ClockThứ Năm, 10/08/2017 13:51

Thi logo & slogan du lịch Huế: Đừng để tái diễn kịch bản cũ

TTH - Đã từng hai lần tổ chức cuộc thi sáng tác logo và slogan du lịch Huế, nhưng cả hai lần đều thất bại, không công bố kết quả của cuộc thi.

Du khách khám phá di sản Huế

Phát động rồi… để đó

Đến thời điểm hiện tại, du lịch Huế vẫn chưa có logo. Trong khi đó, câu slogan "Huế - một quê hương của hạnh phúc" được cho chưa phù hợp và thiếu thực tế với du lịch Huế. Có nhiều giải pháp được ngành du lịch triển khai nhằm tìm kiếm logo và slogan; trong đó, tổ chức các cuộc thi luôn được ưu tiên lựa chọn. Ngoài mục tiêu tìm được logo, slogan phù hợp, các cuộc thi còn tạo ra hiệu ứng xã hội, góp phần quảng bá du lịch Huế.

Sở Du lịch cho biết, hai lần tổ chức cuộc thi logo và slogan trước đây là vào năm 2013 và 2014. Cũng như cuộc thi năm nay, hai cuộc thi trước được lên kế hoạch rất cụ thể, có yêu cầu rõ các nội dung cho thí sinh dự thi. Giải thưởng cũng khá cao, 20 triệu đồng cho mỗi giải nhất. Tác phẩm đạt giải cao nhất sẽ được lựa chọn làm logo, định dạng thương hiệu cho du lịch Huế. Nhưng cả hai cuộc thi đều thất bại, thậm chí còn không công bố kết quả.

Ông Trần Viết Lực, Trưởng phòng Nghiên cứu Phát triển du lịch, Sở Du lịch cho hay, các cuộc thi này đều nhận sự quan tâm rất lớn của người dân và giới chuyên môn. Nhưng rồi cả hai lần tổ chức đều không có kết quả cuối cùng. Tác phẩm gửi về khá nhiều, qua các giai đoạn lựa chọn, một số tác phẩm tốt nhất được vào đến vòng cuối. Nhưng ở vòng cuối, khi chấm, các thành viên ban giám khảo là những nhà nghiên cứu văn hóa, họa sĩ có danh tiếng ở Huế nảy sinh bất đồng. Mỗi người mỗi ý kiến, cuối cùng không chọn được tác phẩm, cũng chẳng có buổi lễ công bố và trao giải.

Sau hai lần “vỡ trận”, ngành du lịch thay hình thức để tìm kiếm logo, slogan cho du lịch Huế. Thay vì tổ chức các cuộc thi, ngành du lịch đã thuê đơn vị thiết kế. Gửi các yêu cầu đến đối tác, kết quả có 5 mẫu logo để lãnh đạo ngành và giới chuyên môn lựa chọn. Nhưng rồi kịch bản lặp lại, đưa 5 mẫu ra lựa chọn, mẫu nào cũng bị chê. Rồi cũng không chọn được logo cuối cùng.

Ông Trần Viết Lực bày tỏ, không phải ngành không muốn tổ chức cuộc thi và công bố kết quả, hay thuê thiết để có logo chính thức. Nhiều người không làm, nhưng cứ thấy người khác làm được lại chê ngược, chê xuôi. Trong khi đó, đề nghị góp ý để thay đổi cho phù hợp hơn lại không tham gia.

Sẽ sử dụng dù có thể chưa hoàn hảo

Để “chữa cháy”, mỗi lần tham gia quảng bá ở các hội chợ, ngành du lịch phải lấy logo của TP. Huế, gần đây hơn thì dùng logo chung của ba địa phương Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam. Điều này khiến doanh nghiệp và du khách không biết thương hiệu chính của du lịch Huế là gì.

Logo luôn thể hiện đặc trưng của du lịch của mỗi địa phương, riêng Huế, ngành du lịch đã xác định văn hóa – di sản là sản phẩm chính và lấy các sản phẩm khác làm vệ tinh. Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch khẳng định, sớm tìm được logo du lịch là việc làm cấp thiết. Qua cuộc thi, tác phẩm được giải cao nhất sẽ được chọn làm logo chính thức của du lịch Huế trong thời gian đến. Dựa trên nền tảng những gì du lịch Huế đang có và định hướng phát triển trong những năm tới, ngành sẽ quyết tâm chọn được logo, dù tác phẩm đó có thể chưa hoàn hảo nhất.

Lãnh đạo Sở Du lịch cũng cho hay, sẽ có nhiều ý kiến trái chiều đối với các tác phẩm. Tuy nhiên, điều mà ngành du lịch khẳng định là logo và slogan không phải là duy nhất và xuyên suốt cho cả quá trình phát triển. Khi sử dụng logo của cuộc thi, qua thời gian, du lịch Huế có những thay đổi và hướng phát triển mới thì logo và slogan sẽ có sự điều chỉnh để phù hợp hơn.

Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch (đơn vị thường trực cuộc thi) cho hay, thông qua cuộc thi, ngành du lịch còn mong muốn tạo ra một hiệu ứng xã hội cao hơn; qua đó, tăng cường khả năng quảng bá cho du lịch Huế. Khi nhiều người, ở khắp mọi nơi cùng tham gia sáng tác logo, slogan, phim quảng bá thì vô hình chung họ phải tìm hiểu về du lịch Huế có những gì hấp dẫn. Từ những người này sẽ lan tỏa ra mọi người xung quanh họ.

Ông Nguyễ Đình Ân, Giám đốc Công ty du lịch Huế Của Ta góp ý, đối với logo và slogan luôn có gắn kết và không thể tách với nhau. Logo sẽ dựa trên ý nghĩa của slogan và bổ sung thêm cho ý nghĩa đó. Nếu được, ban tổ chức cần khuyến khích mỗi tác giả sáng tác câu slogan và dựa trên đó sáng tác thêm logo. Hoặc tổ chức công bố câu slogan trước, sau đó tổ chức thi logo dựa trên câu slogan sẽ hợp lý và đạt hiệu quả cao hơn.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế

Hội thảo khoa học "Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế" do Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) tổ chức chiều 22/11 tại TP. Huế. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm; Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân, cùng đại diện lãnh đạo các sở ban ngành, đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu tham dự.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế
Âm nhạc “bắt tay” du lịch

Du lịch âm nhạc đã trở thành loại hình du lịch phổ biến và phát triển ở nhiều quốc gia tại châu Âu và châu Á. Ở Việt Nam, xu hướng thưởng thức âm nhạc kết hợp với du lịch đang dần được công chúng đón nhận và Huế đã có nhiều động thái để phát triển loại hình du lịch này.

Âm nhạc “bắt tay” du lịch
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam

Hơn 100 hình ảnh, tài liệu, trong đó có nhiều tài liệu lần đầu tiên đã được giới thiệu, công bố đến công chúng tại triển lãm chuyên đề “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam”, khai mạc sáng 15/11 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế (7 Lê Lợi, TP. Huế).

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top