ClockThứ Tư, 19/06/2024 06:41

Huyền ảo Lễ hội Ánh sáng

TTH - Lần thứ 2 trở lại Cố đô Huế, Lễ hội Ánh sáng mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho công chúng.

Khám phá "Lễ hội ánh sáng" tại Thái Bình Lâu

Không gian nghệ thuật của Thái Bình Lâu 

Sắp đặt tinh tế

Thái Bình Lâu, vườn Thiệu Phương - công trình bên trong Tử Cấm Thành - là không gian tuyệt vời để tổ chức Lễ hội Ánh sáng 2024. Với 12 tác phẩm sắp đặt trong không gian kỳ ảo và đầy tính tương tác, những hiện vật thường ngày ở di sản trở nên cuốn hút qua sự sắp đặt đầy tinh tế.

Nhiều du khách lần đầu tiên tham gia Lễ hội Ánh sáng đã rất thích thú và ngỡ ngàng với sự ảo diệu của Thái Bình Lâu, vườn Thiệu Phương nhờ những tác phẩm cộng hưởng giữa nét cổ kính của di sản và ứng dụng của công nghệ, nhất là sự kết hợp của âm thanh và ánh sáng.

Đỗ Ngọc An Hạ, du khách đến từ Tuyên Quang hào hứng: “Lần đầu tiên tham dự Festival Huế, em khá ấn tượng với lễ hội. Những chiếc đèn thủy tinh hay bông sen tỏa sáng cùng nhiều đèn led ở hồ Thái Dịch rất đẹp, tạo cảm giác khác lạ, mới mẻ khi tham quan Đại Nội về đêm”.

Nếu ánh sáng ở “Huế by light” năm 2023 là màn trình diễn lộng lẫy trên nền âm nhạc, thì ở lễ hội ánh sáng này, là màn sắp đặt đầy khéo léo dựa trên chất liệu di sản. Để công chúng có cơ hội tiếp cận, tương tác trực tiếp với di sản một cách thân thiện, chậm rãi và nhẹ nhàng hơn. “Mình đã háo hức chờ để trải nghiệm. Và thật sự rất hài lòng, đúng như những gì mong đợi”, Phan Bảo Phú, du khách tham quan, nói sau khi xem lễ hội.

“Đại Nội Huế toát lên một sự vi diệu đến mức chúng tôi cùng với ê-kip của Viện Pháp ngay lập tức đã hình dung ra tổng thể dự án: Một hành trình thơ mộng kỳ ảo sẽ là giải pháp tuyệt vời mà không làm thay đổi mục đích cuối cùng là vinh danh di sản lịch sử. Tôi hy vọng công chúng sẽ đến đông vui để tận hưởng trải nghiệm độc đáo này”, Giám đốc Công nghệ AC3 Studio Felix Arguillère bày tỏ.

Việc xây dựng Lễ hội Ánh sáng năm nay đã tiêu tốn hơn 1 năm chuẩn bị của AC3 – Công ty Pháp đã thắp sáng cổng Ngọ Môn bằng màn trình diễn video – mapping kết hợp âm nhạc đặc sắc diễn ra trước đó (12/2023). Từ sơ đồ kỹ thuật, điện, điện tử, sáng tạo thị giác và âm nhạc cũng như điều phối tổ chức. Các công nghệ được sử dụng đa dạng hóa tùy thuộc vào từng sắp đặt cụ thể: hệ thống lưới điện thông minh thông qua các tấm quang năng, hệ thống đèn sân khấu truyền thống và trình chiếu video mapping, đèn led điều khiển được (Artnet)...

Chuyển giao công nghệ cho Huế

Diễn ra trong khuôn khổ Festival Huế 2024, Lễ hội Ánh sáng là kết quả của hoạt động hợp tác giữa ê-kip Pháp và Việt Nam. Phía đối tác Pháp đảm nhận công tác chỉ đạo nghệ thuật, phần nội dung và giải pháp kỹ thuật của sự kiện được xây dựng cùng đối tác Việt Nam trên tinh thần tham gia và chia sẻ kiến thức chuyên môn.

“Di sản Huế luôn là chất liệu tuyệt vời để chúng tôi sáng tạo, qua đó tôn vinh di sản với những hợp tác truyền thống với đối tác Huế. Chúng tôi tin tưởng đội ngũ những người bạn Cố đô có thể sớm tự mình thực hiện những lễ hội ánh sáng đầy chất thơ, nhưng không kém phần hội nhập trong tương lai không xa”, bà Sophie Maysonnave – Tham tán hợp tác và hoạt động văn hóa, Giám đốc Viện Pháp tại Huế bày tỏ kỳ vọng.

Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam luôn là đối tác chính, là người bạn đồng hành đáng tin cậy không chỉ trong các hoạt động ngoại giao, mà còn trong việc thúc đẩy giao lưu văn hóa, hợp tác nghệ thuật thông qua các kỳ Festival Huế. Tại Lễ hội Ánh sáng, khán giả được thưởng thức bữa tiệc ánh sáng kết hợp nghệ thuật sắp đặt được thực hiện một cách công phu bởi đội ngũ đến từ nước Pháp. “Một hành trình vừa mang tính học thuật vừa mang tính tương tác nhưng luôn chú trọng đến yếu tố thẩm mỹ. Lễ hội sẽ diễn ra đến ngày 20/6 và đây chắc chắn là địa điểm check-in khám phá Hoàng cung Huế về đêm thú vị mà khán giả không thể bỏ lỡ khi đến với Festival Huế 2024”, ông Trung nói.

Với Lễ hội Ánh sáng, một lần nữa cho thấy nỗ lực tiếp thêm sức sống cũng như tạo thêm góc nhìn, trải nghiệm mới về di sản. Đây cũng là tinh thần của Festival Huế: Luôn luôn mới, là sự tiếp biến giữa giá trị truyền thống và hiện đại.

Bài, ảnh: LIÊN MINH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khám phá lễ hội tôn vinh sự sáng tạo của các nghệ sĩ khuyết tật ở Anh

Khi các kỹ năng và thế mạnh của các vận động viên khuyết tật đang tiếp tục gây ấn tượng tại Thế vận hội dành cho người khuyết tật Paris (Paralympic Paris), thì tại thủ đô London của Anh cũng đang diễn ra lễ hội nghệ thuật giới thiệu tài năng và sự độc đáo của các nghệ sĩ khuyết tật.

Khám phá lễ hội tôn vinh sự sáng tạo của các nghệ sĩ khuyết tật ở Anh
Quảng trường văn hóa, thể thao đưa vào hoạt động trong năm 2025

Khuôn viên Trung tâm Thể thao Thừa Thiên Huế đang được cải tạo, chỉnh trang trở thành Quảng trường Văn hóa thể thao Thừa Thiên Huế, nơi sẽ diễn ra các hoạt động, sự kiện văn hóa, lễ hội và thể thao xứng tầm quốc tế. Quảng trường này một khi đi vào hoạt động sẽ tạo diện mạo mới cho đô thị Huế cũng như nhu cầu thụ hưởng văn hóa thể thao của người dân.

Quảng trường văn hóa, thể thao đưa vào hoạt động trong năm 2025
Khai hội điện Huệ Nam

Lễ hội điện Huệ Nam (điện Hòn Chén) vừa chính thức bắt đầu vào ngày 11/8 tại Thánh đường Thiên Tiên Thánh giáo (352 Chi Lăng, TP. Huế).

Khai hội điện Huệ Nam
Áo dài trong đời sống Huế

Suốt dọc dài dải đất chữ S của đất nước Việt Nam, áo dài miền nào cũng có. Nhưng riêng với xứ Huế, tà áo dài đã là một phần của bản sắc văn hóa và vẻ đẹp riêng có của con người nơi đây. Một dấu mốc quan trọng của trang phục áo dài Huế là vào năm 1744, sau khi chúa Nguyễn Phúc Khoát lên ngôi ở Phú Xuân đã ban hành nhiều chính sách và đề cập đến việc sửa đổi y phục. Sang Triều Nguyễn, triều đình đã ban bố lệnh, tạo cơ hội cho phụ nữ Huế nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung mặc áo dài thường xuyên. Theo đó, truyền thống mang áo dài dần đi vào nếp sống hằng ngày của người dân.

Áo dài trong đời sống Huế
Return to top