ClockThứ Sáu, 24/01/2020 11:38

Gà chín cựa "bén duyên" đất Huế

TTH.VN - Là giống gà xuất hiện trong truyền thuyết “Sơn Tinh, Thủy Tinh” và tưởng chừng chỉ sống ở các tỉnh phía Bắc, nhưng gà chín cựa lần đầu tiên bén duyên đất Huế. Một trại gà hơn 50 con được chủ nhân dày công chăm sóc mang lại hiệu quả cao về kinh tế lẫn du lịch.

Những chú gà con chín cựa được ấp nở thành công

Ngày giáp tết, trại gà chín cựa duy nhất trên đất Huế tại Hue Lotus Homestay (78 Minh Mạng, TP. Huế) thu hút khá đông du khách đến tham quan.

Anh Dương Quang Quốc Dũng, chủ nhân của Hue Lotus Homestay mở cửa trại, hàng chục con gà nhiều cựa lập tức bay ra tìm bới thức ăn. Cạnh bên là những chú gà con vừa được ấp nở thành công. Tại đây, có bảng chỉ dẫn để du khách tham quan loại gà độc đáo này.

Những năm gần đây, tại các tỉnh phía Bắc, gà chín cựa được nhiều người dân lùng sục tìm mua trong những ngày giáp tết để cúng tổ tiên với hy vọng cầu tài cầu lộc, mang lại bình an cho gia đình trong dịp năm mới.

Không biết xuất hiện tự bao giờ, song nhiều người cho rằng xuất phát của những giống gà này là từ đất tổ Phú Thọ. Người dân nơi đây nuôi gà ở ở khu vực có khí hậu mát mẻ, phù hợp với sự phát triển của giống gia cầm này.

Tưởng chừng thời tiết Huế khắc nghiệt khiến giống gà này khó sống. Song, bằng niềm đam mê của mình, hơn 1 năm trước, anh Dũng mạnh dạn nhập nguồn trứng giống gà chín cựa từ Phú Thọ, dùng máy ấp trứng ấp nở ra những chú gà trên vùng đất khí hậu không phải lý tưởng để loại gia cầm này sinh sống. Đến nay, anh Dũng đã thành công với đàn gà gần 50 con đang trong độ tuổi có thể xuất chuồng.

Theo anh Dũng, để nuôi được gà chín cựa, người nuôi phải đặt nhiều tâm huyết của mình vào từng quả trứng giống. Trứng phải được chăm sóc kỹ lưỡng, kiểm tra dịch bệnh trước khi đưa vào lò ấp. Chuồng gà phải dùng đệm lót sinh học, khử mùi và thường xuyên vệ sinh sạch sẽ.

”Để nuôi được loại loại gà này phải tuân thủ nguyên tắc “ăn sạch, uống sạch, ở sạch”. Trước tiên, chuồng trại phải vệ sinh hàng ngày để chân gà không bao giờ dính phân, nếu chân dính phân, gà sẽ nhiễm bệnh. Hàng tuần cho gà uống thuốc cảm cúm bởi loại gia cầm này có nguồn gốc ở một vùng núi cao nên khi sống ở vùng đồng bằng rất nhạy cảm với thời tiết. Nếu chăm nuôi cẩn thận, gà chín cựa có thể sống đến 10 năm. Ngày thường, gà có giá khoảng 300-400 nghìn đồng/kg. Vào dịp Giỗ tổ Hùng Vương và ngày lễ tết, gà được nhiều người tìm mua nên giá trị lớn, khoảng 500-600 nghìn/kg. Tết Cổ truyền, nhiều người dân lùng sục tìm mua một cặp gà trống mái với 6 cựa và 8 cựa để cúng tổ tiên với mong muốn phát lộc”, anh Dũng chia sẻ.

Gà chín cựa chính thức "bén duyên" đất Huế

Hiện, trại gà chín cựa là một trong những sản phẩm du lịch tại Hue Lotus Homestay. Tham quan tại khu vực nuôi gà chín cựa của anh Dũng, nhiều du khách tò mò, thích thú bởi lần đầu tiên tận thấy giống gà tưởng chừng chỉ có trong sách vở. “Rất thú vị khi tận mắt nhìn thấy những con gà chín cựa. Trước đây, mình chỉ nghe loại gà này là một trong những sính lễ nhà vua đặt ra trong truyền thuyết “Sơn Tinh, Thủy Tinh” và không nghĩ loại gia cầm này có thật. Khi đến tham quan tại Hue Lotus Homestay, mình được chủ nhân giới thiệu về lịch sử và phương pháp nuôi loại gà độc đáo này”, Trương Thị Ly (TP. Huế) chia sẻ.

Vào những ngày tết, ở nhiều địa phương, gà chín cựa được người dân lùng sục tìm mua dâng cúng tổ tiên, cầu mong một năm mùa màng tươi tốt. Từ sự thử nghiệm của anh Dương Quang Quốc Dũng, gà chín cựa chính thức thích nghi, phát triển tốt tại Huế dẫu các công đoạn chăm sóc khá phực tạp. Tết này, Huế có thêm một giống gà quý hiếm, đi ra từ truyền thuyết “Sơn Tinh, Thủy Tinh”. “Sắp tới, chúng tôi sẽ phát triển gà chín cựa  trong lĩnh chăn nuôi lẫn du lịch, để du khách trải nghiệm thêm một sản phẩm du lịch đó là món ăn “Cơm quan,  gà chín cựa””, anh Dũng bày tỏ.

Bài, ảnh: L.Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quảng bá di sản Bác Hồ trên đất Huế

Trên địa bàn tỉnh có 4 di tích về Bác Hồ được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Việc đẩy mạnh quảng bá có vai trò quan trọng trong hành trình tạo ra sức lan tỏa trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.

Quảng bá di sản Bác Hồ trên đất Huế
Những giống cây trái mới trên đất Huế

Gần đây, một số hộ dân nhờ học hỏi được kiến thức khoa học, kỹ thuật trong việc trồng một số giống cây ăn trái mới, đã mua giống rồi cải tạo đất ở những khu đồi hoang hóa, độ dốc lớn ở các vùng đồi như Hương Hồ, hoặc vùng cao Nam Đông.

Những giống cây trái mới trên đất Huế
Nghiên cứu văn hóa Phật giáo trên đất Huế

Ngày 19/12, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh phối hợp với Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán tổ chức hội nghị “Tiếp cận nghiên cứu văn hóa Phật giáo trên đất Huế”.

Nghiên cứu văn hóa Phật giáo trên đất Huế
Nể bác Thê thợ cả

22 tuổi làm thợ cả, ngoài 30, ông Lê Văn Thê đảm nhận công trình trùng tu kiến trúc gỗ đầu tiên trên đất Huế là Thế Tổ miếu. Hơn 20 năm gắn bó với các công trình di tích, chấp nhận cuộc sống tạm bợ công trường xa vợ xa con, với ông chỉ có thể lý giải bằng hai chữ: Đam mê.

Nể bác Thê thợ cả
Return to top