Chợ đêm cầu ngói Thanh Toàn thu hút du khách. Ảnh: TH
Cách đây một năm, sau khi tìm hiểu các con số liên quan đến du lịch – đó là lượt khách đến Huế và doanh thu của ngành trong một năm, tôi có viết một bài với tựa đề: “Mỗi khách đến Huế tiêu bao nhiêu tiền?”. Các con số tôi tìm hiểu cho thấy, trong năm 2018, mỗi khách đến Huế tạo ra doanh thu khoảng 1 triệu đồng.
Nếu thực tế diễn ra đúng như điều ông Kỳ cho biết, và đúng cả với Huế (giả sử) thì, đêm, mỗi du khách tạo ra cho Huế 700.000 đồng. Năm 2018, Huế đón 4,1 triệu lượt khách, cứ thế nhân lên đã là một con số không hề nhỏ.
Tôi nghĩ rằng, con số 70% ông Kỳ, một nhà làm du lịch đầy kinh nghiệm đưa ra, chưa hẳn là một con số tuyệt đối, bất di bất dịch… nhưng điều ông muốn nhấn mạnh, có lẽ là, thời gian về đêm là một thời gian hết sức quan trọng đối với ngành du lịch (nghiệm trong thực tế ở Huế và nhiều điểm đến du lịch hấp dẫn khác, chúng ta cũng thấy được điều này). Chúng ta khai thác hiệu quả khung thời gian này sẽ nâng cao được doanh thu của ngành du lịch. Mà muốn khai thác tốt thì phải tạo ra những sản phẩm du lịch về đêm, “nhử” cho khách phải tiêu tiền.
Chúng ta xem thử về đêm sản phẩm du lịch Huế có gì để tạo ra doanh thu? Lưu trú thì đúng rồi. Tuy nhiên, gói lưu trú phải chia cho cả ngày nữa. Cứ giả sử là 50 – 50, với ước chừng 2 ngày lưu trú bình quân/lượt khách thì Huế đã thu cũng “bộn tiền”. Làm sao kéo du khách ở Huế lâu hơn, thì riêng khoản này chúng ta cũng đã tăng doanh thu đáng kể. Những năm gần đây, các cơ sở lưu trú ở Huế chẳng những tăng trưởng về số lượng mà còn chất lượng, nghĩa là, chúng ta thu cũng được nhiều tiền hơn và mang tính cạnh tranh hơn.
Đó là chuyện ở. Còn chuyện ăn, chuyện “chơi” và mua sắm thì sao?
Nhìn nhận một cách khách quan, những mảng này những năm gần đây có những chuyển biến đáng kể. Huế mọc lên nhiều nhà hàng, hàng quán, cửa hàng, cửa hiệu, những khu phố chuyên doanh, tuyến phố đi bộ… phục vụ cho những nhu cầu này. Tuy nhiên, có vẻ như nó đang thiên về phục vụ cho nhu cầu khách nội tỉnh, nội địa là chủ yếu. Gọi là khu phố Tây nhưng chủ yếu là “ta”. Dường như khách chỉ hưởng thụ việc ăn chủ yếu là gói gọn trong các khách sạn. Cũng chẳng sao, miễn là có được doanh thu từ việc phục vụ chuyện ăn cho du khách; nhưng nếu hình thành được những tuyến phố ẩm thực mang tính đặc trưng sẽ tốt hơn nhiều. Tôi có dịp đi du lịch một số nơi, thấy họ hình thành các khu chợ đêm rất nhộn nhịp, cũng là một cách để chúng ta học tập. Nghe bảo rằng, Huế đã có một dự án chợ đêm nhưng chưa biết bao giờ hình thành. Trước khi dự án này thực thi một cách bài bản, có lẽ thử nghiệm chợ đêm ở một không gian nào đó. Khu Thương Bạc chăng? Nơi đây đã hình thành lễ hội ẩm thực, hội chợ cũng khá nhộn nhịp mỗi khi tổ chức. Hay là nâng tầm chợ đêm cầu ngói Thanh Toàn?
Nhiều nước có một cách “chơi đêm” rất thu hút khách và thu bộn tiền đó là thưởng thức âm nhạc và nhạc nước. Âm nhạc thì chúng ta có một tài sản âm nhạc cung đình, ca Huế. Vấn đề là khai thác như thế nào cho có hiệu quả cao nhất mà thôi. Nhạc nước mang tính chất tầm cỡ thì có lẽ cũng cần nghĩ tới, dù biết nó rất khó.
Nếu đêm mà ít sản phẩm, có sản phẩm mà không hấp dẫn thì cũng khó mà tăng doanh thu. Những người làm du lịch Huế chắc thừa biết, Huế về đêm quan trọng như thế nào đối với du lịch. Điều ông Nguyễn Quốc Kỳ cung cấp, có lẽ cũng chẳng thừa. Nó cho chúng ta thấy “một cơ sở lý luận” và điều này cũng hết sức quan trọng.
Lê Phương