuốc tìm “sếu” đầu đàn

Những nét đặc trưng riêng luôn có sức hút với du khách

Chưa được chú trọng

Thời gian gần đây, ai đi qua ngã 5: Hà Nội, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Hoa Thám, Ngô Quyền và Lý Thường Kiệt sẽ rất bất ngờ và chú ý khi tại đoạn dừng đèn đỏ ở đường Hà Nội (hướng từ Trung tâm thương mại Vincom đến cầu Phú Xuân) sẽ thấy một cánh cổng lớn mang đường nét truyền thống đặc trưng nằm trước một tòa cao ốc sang trọng đang được hoàn thiện. Có ý kiến cho rằng, cánh cổng này không phù hợp trong không gian hiện đại như thế.

Mang những ý kiến này trao đổi với nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa, ông nhận định, đó là hình ảnh rất riêng trong xây dựng đô thị của Huế. Vì sao lại nói không phù hợp? Trong tốc độ phát triển của đô thị, nét truyền thống vẫn được gìn giữ và phát huy đó là điều đáng trân trọng. Những đường nét truyền thống làm mềm mại cho những không gian hiện đại; nét điểm xuyết cho một đô thị độc đáo nếu có sự đồng bộ.

Ở một diễn biến khác khi những ngày gần đây, giới du lịch bàn tán khá nhiều về phố đêm mới ở khu vực quanh Đại Nội sẽ hoạt động vào đầu năm 2022. Khá nhiều người góp ý là trong không gian cổ kính như ở phố đêm này, cần trang trí hợp lý đèn lồng Huế để vừa tăng sự lung linh cho không gian, vừa giới thiệu quảng bá được nghệ thuật làm đèn lồng ở Huế.

 Du khách đến Huế và luôn ấn tượng với văn hóa truyền thống

Nói đến đèn lồng, giới du lịch thẳng thắn đánh giá, đèn lồng Huế lâu nay “thua trên sân nhà” vì sự lấn át của những loại đèn lồng khác trên thị trường. Các cơ sở sản xuất đèn lồng ở Huế ít, những loại mẫu mã đẹp lại có chi phí cao, nên khi dẫn tour, rất ít khách chọn đèn lồng Huế. Cũng phải nói, thông tin về đèn lồng Huế rất hạn chế, tại các cơ sở bán hàng lưu niệm cũng ít trưng bày, giới thiệu.

Lại nói về các sản phẩm truyền thống đặc trưng, có thể trở thành quà lưu niệm phục vụ du khách, ở Huế gần như ít được đầu tư khâu giới thiệu sản phẩm. Anh Nguyễn Văn Mạnh, một hướng dẫn viên du lịch cho rằng, ở các địa phương có du lịch phát triển, gần như nơi nào cũng có một trung tâm giới thiệu sản phẩm, có nơi được đầu tư thành bảo tàng. Khi khách vào các nơi này sẽ tìm hiểu và có thể mua hàng trực tiếp. Ở Huế làng nghề nhiều, sản phẩm cũng phong phú, nhưng chưa triển khai theo hướng đó.

Cần có chiến lược

Ông Nguyễn Đức Tiến, Giám đốc Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài tâm đắc, Huế có rất nhiều đặc trưng riêng mà ở nhiều vùng miền khác không có. Đặc biệt, ông ấn tượng bởi sự thân thiện của người dân xứ Huế. Theo ông, đặc trưng này cần được nâng tầm thành sản phẩm. Do đó, riêng Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài đang quyết tâm để đào tạo kỹ năng giao tiếp, phong cách cho nhân viên, gây ấn tượng với khách hàng bằng đặc trưng này.

Theo ông Tiến, qua nghiên cứu tâm lý học, khi khách đến nơi nào đó, hành trình trên máy bay mệt mỏi mà khi xuống không có sự thoải mái, nhân viên sân bay không niềm nở, không có nụ cười sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh. Khi khách kết thúc hành trình cũng thế, du khách đã rất ấn tượng cả hành trình đi du lịch, nhưng khi ở sân bay để trở về nhà nhận được những cử chỉ, hành động không được thân thiện sẽ tạo ấn tượng không tốt đối với khách cho cả chuyến đi. Chúng tôi đang phối hợp với ngành du lịch Huế để cùng nhau xây dựng một điểm đến đặc trưng, thân thiện và mến khách. Đây là giải pháp để phát triển du lịch Huế, cũng là giải pháp phát triển ngành hàng không.

Trở lại vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa chia sẻ, ông đã từng qua Kyoto, Cố đô của Nhật Bản. Huế được đánh giá có những nét tương đồng với thành phố này. Khi qua đây, ông đã rất bất ngờ khi những đô thị, những dãy phố hiện đại, nhưng lối kiến trúc ở những cánh cổng và bên ngoài lại mang dáng dấp truyền thống.

“Tôi nghĩ rằng giới kiến trúc sư, các cơ quan quản lý Nhà nước ở Huế về kiến trúc nên có những đầu tư, chương trình nghiên cứu để có chính sách, hình thành những mẫu mã về kiến trúc nhà ở, mẫu cổng nhà để người dân lựa chọn trong những mẫu mã được công bố. Đối với khu vực gần với các di tích, gần với công trình kiến trúc truyền thống, cần tạo điều kiện và khuyến khích người dân xây dựng theo các kiến trúc truyền thống. Khi đó, sẽ có một đô thị “rất Huế”, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa đề xuất.

Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị đã định hướng rất rõ phát triển tỉnh nhà dựa trên văn hóa, di sản. Mới đây, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, mạch nguồn “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” tiếp tục được nhấn mạnh. Với những gì Huế đang có, giới chuyên môn đánh giá, nếu bảo tồn và phát huy giá trị tốt, trong tương lai gần Huế sẽ trở thành bảo tàng kiến trúc truyền thống. Công trình kiến trúc, đặc biệt là những cánh cổng, cửa ngõ như là lời mời chào, biểu thị những gì đặc trưng nhất của vùng đất Cố đô.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho rằng, thách thức trong bảo tồn và phát huy các công trình kiến trúc truyền thống sẽ càng lớn khi tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng, đặc biệt khi thành phố được mở rộng. Do đó, quy hoạch phát triển đô thị cần lưu ý gìn giữ, bảo vệ các kiến trúc truyền thống, kể cả không gian sống, để không bị lấn át, đè nén. Song song với đó, ngành văn hóa đang tổng kiểm kê các kiến trúc truyền thống để khuyến nghị bảo tồn và phát huy giá trị tốt hơn, xem đây là yếu tố quan trọng trong quy hoạch văn hóa trong tương lai.

Bài, ảnh: Quang Sang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Huế đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2025

Trong khuôn khổ lễ bế mạc Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024 vào tối 22/12, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong và lãnh đạo tỉnh Điện Biên đã trao cờ đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2025 cho tỉnh Thừa Thiên Huế.

Huế đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2025
Phát triển du lịch thông qua liên kết công nghiệp văn hóa

Nguồn tài nguyên văn hóa phong phú của Huế chính là nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch, góp phần đưa du lịch Cố đô trở thành tiềm năng lớn của nền công nghiệp văn hóa. Trong mối liên kết để phát triển, Huế đang có kế hoạch triển khai nhiều giải pháp để phát triển công nghiệp văn hóa gắn với các sản phẩm du lịch.

Phát triển du lịch thông qua liên kết công nghiệp văn hóa
Hương Trà tập trung các nguồn lực phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới

Năm 2024, Hương Trà đã tập trung tháo gỡ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm như: Quảng trường và Nhà văn hóa trung tâm thị xã, chỉnh trang tuyến QL1A (Hương Văn - Hương Chữ), đường ven sông Bồ, chợ đầu mối Bình Điền, các tuyến đường nối với QL1A, xây dựng hệ thống trường học đạt chuẩn quốc gia…

Hương Trà tập trung các nguồn lực phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới
Lan tỏa vẻ đẹp Huế từ hộ chiếu du lịch

Ngành du lịch Huế đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động du lịch, tăng trải nghiệm cho du khách khi đến Huế. Sau thành công của hoạt động ra mắt hộ chiếu du lịch Huế - Hue City Passport 2023, ngành du lịch Huế đang đẩy mạnh việc tổ chức các hoạt động lan tỏa vẻ đẹp Huế từ hộ chiếu du lịch.

Lan tỏa vẻ đẹp Huế từ hộ chiếu du lịch

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top