Một thầy, ba lớp
Lên xã Bình Thành, được nghe về lớp ghép dành cho học sinh đồng bào dân tộc Cơ Tu ở thôn tái định cư Bồ Hòn. Từ trung tâm xã Bình Thành, vượt qua con đường dài hơn 3km với rừng tràm bao phủ hai bên, chúng tôi mới đến được nơi.
|
Thầy giáo Trần Đình Thiết miệt mài giảng bài
|
Nhìn bên ngoài, điểm trường Bồ Hòn rất kiên cố với kiểu nhà cấp 4 bê tông cốt thép nhưng chỉ có một lớp học với 8 em học sinh đang theo học.
Quan sát lớp học, chúng tôi thấy các em đều mặc áo quần ở nhà, không có em nào mặc quần xanh, áo trắng như các em học sinh ở trường khác.
Căn phòng chỉ có 6 cái bàn, với hai cái bảng hai đầu lớp học, cửa sổ cái có cái không, thầy giáo Trần Đình Thiết (37 tuổi) giáo viên phụ trách lớp ghép vẫn miệt mài từng con chữ. Thầy vừa ân cần chỉ bảo cho các em học sinh lớp 1 đọc chữ, rồi lại chạy sang lớp 2 chỉ cách làm bài toán mới.
Thầy Thiết cho biết, lớp ghép ở điểm trường Bồ Hòn có 8 học sinh theo học, trong đó có bốn học sinh lớp 1, hai học sinh lớp 2, hai học sinh lớp 3. Trên địa bàn chỉ có mình thầy dạy một lúc 3 lớp và lớp ghép đặc biệt này chỉ có duy nhất ở Bồ Hòn.
Theo thầy Thiết, điểm trường Bồ Hòn được thành lập vào năm 2006 để phục vụ việc học cho con em đồng bào dân tộc Cơ Tu di dời từ vùng lòng hồ thủy điện Bình Điền ra. Khi đó, trường có hai lớp ghép, giáo viên thường thay phiên nhau vào dạy. Hai năm trước, nhận thấy việc học của các em tại đây khó khăn, thiếu thốn đủ thứ, chính quyền địa phương và nhà trường đã vận động được gia đình các em học sinh lớp ghép 4, 5 ra trường tiểu học Bình Thành học. Hiện nay, chỉ còn lớp ghép dành cho học sinh lớp 1, 2, 3 do thầy phụ trách.
Ông Trương Ngọc Dũng, Chủ tịch UBND xã Bình Thành cho biết, thôn tái định cư Bồ Hòn có 57 hộ dân với trên 200 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Cơ Tu. Đa số cuộc sống của người dân vẫn gặp nhiều khó khăn kéo theo việc học hành của con em cũng khó khăn theo. Chính quyền địa phương từng bước vận động người dân đưa con em ra trường chính học để các em có điều kiện học tập tốt hơn.
|
Tấm lòng của thầy
Ngót nghét hơn 10 năm dạy chữ cho học sinh đồng bào dân tộc Cơ Tu ở xã Bình Thành, thầy Thiết vẫn nhớ những ngày đầu cùng đồng nghiệp cuốc bộ băng rừng vào điểm trường tại lòng hồ thủy điện Bình Điền. Có lúc trời mưa, đường đất đỏ lầy lội bắn bẩn hết quần áo, vắt rừng đeo bám nhưng thầy và đồng nghiệp vẫn lặn lội đến trường.
Để thuận tiện việc dạy học, thầy phải ở lại với bà con dân bản cả tháng, hái lá rau rừng ăn. Chính những năm tháng cùng cam cộng khổ với người dân và học sinh đồng bào dân tộc nơi đây, thầy Thiết lại gắn bó với lớp ghép. Trong những thầy cô đã từng dạy ở Bồ Hòn, thầy Thiết là người có thâm niên lâu nhất.
Với thầy Thiết, việc học hành của các em học sinh ở Bồ Hòn rất quan trọng tạo cho các em có điều kiện học tập tốt nhất luôn là trăn trở trong tâm trí của thầy. Biết các em học sinh đồng bào thiếu thốn về sách vở, áo quần đi học, thầy phải ra trường xin sách, vở mang vào. Những lúc học sinh không đến lớp, thầy lại tìm về tận nhà vận động gia đình đưa các em đến lớp.
Cũng từng băng rừng vượt suối mang con chữ vào với học sinh đồng bào dân tộc Cơ Tu ở lòng hồ thủy điện Bình Điền, thầy Nguyễn Ngọc Tình, Hiệu trưởng Trường tiểu học Bình Thành hiểu rõ khó khăn trong công tác giảng dạy ở vùng đất này. Chính vì vậy mà việc bám điểm trường Bồ Hòn gieo chữ được giao cho thầy Thiết, một người quá am hiểu phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Cơ Tu nơi đây.
Thầy Tình cho biết, nhà trường cũng muốn đưa các em học sinh lớp 1, 2, 3 ra trường chính học nhưng vì đường xa xôi, cha mẹ các em lại thường đi rẫy không đón hàng ngày nên chưa thể thực hiện. Năm học tới, lớp ghép 1, 2, 3 tại điểm trường ở Bồ Hòn vẫn được duy trì để các em học sinh có thể đến trường biết cái chữ. Bên cạnh đó, nhà trường cũng vận động các tổ chức từ thiện, mạnh thường quân tài trợ cho các em học sinh ở Bồ Hòn về sách vở, áo quần.
Nói về học sinh lớp 4, lớp 5 người dân tộc Cơ Tu ra học ở trường tiểu học Bình Thành, thầy Tình cho biết, nhà trường tạo điều kiện hết sức, vận động được xe đạp trao tặng cho các em thuận tiện đi lại. Học phí của các em nhà trường cũng không thu.
Khi chúng tôi ra về, thầy Thiết, thầy Tình đều nhắn gửi, nếu biết có tổ chức từ thiện, mạnh thường quân nào chuyên giúp đỡ học sinh nghèo thì vận động giúp cho các em học sinh ở Bồ Hòn để các em có điều kiện học hành tốt hơn. Nghe những lời nói của hai thầy, chúng tôi mới cảm nhận được sự tận tâm, lo lắng của các thầy với trò.