ClockThứ Hai, 20/03/2017 06:26

Xây dựng quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch

TTH - Để các hoạt động du lịch hướng đến sự chuẩn mực, chuyên nghiệp và an toàn, việc xây dựng và ban hành bộ quy tắc ứng xử là rất cần thiết.

Đồng phục cho hướng dẫn viên cũng là góp ý để xây dựng bộ quy tắc có tính toàn diện

Không thể chậm trễ

Có rất nhiều tồn tại trong hoạt động du lịch Huế cần được điều chỉnh. Tuy nhiên, không phải tồn tại nào cũng có những quy định hay chế tài để điều chỉnh. Chẳng hạn như môi trường du lịch là vấn đề “nhiêu khê”, chưa thể khắc phục dù các ban, ngành đã có nhiều cố gắng. Hay chất lượng của đội ngũ nhân lực đang hoạt động trong ngành luôn làm cho các nhà quản lý đau đầu. Dù được đề cập quá nhiều lần song không khó bắt gặp một lễ tân khách sạn chẳng “đủ” một nụ cười với khách khi tiếp chuyện... Còn về phía khách du lịch, nhiều người vẫn thiếu ý thức, viết, vẽ lung tung lên các di tích. Gần đây, có dịp lên lăng Tự Đức, không thể tin nổi khi quá nhiều “dấu tích” không đẹp trên lăng.

Một cán bộ quản lý trong ngành du lịch chia sẻ, hoàn toàn không có chế tài xử phạt đối với du khách viết, vẽ lên di tích. Khi bắt gặp, các đơn vị quản lý chỉ có thể nhắc nhở và những du khách này tự cảm thấy “xấu” với mọi người xung quanh về việc mình đã làm. Mặt khác, nếu áp dụng một chế tài riêng nào đó, nếu không hợp lý thì có thể tạo ra dư luận không hay và nếu xử phạt không khôn khéo, vô tình lại gây tác dụng ngược với các điểm đến. Như vừa qua có một người quản lý doanh nghiệp dẫn đối tác đến Huế và trực tiếp hướng dẫn thì bị ngành phạt 5 triệu đồng gây ra nhiều ý kiến trái chiều.

Những sự việc chưa có những chế tài xử phạt thì bộ quy tắc ứng xử như một “vòng kim cô” điều chỉnh các hành vi, hướng đến sự chuẩn mực. Bộ quy tắc này đã được đặt vấn đề khá lâu. Hiện tại, hầu hết các điểm đến hàng đầu trong nước đã ban hành được bộ quy tắc ứng xử riêng và đang cho thấy hiệu quả cao. Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết: “Ngành đang rất sốt ruột để sớm xây dựng một bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch”.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Chủ tịch Chi hội Lưu trú cho hay, nói đến quy tắc chính là những quy định, hướng hoạt động du lịch đến những chuẩn mực nhất có thể; giúp các bộ phận trong mỗi doanh nghiệp thực hiện các công việc được mô tả một cách cụ thể nhất. Các bộ phận buồng, bếp, lễ tân, bảo vệ… đều thực hiện công việc theo tiêu chuẩn hạng sao, có quy trình phục vụ tối ưu, không chỉ theo tiêu chuẩn trong nước mà hướng đến chuẩn quốc tế. Trên thực tế, hiện nay đã có khá nhiều quy định trong hoạt động du lịch, cơ bản chỉ cần tích hợp lại, phù hợp với hiện tại và xu hướng phát triển của Huế.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao yêu cầu ngành du lịch cần sớm xây dựng và ban hành bộ quy tắc ứng xử trong du lịch. Ngoài những quy tắc có nội dung chung, ngành cần có những quy tắc riêng, phù hợp với Huế, đặc biệt khi các sản phẩm du lịch của Huế thường gắn với văn hóa, một số nơi có tính chất linh thiêng.

Giám sát và chế tài

Ông Hoàng Đắc Huynh, Giám đốc Công ty TNHH AV Huế Travel góp ý, để bộ quy tắc hoạt động hiệu quả, cần có sự giám sát giữa các cá nhân, doanh nghiệp với nhau. Chẳng hạn như dịch vụ thuyền rồng, để có sự giám sát qua về nên gắn kết các chủ thuyền thành một tập thể, như một hợp tác xã, hay hội ngành nghề để áp dụng các quy định. Khi một thành viên nào đó vi phạm thì các thành viên khác sẽ giám sát và phản ánh để kịp thời điều chỉnh. Nếu không làm được điều này, sẽ vẫn còn hiện tượng mạnh ai nấy làm, tùy ý nâng giá hay hạ giá để thu hút khách.

Ông Nguyễn Hữu Bình nhận định, đối với các doanh nghiệp, đơn vị cung cấp dịch vụ việc giám sát thực hiện bộ quy tắc khá đơn giản, bởi chính du khách là sự giám sát hiệu quả nhất. Nếu doanh nghiệp không thực hiện tốt, cung cấp dịch vụ không đạt tiêu chuẩn thì tự làm mất khách. Cả đợt lưu trú phục vụ rất tốt, nhưng chỉ một sự việc nhỏ thì đã làm mất lòng tin của khách. Một lần mất tin là mất hết. Còn riêng việc giám sát đối với du khách là vấn đề rất phức tạp, ngành cần tính toán rất kỹ.

Giám sát và chế tài xử phạt đối với du khách không phải dễ. Du khách đến Huế, tiêu tiền mà còn bị xử phạt nữa thì dễ gây những phản ứng không hay. Bởi thế, khi bộ quy tắc được ban hành, việc liên kết giữa đơn vị quản lý, các doanh nghiệp để tuyên truyền nội dung đến với du khách là rất cần thiết. Đặc biệt, là đội ngũ hướng dẫn viên, những người trực tiếp tiếp xúc với khách. Mỗi hướng dẫn viên phải nắm rõ quy tắc để phổ biến lại với du khách, như khi vào Đại Nội không được làm gì, hay vào các nơi có tính chất linh thiêng thì cần ăn mặc như thế nào?

Ông Lê Hữu Minh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch khẳng định trong cuối tháng 3 này, bộ quy tắc sẽ được ban hành. Sở đang dự thảo nội dung, sau đó sẽ gửi đến các cơ quan và doanh nghiệp tham khảo, bổ sung ý kiến. Nội dung của bộ quy tắc gồm tất cả các lĩnh vực liên quan, không riêng quy định các đơn vị cung cấp dịch vụ mà ngay cả du khách cũng có những quy tắc khi đến Huế.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hoàn thiện hạ tầng, kích cầu du lịch

Với đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, nhiều tiện ích đô thị ở một số khu vực trên địa bàn TP. Huế hoàn thiện đã góp phần kích cầu du lịch, tạo động lực để các doanh nghiệp (DN) đầu tư thêm dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu của du khách.

Hoàn thiện hạ tầng, kích cầu du lịch
Quảng bá và phát triển du lịch từ chuyển đổi số

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, lựa chọn chiến lược và là ưu tiên hàng đầu cho phát triển nhanh, bền vững. Ngành du lịch nói chung, du lịch Cố đô nói riêng đang thúc đẩy chuyển đổi số, gắn với công tác quảng bá và phát triển ngành công nghiệp không khói.

Quảng bá và phát triển du lịch từ chuyển đổi số
Để hút khách du lịch tàu biển lên thành phố Huế

Du lịch Huế đã từng bỏ lỡ nhiều cơ hội đáng tiếc khi không ít khách du lịch tàu biển cập cảng Chân Mây chọn những điểm đến khác mà không phải là Huế. Cùng với việc đầu tư hoàn thiện sản phẩm du lịch, Huế đang chú ý hơn khâu kết nối, quảng bá để hút khách lên thành phố Huế.

Để hút khách du lịch tàu biển lên thành phố Huế

TIN MỚI

Return to top