ClockThứ Năm, 26/11/2020 06:30
PHÁT TRIỂN KINH TẾ BAN ĐÊM:

Thời cơ & thách thức – kỳ 1: Đơn điệu dịch vụ, thành phố yên ắng sau 10 giờ đêm

TTH - Ngày 27/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam”. Theo đó, Chính phủ cho phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6 giờ sáng hôm sau tại một số điểm, khu du lịch ở các tỉnh, thành phố, trung tâm du lịch lớn; trong đó có Thừa Thiên Huế, trước khi nhân rộng ra các địa phương khác. Những nút thắt sẽ được tháo gỡ, cùng với đó có thêm những cơ chế đặc thù mới để phát triển, nhưng quan trọng với Huế là sẽ làm như thế nào và tận dụng các chính sách ở mức nào để biến kinh tế ban đêm thật sự là động lực của cả nền kinh tế.

Sẽ khai thác các tuyến phố đi bộ về đêm để phát triển dịch vụ du lịch“Kinh tế du lịch đêm”Du lịch Huế về đêm, có gì?

Các lễ hội, hoạt động đêm ở Huế có tổ chức nhưng còn ít ỏi

Dù được xác định phát triển từ khá lâu, nhưng đến nay kinh tế đêm ở Huế chưa phát triển, nguồn thu từ dịch vụ ban đêm chiếm tỷ trọng rất thấp trong toàn ngành, chưa giải quyết thêm việc làm cho người dân.

Thừa đặc trưng, nhưng thiếu chỗ vui chơi

TS. Trần Xuân Châu, Bộ môn Kinh tế chính trị Việt Nam, Trường ĐH Kinh tế Huế phân tích, trước hết, cần được khẳng định, kinh tế ban đêm là một thành phần quan trọng tương đương với kinh tế ban ngày. Trong khi kinh tế ban ngày thiên về sản xuất, thì ban đêm là tiêu dùng, dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống, mua sắm. Ở nhiều quốc gia, việc cân đối tốt giữa kinh tế ngày và đêm khiến dòng tiền được luân chuyển liên tục, tạo tính năng động cho nền kinh tế.

Chủ thể mà kinh tế đêm hướng đến, đầu tiên phải là người dân, thường chiếm đến 60 – 70% mức tiêu dùng dịch vụ ở một số địa phương có kinh tế đêm phát triển, chứ không chỉ là khách du lịch, điều mà khá nhiều người đang nhìn nhận. Trong khi đó, vào ban ngày người dân bận rộn với công việc nên những chi tiêu về mua sắm, giải trí, ăn uống phần lớn sẽ dành vào ban đêm.

Thị trường tiêu dùng nội tỉnh được phân chia thành hai nhóm khách, những nhóm khách có mức thu nhập từ khá trở lên sẽ mua sắm ở các cửa hàng có thương hiệu, ăn uống, giải trí bằng xem phim, nghe nhạc. Còn phân khúc bình dân hơn, chuộng mua sắm ở các chợ truyền thống, các chợ đêm với giá rẻ. Dịch vụ cũng khá đơn giản, chủ yếu ăn uống, những điểm vui chơi không tốn phí, hoặc phí thấp.

Đại Nội về đêm ở Huế là dịch vụ đêm với mục tiêu giữ chân khách nhưng chưa thành công và chưa đóng góp nhiều cho du lịch Huế

Có thể thấy các hoạt động, dịch vụ ban đêm ở Huế đang thiếu hụt và chưa đáp ứng được nhu cầu. Hệ thống chợ đêm để phục vụ người dân trong tỉnh chưa có, những điểm vui chơi tập trung cũng chưa thể hình thành. Nhiều năm qua, thỉnh thoảng vẫn hình thành nên những điểm vui chơi ở Quảng trường Ngọ Môn, Trung tâm Văn hóa TP. Huế, gần đây là Công viên Thương Bạc… thu hút rất đông người dân, nhưng mang tính tự phát nên hoạt động không lâu dài. Do đó, tập tính sinh hoạt của người dân bao năm qua vẫn chưa có nhiều thay đổi, sau 9 – 10 giờ đêm, hầu hết các tuyến phố đã yên ắng và “chìm” vào giấc ngủ.

Đối với dịch vụ hướng đến khách du lịch, câu chuyện Huế đơn điệu, thiếu dịch vụ vào ban đêm để phục vụ và giữ chân khách được đề cập nhiều lần. Trong một phân tích các chỉ số cuối năm 2019, trung bình mỗi đêm Huế phục vụ khoảng 10 ngàn khách lưu trú. Cộng tất cả các dịch vụ ca Huế, các chương trình nghệ thuật, xem phim… mà khách sử dụng, có khoảng 7.000 khách không sử dụng dịch vụ gì vào ban đêm. Suốt nhiều năm, ở Huế không có thêm nhiều dịch vụ mới, nhìn chung, ban đêm ở Huế vẫn chỉ có phố đi bộ Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An, Võ Thị Sáu hoạt động 3 đêm cuối tuần, phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu kết nối với cầu đi bộ trên sông Hương, ca Huế trên sông Hương.

Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch nhìn nhận, nhìn tổng thể, mức độ lan tỏa, tạo điểm nhấn, đem lại giá trị về kinh tế đối với du lịch về đêm chỉ ở mức nhỏ lẻ, đơn điệu, chưa hấp dẫn, chuyên nghiệp, nhất là thiếu dịch vụ tại các điểm đến, có hoạt động phải tạm dừng để điều chỉnh như Đại Nội về đêm, đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu... Chưa khai thác hết những giá trị văn hóa, con người để phát huy, khai thác phát triển kinh tế du lịch ban đêm, nhất là Quần thể Di tích Cố đô Huế và các dịch vụ, hoạt động dọc hai bờ và lòng sông Hương. Đây chính là một trong những lý do du khách ít quay trở lại Huế vì chúng ta còn thiếu sản phẩm du lịch hấp dẫn, thiếu dịch vụ hay vui chơi giải trí vào khoảng thời gian từ đêm tới sáng.

Việc đầu tư các sản phẩm và dịch vụ về đêm chưa chuyên nghiệp, quy mô khai thác còn mang tính nhỏ lẻ. Điều này cũng là nguyên nhân dẫn đến sự thiếu và yếu các dịch vụ du lịch được triển khai, phục vụ khách du lịch trên địa bàn tỉnh. Trên địa bàn còn thiếu những nhà đầu tư lớn, mang tính dẫn dắt, tạo điểm nhấn để thúc đẩy phát triển cả khu vực cũng là thực tế đối với phát triển dịch vụ du lịch Huế trong thời gian qua. Một số nguyên nhân khác như điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thói quen văn hóa, hạ tầng kỹ thuật,… cũng ít nhiều tác động trong việc phát triển dịch vụ về đêm.

“Mỏ vàng” bị bỏ quên

Trong quyết định của Thủ tướng phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam” đã có đánh giá, kinh tế ban đêm ngày càng chiếm tỉ trọng lớn trong nhiều nền kinh tế trên thế giới. Ở nhiều điểm du lịch nổi tiếng, cuộc sống về đêm mới là điểm nhấn thú vị cho du khách và cũng là “mỏ vàng” cho các địa phương. Phát triển kinh tế ban đêm để thúc đẩy tiêu dùng trong nước và phát triển du lịch, thông qua tập trung phát triển lĩnh vực dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí, dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm và du lịch.

Trong nhiều lần góp ý phát triển du lịch cho Huế, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Vietravel cho rằng, không có sản phẩm ban đêm thì khó có thể giữ chân được khách, không tạo thêm nguồn thu cho người dân địa phương, cũng như đóng góp ngân sách cho Nhà nước. Trong du lịch về đêm, chợ đêm và phố đi bộ đang được xem là sản phẩm phù hợp với môi trường, địa phương và thói quen mua sắm của du khách.

“Thực tế cho thấy, Huế đang tập trung phát triển các sản phẩm du lịch trong khoảng thời gian từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều nhưng những sản phẩm này chỉ mang lại khoảng 30% doanh thu dịch vụ. Trong khi đó, 70% còn lại là các sản phẩm dịch vụ thu được từ 6 giờ tối hôm trước đến 2 giờ sáng hôm sau lại không phát triển. Do đó, cần phải thay đổi nhận thức, quan điểm về việc phát triển các sản phẩm du lịch đêm sao cho hiệu quả. Nếu có chính sách đột phá, tạo cơ chế tốt để người dân mạnh dạn đầu tư thì kinh tế ban đêm sẽ phát triển”, ông Kỳ nhấn mạnh.

Việc đơn điệu, nghèo nàn dịch vụ ban đêm kéo theo hai yếu điểm của du lịch Huế lâu nay mà cho đến cuối năm 2020 vẫn chưa có lời giải là khách ở lại ít và mức chi tiêu của khách vẫn chưa tăng. Đặt trong mối tương quan với các điểm đến trong khu vực về lưu trú qua đêm, Huế là địa phương được ưu tiên sau cùng.

Theo TS. Trần Xuân Châu, dòng tiền ít xoay vòng, chi tiêu trong dân ít là yếu tố khiến mức sống của Huế thấp hơn so với các nơi khác. Việc phát triển kinh tế đêm sẽ nâng mức chi tiêu nhanh. Kinh tế đêm cũng sẽ tạo ra những việc làm mới cho nhiều người dân, nhất là bộ phận lao động thu nhập thấp.

Chia sẻ trong một diễn đàn bàn về phát triển kinh tế đêm Việt Nam, chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, vai trò của kinh tế đêm rất quan trọng, ngoài tăng nguồn thu trực tiếp cho ngân sách Nhà nước thông qua thuế, kinh tế ban đêm còn cho thấy thành phố đó có tiềm năng để đầu tư hay không. Bởi một thành phố có kinh tế ban đêm sôi động cũng là lợi thế để thu hút các nhà đầu tư.

Phố đi bộ Phạm Ngũ Lão - Chu Văn An - Võ Thị Sáu được đưa vào khai thác từ cuối năm 2017. Tại phố đi bộ, các hoạt động được phép hoạt động từ 18 giờ đến 2 giờ sáng hôm sau (vào các ngày thứ 6, thứ 7) và từ 18 giờ đến 24 giờ (tối chủ nhật). Từ khi ra đời đến nay, phố đi bộ cơ bản tạo ra diện mạo về một thành phố năng động, thành phố đã ngủ muộn hơn. Nhiều người dân tham gia kinh doanh dịch vụ, từ đó nguồn thu nhập ổn định đều đặn, góp phần phát triển kinh tế cho địa phương.

Bài, ảnh: Đức Quang

Kỳ 2: Phá băng tâm lý & quy hoạch chi tiết cụm điểm

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thất vọng & để hy vọng…

Trong một tương lai gần, đi dưới tán rừng Bạch Mã, du khách sẽ được chiêm ngắm, được hít căng lồng ngực mùi hương nồng nàn tỏa ra từ những nhánh lan rừng đang bung nở, đang đong đưa đùa vui với nắng, với gió. Hy vọng sẽ là vậy…

Thất vọng  để hy vọng…
Du lịch đồng hành cùng văn hóa di sản

Du lịch là ngành công nghiệp, dĩ nhiên trước hết mang lại lợi nhuận, đóng góp lớn trong ngành kinh tế của tỉnh. Song hành với đó cũng là quảng bá các di sản thiên nhiên, văn hóa, di sản của tiền nhân để lại. Đây cũng là cách quảng bá cho một vùng đất tươi đẹp, thân thiện, giàu tri thức và tiềm năng đến với cả nước và thế giới.

Du lịch đồng hành cùng văn hóa di sản
Tạo sức bật từ năm du lịch quốc gia

Năm 2025, Thừa Thiên Huế được chọn để đăng cai tổ chức năm du lịch quốc gia. Đây là cơ hội để ngành du lịch Cố đô kết nối và tạo được dấu ấn, khai thác hết tiềm năng, lợi thế, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Tạo sức bật từ năm du lịch quốc gia
Hình thành nhiều sản phẩm du lịch mới

Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 03 của Thành ủy về phát triển du lịch, dịch vụ (DLDV), trọng tâm là phát triển, hoàn thiện dịch vụ, du lịch về đêm, ẩm thực Huế (viết tắt là Nghị quyết 03), nhiều sản phẩm du lịch mới trên địa bàn thành phố hình thành, chất lượng dịch vụ ngày càng nâng lên đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách.

Hình thành nhiều sản phẩm du lịch mới
Gắn kết văn hóa và du lịch, tăng tốc phát triển

Thừa Thiên Huế đang nỗ lực xây dựng và phát triển xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch. Ngành du lịch cùng các ban, ngành, đơn vị liên quan đang cố gắng tăng tốc để đạt được mục tiêu của Nghị quyết 04-NQ/TU đã được Tỉnh ủy ban hành.

Gắn kết văn hóa và du lịch, tăng tốc phát triển

TIN MỚI

Return to top