Điểm chuẩn xét tuyển đợt 1 dao động từ 13 đến 25 điểm (ngành y). Khối sư phạm trầy trật với mức điểm sàn của Bộ. Tạm được có Trường ĐH Ngoại ngữ, Khoa Du lịch từ 15 - 21,75 điểm. Còn lại các trường Khoa học, Nông lâm, Kinh tế, Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị có mức từ 13 - 18 điểm. Điểm chuẩn này chỉ tương đương với một trường top dưới. Bổ sung các đợt, nhiều trường vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu do cạn nguồn.
Hãy bắt đầu từ ngành công nghệ thông tin đang rất hot. Điểm chuẩn của Trường ĐH Khoa học Huế là 13,5 điểm, trong khi Trường đại học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (cùng hệ) là 25 điểm và Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng (cùng khu vực) là 23 - 23,5 điểm. Thật ảo tưởng khi nghĩ rằng, có thể đào tạo một sinh viên (SV) có điểm đầu vào mức dưới trung bình kia có được trình độ ngang bằng với một SV vốn là học sinh có trình độ khá giỏi. Học ngành công nghệ, xuất phát điểm quá thấp không thể tiếp thu được kiến thức, đừng nói tới chuyện học giỏi.
Năm 2011, điểm trúng tuyển vào ngành tài chính ngân hàng Trường đại học Kinh tế Huế là 19 điểm, tương đương với điểm chuẩn cùng ngành của Trường đại học Kinh tế Đà Nẵng. 08 năm sau, điểm xét tuyển của ngành này ở Huế là 15 điểm, trong khi muốn vào trường Đà Nẵng phải đạt 20,5 điểm. Dù biết sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng nhiều học sinh khá giỏi của Thừa Thiên Huế vẫn kiên quyết khăn gói vào Đà Nẵng học kinh tế.
Tôi gặp một số giảng viên thuộc Đại học Huế và nhiều bậc phụ huynh để trao đổi và chia sẻ xung quanh vấn đề này và câu chuyện hầu như chỉ xoay quanh môi trường rèn luyện và cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Bản thân tôi không thuyết phục được con trai duy nhất và cháu đang học Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh về một ngành học hiện có ở Đại học Huế. Có một số ý kiến về việc học ở Huế, SV không tìm được chỗ thực tập, làm thêm như ý, nhất là đối với các ngành công nghệ và kỹ thuật. Sau khi ra trường, lại càng khó hơn. Học ở Huế lại phải vào TP. Hồ Chí Minh hay các tỉnh phía Nam xin việc (yếu nhiều kỹ năng) rõ ràng thất thế.
Trở lại với ngành công nghệ thông tin. Trường đại học Khoa học Huế là một trong những cơ sở đại học đầu tiên được chọn để mở ngành học. Nhiều năm nay, ngành học này đứng đầu bảng xét tuyển ngay ở các trường danh tiếng nhất. Song, bây giờ điểm xét tuyển ở Huế chỉ ngang với trường dân lập là đáng để suy nghĩ. Đầu tư cơ sở vật chất cho ngành học này không quá khó và chúng ta không thiếu đội ngũ giảng viên giỏi. Tình hình có thể cải thiện nếu có một cách tiếp cận vấn đề và đầu tư tốt hơn.
Học sinh học hành nghiêm túc xem việc nộp đơn xét tuyển vào đại học là “chọn mặt, gửi vàng”. Cùng với đổi mới tuyển sinh, vấn đề đặt ra là phải biết cách thu hút được học sinh, đặc biệt là học sinh khá giỏi bằng thương hiệu, chất lượng đào tạo. Phải tính đến môi trường học tập và đặc biệt là công tác sau này. Học năm thứ ba ở TP. Hồ Chí Minh, cháu trai tôi đã có việc làm (dạng thực tập) với thu nhập 7 triệu đồng/tháng là điều mà ở Huế chưa có được. Cuối cùng, hãy bắt đầu bằng những ngành học mà Đại học Huế có thế mạnh, đừng quá ôm đồm mà đánh mất các ngành học đã góp phần tạo nên thương hiệu, như y khoa hay sư phạm.
Khó có thể cạnh trạnh trong bối cảnh phải thực hiện tự chủ đại học so với các trường ở Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, nhưng Đại học Huế có thể giải quyết được tình trạng không tuyển đủ chỉ tiêu và với mức điểm chuẩn quá thấp như hiện nay. Làm được việc này, phải biết ta là ai và vị thế hiện tại ra sao để có những bước đi thích hợp, tránh ảo tưởng và ngộ nhận.
THỤC ĐAN