Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Festival Huế 2018
Giờ “G” sắp điểm, ông có thể cho bạn đọc biết những điểm nhấn chính và sự khác biệt của Festival Huế 2018?
Festival Huế 2018 sẽ có nhiều chương trình nghệ thuật, lễ hội chất lượng, quy mô, độc đáo, như: chương trình nghệ thuật khai mạc; chương trình biểu diễn hàng đêm của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế, hứa hẹn mang đến những chương trình hấp dẫn, đa sắc màu văn hóa; chương trình “Văn hiến Kinh kỳ” là một chương trình điểm nhấn được dàn dựng và thực hiện trên cơ sở xâu chuỗi các sự kiện lịch sử để làm nổi bật 5 di sản văn hóa của Huế được thế giới công nhận; chương trình “Âm vọng Sông Hương” là bức tranh thủy mặc giản dị và sâu lắng, mượt mà và chân thật về cảnh quan sông nước, chân dung cuộc đời của người dân sông nước Huế. Đây là chương trình nghệ thuật đặc biệt, mới lạ, được thực hiện trên sân khấu chìm ở sông Hương.
Lễ Tế giao là điểm nhấn văn hóa mang tính bảo tồn và giáo dục cao, giới thiệu đến công chúng trong nước và quốc tế những giá trị văn hoá cung đình đặc sắc. Bên cạnh đó là chương trình Áo dài; âm nhạc Trịnh Công Sơn; chương trình nghệ thuật “Tỏa sáng niềm tin”; nghệ thuật đường phố “Sắc màu văn hoá”; liên hoan “Hát Văn, hát Chầu văn toàn quốc”...
Các chương trình nghệ thuật tại Festival Huế 2018 đều mang nét mới lạ, đặc sắc, hứa hẹn thu hút du khách với ấn tượng sâu lắng, đậm đà. Đặc điểm ý nghĩa tại Festival Huế 2018 là có sự tham gia đông đảo các tầng lớp Nhân dân, các hiệp hội, cơ quan, nhân tố đảm bảo cho các lễ hội, sản phẩm du lịch tồn tại và phát triển bền vững.
Tại chương trình tổng duyệt khai mạc Festival Huế 2018. Ảnh: Văn Đình Huy
Những thuận lợi và khó khăn của Festival Huế 2018?
Thuận lợi nhất là Festival Huế luôn nhận được sự tài trợ, hợp tác của các quốc gia, các tổ chức phi Chính phủ, doanh nghiệp, đặc biệt sự ủng hộ của đông đảo Nhân dân tỉnh nhà. Điều này chứng tỏ Festival Huế đã tạo được dấu ấn tốt đẹp trong lòng công chúng. Cụ thể, Festival Huế 2018 nhận được sự đồng hành của nhà tài trợ: Carlsberg Vietnam, Acecook, VietinBank, Vietcombank, Agribank, VNPT, Mobifone, Vietnam Airlines, Vietravel...
Khó khăn cũng không ít khi công tác kêu gọi tài trợ khó hơn các năm trước, chọn tổng đạo diễn, từ chối sự tham gia quá nhiều đại sứ quán các nước…; đồng thời, áp lực các chương trình nghệ thuật phải làm mới vì đã qua 9 kỳ… Dù thế, các khó khăn này được BTC khắc phục khá tốt.
Qua 9 kỳ tổ chức, “cái” được nhất của Festival Huế là gì?
Trải qua 9 kỳ tổ chức, Festival Huế đã đạt được nhiều thành quả, khẳng định vị thế và thương hiệu trong cộng đồng các festival chuyên nghiệp trên thế giới. BTC luôn có quan điểm nhất quán về mục tiêu và định hướng, không sa vào những tính toán thương mại; tiếp tục lắng nghe, hoàn thiện để Festival Huế thực sự trở thành sự kiện văn hóa điển hình, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập văn hóa quốc tế, để Huế tiếp tục mục tiêu xây dựng thành phố festival đặc trưng của Việt Nam.
Festival Huế thu hút các đoàn nghệ thuật quốc tế tham gia ngày càng đông và chất lượng hơn. Được các Đại sứ quán các nước và các vùng lãnh thổ đánh giá cao, vì vậy các đoàn nghệ thuật luôn được sự bảo trợ, tạo điều kiện cao nhất từ các Đại sứ quán để họ đến với festival từ sự tự nguyện, như một điểm hẹn nghệ thuật hai năm một lần.
Lễ hội đường phố, một trong những chương trình nghệ thuật hấp dẫn tại các kỳ festival. Ảnh: TL
Ngoài các chương trình biểu diễn nghệ thuật ở hàng chục sân khấu trong TP. Huế và ở tất cả các huyện, thị xã trong tỉnh, càng về sau, các chương trình hoạt động văn hóa cộng đồng, các triển lãm được tổ chức như những chương trình “off”, hoặc do các tổ chức xã hội, các hội văn học nghệ thuật, kể cả cá nhân nghệ sĩ tự tổ chức ngày càng nhiều. Những kỳ festival sau, người dân không còn đứng xem nữa mà đã hòa mình vào lễ hội. Say mê với các sân chơi hưởng ứng, các chương trình cộng đồng, không giới hạn không gian và thời gian. Không khí ngày hội sôi động không chỉ ở các sân khấu biểu diễn, mà còn ở các góc phố, trên đường, ngoài công viên, tràn ra ngập cả phố đi bộ bên bờ sông Hương...
Nhiều người cho rằng, xét về kinh tế, làm festival chưa hiệu quả. Ông nghĩ như thế nào về vấn đề này?
Trước tiên phải khẳng định, chưa có quốc gia nào tổ chức sự kiện nhằm quảng bá văn hóa mà có lợi nhuận từ việc bán vé. Mỗi kỳ Festival Huế, hàng trăm ngàn lượt khách từ hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ đến Huế, đó là sức lan tỏa văn hóa, không dễ bỏ tiền ra mua được. Từ khi có Festival Huế, Nhã nhạc cung đình, ca Huế, diều Huế, nón Huế, áo dài Huế... mỗi năm ít nhất vài lần tham gia các sự kiện chính trị quan trọng, các liên hoan nghệ thuật quốc tế ở các nước. Ngược lại, Festival Huế thu hút hàng trăm chương trình nghệ thuật khắp năm châu lục, trở thành điểm hẹn di sản văn hoá và nghệ thuật đương đại Huế, Việt Nam và nhiều nền văn hoá khác trên thế giới. Nói cách khác, festival góp phần quảng bá du lịch Huế, làm tăng sức hấp dẫn và sự ngưỡng mộ đối với bạn bè các nước. Qua Festival Huế, người dân Huế có nhiều cơ hội tiếp xúc với du khách nước ngoài, các tổ chức, chuyên gia kinh tế du lịch, cơ hội nắm bắt nhu cầu và khơi gợi cảm hứng cho những sản phẩm hàng lưu niệm mang bản sắc văn hóa Huế. Việc khôi phục, tái hiện các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể độc đáo là cơ hội để người dân cảm nhận rõ hơn những giá trị văn hoá vô giá mà quê hương còn gìn giữ được.
Trong dòng người đổ về tham dự các sự kiện, nghi lễ truyền thống tại Festival Huế, họ đã có dịp thấy lại hình ảnh quen thuộc và được hoà mình trong không khí trang nghiêm của các lễ hội cung đình, lễ hội dân gian được dày công tôn tạo, gìn giữ và phát triển trong đời sống, trên một phương diện mới và vị trí mới. Vì thế, Festival Huế là một thương hiệu mang lại nhiều thứ cho Huế, nên khó lấy con số nào để “đong đếm” được.
Ông kỳ vọng gì trong festival lần thứ 10 này?
Festival Huế luôn giữ vững định hướng từ kỳ đầu tiên đến nay là giới thiệu được bản sắc và các giá trị văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam, nhưng cách thể hiện và cấu trúc chương trình và không gian diễn xướng thì luôn mới. Năm nay, với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển, Huế 1 điểm đến 5 di sản”, BTC mong muốn là nơi hội tụ, giao lưu nghệ thuật giữa nền văn hóa của nhiều quốc gia khắp các châu lục tiếp tục đẩy mạnh quan hệ giao lưu quốc tế; giới thiệu quảng bá những giá trị đặc sắc văn hoá Việt Nam, văn hoá Huế, đẩy mạnh phát triển dịch vụ - du lịch, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà trong tiến trình chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.
Xin cảm ơn ông!
ĐỨC QUANG (Thực hiện)