ClockThứ Năm, 09/06/2022 13:15

Xây dựng hình ảnh hướng dẫn viên đậm “nét Huế”

TTH - Mỗi hướng dẫn viên (HDV) là một “đại sứ” trong ngành du lịch, hình ảnh chuyên nghiệp, thể hiện được “nét Huế” sẽ góp phần xây dựng một điểm đến khác biệt.

Mỗi hướng dẫn viên phải là một “đại sứ” du lịchẨn số nhân lực du lịchTháo gỡ khó khăn để hướng dẫn viên được nhận hỗ trợ

Nữ hướng dẫn viên Cẩm Hiền luôn lựa chọn áo dài khi hướng dẫn khách

Ấn tượng từ sự dịu dàng, trang nhã

Nhiều năm qua, HDV du lịch Cẩm Hiền đã ghi dấu ấn cho rất nhiều đoàn khách đến Huế không chỉ ở sự chuyên nghiệp, tận tâm mà còn ở sự duyên dáng “rất Huế”, với mái tóc dài đen nhánh, chiếc nón lá và tà áo dài truyền thống thướt tha.

HDV Cẩm Hiền chia sẻ, đa số các chương trình tham quan ở Huế thường gắn với di tích, lăng tẩm, chùa chiền…Trong những bối cảnh đó, áo dài là trang phục phù hợp nhất cho mọi người; trong đó, có cả HDV du lịch. Việc lựa chọn áo dài còn tạo sự thân thiện đối với du khách trong quá trình tham quan, trải nghiệm các hoạt động du lịch. Đó còn là hình ảnh riêng biệt, “rất Huế” mà không nơi nào có được.

Không chỉ có HDV Cẩm Hiền, nhiều HDV nữ khác cũng chọn áo dài khi tham gia hướng dẫn, phục vụ khách du lịch. Điều này làm "say" lòng biết bao trái tim du khách. Nhiều HDV nữ tâm sự, họ luôn có một tình yêu và niềm tự hào rất lớn đối với chiếc áo dài truyền thống. Khi khoác lên mình chiếc áo dài truyền thống, dù ở bất cứ đâu và trong hoàn cảnh nào, áo dài cũng tạo ra sự lịch sự, trang nhã cần thiết, cũng như tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam, vừa kín đáo lại vừa mềm mại, duyên dáng, rất thu hút.

Ông Trần Hữu Cửu, Chủ tịch Hội HDV tỉnh thẳng thắn, nhưng vẫn còn đó những hình ảnh HDV ăn mặc thiếu lịch sự, xộc xệch. Khi chúng ta vào các điểm du lịch, vẫn không khó bắt gặp những HDV ăn mặc kiểu hiện đại, quần jeans rách nhiều chỗ… Điều này thậm chí ảnh hưởng đến hình ảnh chung của điểm đến.

“Cha ông ta đã nói “Quen sợ dạ, lạ sợ áo quần”, du khách là những người từ phương xa đến, sẽ gặp người HDV đầu tiên mà HDV ăn mặc lịch sự, nữ mặc áo dài, nam áo sơ mi thắt cà vạt sẽ tạo ấn tượng rất tốt với khách. Ngược lại, nếu HDV ăn mặc không chỉn chu sẽ gây ấn tượng không đẹp ban đầu. Các thành viên trong hội cho biết, khách du lịch thường rất ngạc nhiên và cảm thấy thích thú vì sự đón tiếp bằng hình ảnh một HDV đậm chất Huế. Riêng hình ảnh một HDV mặc áo dài tím thôi, du khách đã thấy “rất Huế” và cảm thấy rất hài lòng về sự gần gũi, cũng như không kém phần long trọng cho sự đón tiếp ban đầu”, ông Cửu chia sẻ.

Chính vì lý do đó, Hội HDV tỉnh đang triển khai kế hoạch xây dựng hình ảnh HDV chuyên nghiệp bằng khuyến khích các thành viên trong hội ăn mặc lịch sự khi đi tour. Tạo hình ảnh đẹp về con người Huế, hình ảnh về vùng đất Cố đô giàu văn hóa và lòng mến khách.

Cần có lộ trình

Theo kế hoạch ban đầu của Hội HDV, sẽ khuyến khích nữ mặc áo dài, nam mặc áo sơ mi thắt cà vạt. Nếu làm được điều này, không chỉ phục vụ tốt cho công việc của mỗi HDV, mà còn có tính tiên phong trong xây dựng hình ảnh đội ngũ HDV chuyên nghiệp trong cả nước, rất có khả năng sẽ trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo mới cho du lịch Cố đô, dựa trên nét đặc trưng riêng đó.

Tuy nhiên, theo nhiều HDV, việc quy định đồng phục này sẽ không dễ để thực hiện vì nhiều lý do. Trước hết, nghề HDV luôn cần sự thoải mái, năng động, tránh vướng víu, nên trang phục mà HDV thường lựa chọn sẽ áo thun, quần jeans, giày thể thao. Lựa chọn trang phục nào là phù hợp nhất, mang tính đặc trưng nhất cũng đang là yếu tố gây phân vân. Với HDV nữ, sẽ không phải quá khó lựa chọn vì áo dài là phù hợp nhất; nhưng với nam, trang phục như thế nào cần được bàn tính kỹ hơn. Thêm lý do nữa là nhiều công ty có đồng phục hướng dẫn riêng, giữa cái chung và cái riêng vẫn chưa được nhất quán. Cả yếu tố thời tiết của Huế, mùa hè nắng gắt, mùa đông mưa nhiều, mặc trang phục gì cũng là yếu tố bị tác động.

HDV Nguyễn Đình Quyên, Công ty Lữ hành Fiditour chi nhánh Huế góp ý, xét về ý tưởng, các HDV rất ủng hộ, nhưng cần có kế hoạch và lộ trình khi triển khai. Theo HDV này, tùy vào tính chất của từng đoàn, nếu khách chỉ đi tham quan điểm thì nên triển khai; hay các city tour, các tour mang tính chất đặc trưng như tour MICE, khách dự hội nghị kết hợp với tham quan cũng có thể áp dụng. Khi thấy hiệu quả, phù hợp mới mở rộng ra các HDV đi tour suốt tuyến.

HDV Cẩm Hiền chia sẻ thêm, nếu nói mặc áo dài không vướng víu thì không đúng, đặc biệt với đặc thù công việc di chuyển liên tục như nghề HDV. Trong quá trình dẫn khách tham quan, cũng có vài lần gặp sự cố do du khách vô tình dẫm phải tà áo dài, hay áo dài bị dính nước mưa. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng trang phục, cần biết tiết chế các chi tiết để đặt may áo dài theo chiều dài, chất liệu và số đo phù hợp với cơ thể để tạo sự tiện lợi và giúp mình tự tin hơn trong công việc.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, lâu nay, mỗi HDV viên được xem như là “đại sứ” du lịch. Vì vậy, xây dựng hình ảnh đội ngũ HDV có tính đặc trưng riêng sẽ là giải pháp để phát huy văn hóa Huế trong hoạt động du lịch. Chính vì thế mà mỗi một HDV cần tiếp tục nâng cao năng lực chuyên môn, có tác phong chuyên nghiệp, ăn mặc lịch sự khi hành nghề… Trước tiên là các thành viên trong Hội HDV, sau đó nhân rộng ra là các HDV khác. Điều này sẽ giúp nâng cao khả năng quảng bá hình ảnh du lịch Huế nói riêng và Việt Nam nói chung; góp phần xây dựng điểm đến thân thiện, chất lượng và chuyên nghiệp, nhất là trong giai đoạn du lịch đang dần trở lại bình thường như hiện nay.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng hồ sơ di sản bún Huế

Quyết định số 3979/QĐ-BVHTTDL ngày 10/12/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận "Nghề làm bún Vân Cù" trong Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc lĩnh vực Nghề thủ công truyền thống. Đây là tiền đề xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể với tầm nhìn quốc gia và quốc tế về di sản văn hóa ẩm thực Bún Huế trong thời gian tới.

Xây dựng hồ sơ di sản bún Huế
Xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục

Ngày 18/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện Thông tư số 26/2017/TT-BGDĐT và Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT về quy định quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục
Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống

Chiều 18/12, tại Khách sạn Saigon Morin diễn ra Hội thảo khoa học Quốc gia “Phát huy giá trị âm nhạc truyền thống Huế trong phát triển văn hóa, du lịch” do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức.

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống
Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét

Sáng 18/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch với chủ đề: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển Đất nước trong kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét

TIN MỚI

Return to top