|
|
Quảng diễn nghề làm bún Vân Cù là điểm nhấn đặc sắc của lễ hội ẩm thực năm nay nhằm tôn vinh tinh hoa nghề bún |
Khách đến lễ hội được trải nghiệm các công đoạn làm bún khá công phu, tỉ mỉ. Gạo được chọn làm bún phải là loại gạo ngon, đem ngâm, vo rồi ủ gạo. Người làm nghề lâu năm sẽ cảm nhận được khi nào gạo đạt độ vừa phải.
Sau khi tiếp tục làm sạch gạo thêm một lần nữa để loại bỏ những tạp chất còn lại, gạo được cho vào cối giã thành bột, gạn lọc thành bột khô - nguyên liệu làm sợi bún.
Để tạo độ kết dính, dẻo dai cho sợi bún, bột gạo được pha thêm ít bột lọc. Tỷ lệ bột lọc pha vào bột gạo không có công thức cụ thể mà đòi hỏi kinh nghiệm của người làm nghề.
Sau khi nấu chín bột, người làm bún phải dùng tay đánh bột nhuyễn, lược bột gạo thành nước bột thật mịn để khi ra thành phẩm, sợi bún bóng loáng và dẻo dai. Nước bột được cho vào khuôn vặn. Bột sau khi đi qua lỗ khuôn được nhúng ngay vào nồi nước đang sôi, hình thành sợi bún. Bước cuối cùng là làm nguội sợi bún bằng nước lạnh.
Cùng với các công đoạn làm bún, khách tham quan còn được trải nghiệm các dụng cụ làm bún ngày xưa: chày, cối để giã gạo, khuôn để vặn bún, lò lửa để luộc bún, trẹt đựng bún và triêng gióng gánh bún đi bán…
Theo chia sẻ của nghệ nhân dân gian làng Vân Cù Nguyễn Văn Tích, Vân Cù là nghề sản xuất bún tươi được hình thành cách đây hàng trăm năm. Truyền thuyết của làng vẫn lưu truyền câu chuyện về lịch sử ra đời nghề bún: Thuở xưa, có một đoàn người từ Đàng Ngoài theo chân chúa Nguyễn Hoàng vào Nam lập nghiệp, trong số đó có một cô gái xinh đẹp và giỏi giang đã dừng chân tại làng Vân Cù. Thời đó, nền nông nghiệp lúa nước phát triển, cô gái ấy đã vận dụng tay nghề tài hoa dùng gạo chế biến thành sợi bún. Từ đó, nghề làm bún ở Vân Cù được hình thành.
Từ vài hộ sản xuất nhỏ lẻ, nghề bún dần dần phát triển thành làng nghề ở Vân Cù. “Qua bao năm tháng thăng trầm, từ những dụng cụ thô sơ, các cơ sở sản xuất đã đầu tư thiết bị hiện đại, chuyển đổi kỹ thuật. Nhờ vậy, nghề làm bún Vân Cù đứng vững trên thị trường ẩm thực. Làng nghề chúng tôi luôn chú trọng nâng cao chất lượng, đầu tư thiết bị hiện đại trên dây chuyền khép kín để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm phát triển bền vững trong tương lai”, nghệ nhân Nguyễn Văn Tích nhấn mạnh.
Một số hình ảnh ghi lại quy trình làm bún Vân Cù:
|
|
Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Tích (người mặc áo dài), nghề làm bún ở Vân Cù có lịch sử hàng trăm năm, được truyền qua nhiều thế hệ |
|
|
Gạo được vo sạch nhiều lần để loại bỏ tạp chất |
|
|
Qua nhiều công đoạn, bột gạo lược thành nước bột thật mịn để khi ra thành phẩm, sợi bún bóng loáng và dẻo dai |
|
|
Bột được cho vào khuôn vặn thành sợi bún |
|
|
Sợi bún Vân Cù màu trắng ngà, mùi thơm như hương gạo mới xay |
|
|
Sau khi trải nghiệm, khách được mời thưởng thức bún con Vân Cù |