ClockThứ Sáu, 28/04/2023 08:37

Lễ hội của các nghề thủ công & văn hóa đa sắc màu

TTH - Trải qua 8 kỳ tổ chức, Festival Nghề truyền thống (NTT) Huế đã trở thành thương hiệu với nhiều chương trình, hoạt động ngày càng quy mô và chuyên nghiệp. Liên quan đến các hoạt động tại Festival năm nay, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Le Group of Companies (Tập đoàn Truyền thông Lê), Tổng đạo diễn Festival NTT Huế 2023.

Đảm bảo an toàn cho du khách đến Huế Phân luồng giao thông phục vụ các hoạt động tại Festival Nghề truyền thống Huế 2023Chợ Huế trước thềm Festival

leftcenterrightdel
 Ông Lê Quốc Vinh

Thưa ông, ông có thể khái quát về lễ hội này cũng như những hiệu ứng mang lại?

Festival NTT Huế được thiết kế để phục vụ hai mục đích, một là, đưa Huế trở thành tâm điểm và là động lực chấn hưng, phục hồi và phát triển các làng nghề thủ công cũng như ngành thủ công của Việt Nam; hai là, tạo sức hút lớn về du lịch tới TP. Huế nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung.

Ở mục tiêu thứ nhất, Festival thu hút ngày càng nhiều các làng nghề, các doanh nghiệp trong và ngoài nước mang sản phẩm đến trưng bày và giới thiệu, thôi thúc nhiều hơn sự tham gia của cộng đồng sáng tạo. Nó đã là điểm hẹn của những người yêu NTT và thủ công toàn quốc.

Ở mục tiêu thứ hai, Festival NTT Huế đang trở thành mùa lễ hội, không chỉ là lễ hội trưng bày, thao diễn, trải nghiệm các nghề thủ công, mà còn là lễ hội văn hóa đa sắc màu, từ nghệ thuật, âm nhạc đến các lễ hội dân gian… Nó đã trở thành một sản phẩm du lịch đặc thù của Huế.

Huế đã trải qua 8 kỳ Festival NTT, người dân và du khách đã quen với các chương trình, hoạt động tại lễ hội này. Vậy ông có thể cho biết những ý tưởng mới nhằm tạo nên kỳ Festival 2023 khác lạ và đặc sắc?

Tôi phụ trách 4 trong rất nhiều sự kiện sẽ diễn ra trong hơn 8 ngày Festival. Trước hết là lễ khai mạc diễn ra tối 28/4. Điểm khác biệt lớn nhất là chương trình sẽ được thiết kế, dàn dựng theo một câu chuyện xuyên suốt. Mặc dù bản sắc của Festival là sự đa dạng, nhưng chúng tôi cố gắng kết nối trong tổng thể câu chuyện có chủ đề chung là “Bàn tay người thợ”. Thủ pháp cơ bản sẽ là âm nhạc và vũ đạo được sáng tạo mới, tiết tấu hiện đại dựa trên âm hưởng chủ đạo của âm nhạc Huế. Phần âm nhạc do nhạc sĩ Trí Minh đảm nhiệm, trong khi chỉ đạo nghệ thuật là NSUT Trần Ly Ly cùng biên đạo trẻ Quỳnh Dương. Tham gia chương trình sẽ có các nghệ sĩ được yêu thích như Ban nhạc Bức Tường, ca sĩ Đông Hùng, Sơn Thạch..., nhà thiết kế áo dài của Huế Đặng Viết Bảo. Bên cạnh đó, sẽ có sự xuất hiện của ngôi sao khách mời Hàn Quốc - Bobby Kim.

leftcenterrightdel
 Khách hàng tìm đến cơ sở sản xuất sản phẩm đệm bàng Phò Trạch (Phong Điền)

Điểm khác biệt nữa là sân khấu trải rộng từ Bia Quốc học sang cổng Trường Quốc học Huế, với khán đài hai bên, tạo không gian mở. Trên sân sẽ có chiếu visual làm nền cho các tiết mục nghệ thuật. Đêm khai mạc sẽ xây dựng hình tượng ngọn lửa nghề truyền thống, được thắp lên bởi các nghệ nhân thế hệ đi trước. Họ sẽ truyền tinh thần ngọn lửa nghề này cho các nghệ nhân thế hệ tiếp theo trong chương trình bế mạc, tối 5/5. Ngọn lửa này sẽ do nghệ nhân Đỗ Hữu Triết thể hiện bằng nghệ thuật pháp lam.

Lễ bế mạc đơn giản hơn, nhưng mang đậm màu sắc Huế với âm nhạc và vũ đạo, với chủ đề Truyền lửa. Tại đây, êkip đạo diễn vẫn là chỉ đạo nghệ thuật Trần Ly Ly, nhạc sĩ Trí Minh, biên đạo Nguyễn Quỳnh Dương, và tổ sản xuất của Le Bros.

Festival NTT Huế 2023 với chủ đề "Tinh hoa nghề Việt" được UBND TP. Huế tổ chức từ ngày 28/4 đến 5/5/2023, quy tụ 21 nhóm nghề với sự tham gia của 69 làng nghề, cơ sở nghề và trên 350 nghệ nhân, bàn tay vàng đến từ các làng nghề nổi tiếng trong cả nước. Cùng với chuỗi các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, lễ hội dân gian, lễ hội cung đình và các hoạt động hưởng ứng, hoạt động cộng đồng, Festival NTT Huế 2023 còn tổ chức các hình thức khám, chữa bệnh và phô diễn tài năng cho các thầy thuốc đông y của ngành y học cổ truyền vốn là đặc trưng của Huế.

Một chương trình mới là đêm giao lưu nghệ thuật giữa các thành phố kết nghĩa với Huế trong nước và quốc tế. Đó sẽ là một chương trình đa sắc màu, đa cung bậc và đa phong cách, tạo nên một lễ hội thực thụ. Tuy nhiên, kết nối giữa các tiết mục sẽ là thách thức không nhỏ. Chúng tôi dự kiến sử dụng bàn tay phù thủy của nhạc sĩ, DJ Trí Minh đảm nhiệm vai trò đó.

Cuối cùng là triển lãm Thiết kế Sáng tạo thủ công được tổ chức từ ngày 28/4 đến 5/5 tại 15 Lê Lợi. Đây là sáng kiến mới, bên cạnh không gian triển lãm, giới thiệu, thao diễn NTT bên bờ sông Hương. Nơi đây sẽ giới thiệu các thiết kế sáng tạo của nhiều nghệ sĩ, doanh nghiệp và nghệ nhân trong lĩnh vực thủ công.

Ông có thể nói rõ hơn về mục tiêu xuyên suốt của Festival NTT Huế 2023?

Năm nay, Festival NTT Huế là một phần trong tổng thể Festival Huế bốn mùa. Bên cạnh vai trò thường xuyên hai năm một lần, nó đóng vai trò điểm nhấn chung cho một chương trình lễ hội dày đặc suốt cả năm ở Huế.

Mục tiêu năm nay không nằm ngoài mục tiêu chung của Festival, đó là thu hút du lịch và quảng bá nghề truyền thống nói chung và các làng nghề truyền thống của Thừa Thiên Huế. Nhưng cái mới là sẽ định hướng thiết kế sáng tạo mới, theo hướng đương đại và phù hợp nhu cầu sử dụng trong nước và quốc tế, mang tính thực dụng cao hơn. 

Như trên đã nói, một trong những nỗ lực mới của Festival là đưa tinh thần thiết kế sáng tạo mới, thổi hồn vào NTT. Quan điểm của chúng tôi là NTT chỉ có thể phát triển bền vững nếu đặt cao hơn tính sáng tạo trong phát triển sản phẩm, và sáng tạo cho nhu cầu sử dụng hàng ngày của người dân Việt Nam cũng như thị trường thế giới.

Triển lãm Thiết kế Sáng tạo thủ công là một nỗ lực như thế, để góp phần phát triển kinh tế sáng tạo, công nghiệp văn hóa ở Thừa Thiên Huế. Ở đây, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng những sáng tạo đột phá của nghề pháp lam (Đỗ Triết), trúc chỉ (Phạm Hải Bằng), sơn mài, chạm khắc gỗ, khảm trai (Xưa Handicraft), kể cả áo dài Huế (Viết Bảo). Ngoài ra, cũng sẽ gặp các tác phẩm sáng tạo về gốm của họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, các nghệ nhân của công ty gốm Quang Vinh; sẽ thấy bất ngờ với những chiếc xe đạp làm bằng tre của TreviBike hay những mô hình kiến trúc làm bằng tăm tre của BOARC. Tranh ghép vải lụa Vạn Phúc của Hợp tác xã Vụn Art sẽ làm du khách thích thú với những bức chân dung danh nhân hay tranh làng Sình chuyển thể. Ngoài ra sẽ có những sản phẩm trang trí nội thất (Yên Du Studio), đồ chơi bằng gốm, bằng da (Maztermind), đồ lưu niệm bằng gốm (Lam Phong Studio), gỗ lũa (Củi Lũa Hội An), hay bằng bạc đậu (Sen Bạc)…

Những sáng tạo này đều dựa trên các ngành nghề thủ công truyền thống, nhưng được sáng tạo theo hướng đương đại, có kết hợp một hoặc nhiều nghề truyền thống để tạo nên đột phá mới. Hy vọng triển lãm này sẽ truyền cảm hứng cho các nghệ nhân, các làng nghề và người kinh doanh nghề thủ công thấy được những cơ hội và lợi ích to lớn từ thiết kế sáng tạo, tiền đề của công nghiệp văn hóa - công nghiệp sáng tạo.

Bên cạnh đó, sẽ hỗ trợ các nghệ nhân, làng nghề và doanh nghiệp mở rộng các giải pháp kinh doanh, trước hết là kinh doanh trực tuyến, ví dụ như bán hàng trên Tik Tok Shop. Đó là các hoạt động thiết thực để phát triển thị trường công nghiệp sáng tạo.

Xin cám ơn ông!

Thanh Hương (Thực hiện)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khám phá lễ hội tôn vinh sự sáng tạo của các nghệ sĩ khuyết tật ở Anh

Khi các kỹ năng và thế mạnh của các vận động viên khuyết tật đang tiếp tục gây ấn tượng tại Thế vận hội dành cho người khuyết tật Paris (Paralympic Paris), thì tại thủ đô London của Anh cũng đang diễn ra lễ hội nghệ thuật giới thiệu tài năng và sự độc đáo của các nghệ sĩ khuyết tật.

Khám phá lễ hội tôn vinh sự sáng tạo của các nghệ sĩ khuyết tật ở Anh
Quảng trường văn hóa, thể thao đưa vào hoạt động trong năm 2025

Khuôn viên Trung tâm Thể thao Thừa Thiên Huế đang được cải tạo, chỉnh trang trở thành Quảng trường Văn hóa thể thao Thừa Thiên Huế, nơi sẽ diễn ra các hoạt động, sự kiện văn hóa, lễ hội và thể thao xứng tầm quốc tế. Quảng trường này một khi đi vào hoạt động sẽ tạo diện mạo mới cho đô thị Huế cũng như nhu cầu thụ hưởng văn hóa thể thao của người dân.

Quảng trường văn hóa, thể thao đưa vào hoạt động trong năm 2025
Khai hội điện Huệ Nam

Lễ hội điện Huệ Nam (điện Hòn Chén) vừa chính thức bắt đầu vào ngày 11/8 tại Thánh đường Thiên Tiên Thánh giáo (352 Chi Lăng, TP. Huế).

Khai hội điện Huệ Nam
Áo dài trong đời sống Huế

Suốt dọc dài dải đất chữ S của đất nước Việt Nam, áo dài miền nào cũng có. Nhưng riêng với xứ Huế, tà áo dài đã là một phần của bản sắc văn hóa và vẻ đẹp riêng có của con người nơi đây. Một dấu mốc quan trọng của trang phục áo dài Huế là vào năm 1744, sau khi chúa Nguyễn Phúc Khoát lên ngôi ở Phú Xuân đã ban hành nhiều chính sách và đề cập đến việc sửa đổi y phục. Sang Triều Nguyễn, triều đình đã ban bố lệnh, tạo cơ hội cho phụ nữ Huế nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung mặc áo dài thường xuyên. Theo đó, truyền thống mang áo dài dần đi vào nếp sống hằng ngày của người dân.

Áo dài trong đời sống Huế

TIN MỚI

Return to top